Thuật ngữ “cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” có thể được hiểu đơn giản là tự động hóa đến mức tối đa khâu sản xuất. Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã có kế hoạch để dần thay thế công nghệ lạc hậu.
Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu do vốn yếu nên đầu tư máy móc, kỹ thuật mới đã khó mà việc đào tạo được nguồn lao động để vận hành, áp dụng được các kỹ thuật mới còn khó hơn, do đó đang dần đuối sức trong cuộc đua.
Chật vật “số hóa”
Nhận định về xu hướng của một nền kinh tế kỹ thuật số mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa đến Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng này nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp hiện đang sử dụng hệ thống máy móc, nhà xưởng cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại khiến cho các doanh nghiệp này dù muốn “số hóa” cũng tốn nhiều chi phí và thời gian hơn. Và muốn sử dụng được công nghệ mới, áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất thì doanh nghiệp cần có một nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là trở ngại của nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Theo ông Trần Phú Sĩ, Phó Giám đốc phụ trách nhân sự Công ty TNHH Gia công Sản phẩm May mặc Trường Phú: "Ngay từ đầu năm 2016, Công ty chúng tôi đã tích lũy nguồn vốn để thực hiện kế hoạch thay đổi hệ thống máy móc trong toàn nhà xưởng. Bắt đầu với khâu gắn mác, dập khuôn, ráp bộ phận. Tuy nhiên khi chúng tôi đầu tư được một dây chuyền thử nghiệm thì lại gặp khó khăn trong việc vận hành dây chuyền đó. Bởi kĩ sư của hãng chỉ hỗ trợ chúng tôi trong vài tháng đầu, sau đó chúng tôi phải đào tạo đội ngũ kế cận. Nhưng 90% lao động của doanh nghiệp là lao động phổ thông, chỉ làm các công việc giản đơn nên chúng tôi gần như không thể đào tạo lao động tiếp thu được kiến thức của hãng sản xuất. Nếu tuyển một đội ngũ lao động mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thì lại vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp hiện nay".
“Hầu như vốn của doanh nghiệp đã đổ hết vào để thay đổi dây chuyền sản xuất, mong là từ đó sẽ gia tăng năng suất cũng như gia tăng sản phẩm tạo lợi nhuận nhưng giờ nguồn nhân lực lại là bài toán khó đối với chúng tôi”, ông Sĩ cho biết.
Vốn ít làm gì cũng khó
Có cùng ý kiến với ông Sĩ, ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn khi thiếu nguồn nhân lực bởi đang có xu hướng dịch chuyển nhân công có tay nghề sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu muốn đầu tư vào máy móc thì không có tiền để đầu tư vào con người trong khi đó doanh nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
Ông Toàn nêu ví dụ, để đầu tư một dây chuyền đúc tự động của Đan Mạch tốn khoảng 3 triệu Euro là điều không thể với một doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó nhân lực để vận hành hoàn thiện một dây chuyền như vậy cũng phải là lao động được đào tạo bài bản, được đi học nâng cao ở nước ngoài. Vì vậy, đây vẫn là mức đầu tư quá sức đối với DN.
Từ góc nhìn là nhà tuyển dụng, ông Lê Huy Thức, Tổng Giám đốc Công ty Gia công Cơ khí PTT cho rằng, doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động đúng với nhu cầu. Bởi mức lương mà chúng tôi có khả năng trả chỉ phù hợp với các lao động phổ thông, trong đó chỉ có một số rất ít lao động đủ năng lực để doanh nghiệp đào tạo sâu thêm. Còn phần lớn lao động khi vào doanh nghiệp phải mất khá nhiều thời gian để đào tạo lại để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhưng số lao động này cũng chỉ đảm nhận được các công việc giản đơn, với các máy móc, kĩ thuật đã cũ, lạc hậu. Nếu muốn đào tạo được đội ngũ lao động có trình độ quản lý, vận hành được hệ thống máy móc theo công nghệ tiên tiến thì con số mà doanh nghiệp phải bỏ ra cũng không phải là nhỏ. Và tất nhiên, do nguồn vốn ít nên hầu như chúng tôi mới chỉ dừng ở ý tưởng chứ chưa áp dụng được vào thực tế. Đơn cử như hiện nay, chúng tôi mới có đủ điều kiện để cho 3 lao động của công ty đi học hỏi phương pháp sản xuất Lean (còn gọi là sản xuất tinh gọn hay tiết kiệm) tại Singapore. Mỗi khóa học chúng tôi đều bỏ 100% chi phí với mong muốn những lao động này sau khi về sẽ giúp công ty xây dựng lại hệ thống sản xuất trên cơ sở không sản xuất thừa, không sản xuất thiếu, không để ùn tắc, sản xuất ra đến đâu đóng hàng đến đấy. Từ đó, sẽ phổ biến phương pháp này tới từng người lao động để từ đó thay đổi tư duy của người lao động, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tinh gọn và tối đa hóa năng suất.
Theo bà Tiêu Yến Trinh - Tổng Giám đốc Công ty Talentnet (công ty chuyên về tư vấn nhân sự), việc hội nhập vào sân chơi khu vực không chỉ tác động đến các doanh nghiệp lớn mà còn cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường sẽ đón nhận nhiều làn sóng đầu tư từ nước ngoài cũng như cơ hội thâm nhập thị trường khu vực, nhưng chỉ những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt mới có thể nắm bắt được. Vì vậy, đầu tư vào con người sẽ là công cụ thiết yếu dành cho tất cả các doanh nghiệp để tự trang bị một nội lực vững vàng và luôn ở tư thế chuẩn bị đón đầu hội nhập.
Xuân Thảo
Theo Báo Hải quan
Vietnam Report
Bình Luận (0)