Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Cùng với đó, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.
Cắt giảm chi phí logistics là nội dung mà Chính phủ và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Mặc dù đã có nhiều chính sách được ban hành trong thời gian qua, song việc giảm chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Đây cũng là nội dung chính được bàn thảo tại “Diễn đàn logistics Việt Nam 2020” do Bộ Công Thương phối hợp với Thành phố Hà Nội và Ngân hàng thế giới (World Bank) tổ chức ngày 26/11.
Chi phí logistics còn rất cao
Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Minh Phương logistics, việc chi phí logistics tại Việt Nam còn ở mức cao, một phần là do cơ sở hạ tầng chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế. Cộng thêm những hạn chế về sử dụng dịch vụ thuê ngày… là những yếu tố đẩy chi phí logistics tăng lên.
[Công bố Top 10 công ty uy tín ngành logistics Việt Nam năm 2020]
Đặt vấn đề cạnh tranh không cân sức giữa các doanh nghiệp nội-ngoại, bà Phương cho rằng, nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… hỗ trợ doanh nghiệp tối đa khi doanh nghiệp của họ đầu tư ra nước ngoài, song tại trong nước nhiều doanh nghiệp vẫn phải "tự bơi".
“Lợi nhuận thấp cộng với chi phí vốn tăng dẫn đến sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội và ngoại không cân sức. Bên cạnh đó tự các doanh nghiệp dịch vụ trong nước còn cạnh tranh lẫn nhau, cố gắng hạ giá dẫn đến chi phí lợi nhuận không cao, đây là bất cập của doanh nghiệp logistics hiện nay,” bà Mai Phương nói.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu Armtrong & Associates (Hoa Kỳ), chi phí logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore… cao gần gấp hai lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải cũng rất cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này là giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
“Ba vấn đề cơ bản khiến chi phí logistics còn thiếu cạnh tranh đó là: cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính và sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài,” ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn Logistics 2020. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Đồng bộ từ quy hoạch
Thực tế hiện nay, với số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics khoảng 400.000 doanh nghiệp, song thực tế chỉ khoảng 10% là doanh nghiệp lớn còn lại hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên khả năng phát huy các kết nối về tài chính và công nghệ vẫn còn hạn chế.
Không những vậy, ông Phùng Tiến Toàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Interserco cho rằng, dù số lượng trung tâm logistics đã tăng trưởng khá nhanh, song hầu hết các trung tâm này có quy mô nhỏ lẻ, đầu tư manh mún, có ít phương thức vận tải kết nối.
Do vậy, để đáp ứng với yêu cầu của phát triển kinh tế, ông Toàn đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí và các cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng đối với các trung tâm logistics…
Còn theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải, việc giảm chi phí logistics không đơn thuần chỉ cắt giảm giá trên từng công đoạn mà quan trọng nhất là cần giải pháp tổng thể từ khách hàng đến người cuối cùng, tức là đồng bộ trên nền tảng công nghệ thông tin với quy trình chuẩn.
Lấy ví dụ về chi phí nâng hạng cho 1 tấn hàng ngô tại cảng của Việt Nam chỉ khoảng 2,5 USD (tương đương 80.000-90.000 đồng), nhưng cùng 1 tấn đó và thiết bị đó tại một Liên doanh của Công ty ở nước ngoài lại cao gấp 10 lần, ông Trung cho rằng, chi phí trên từng công đoạn không phải quan trọng nhất mà mấu chốt chính là khả năng kết nối giữa các công đoạn, từ tàu đến cảng, kho, xe tải để phân phối hàng hóa đó.
“Thời gian mới là tiền bạc”, làm sao giảm tối thiểu chi phí chờ của tàu, chi phí lưu kho cũng như có giải pháp đưa hàng kịp thời đáp ứng tiến độ nhà máy mới là giải pháp căn cơ giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh,” Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Cùng với đó, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên .
Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics. Đặc biệt là, cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, giải pháp tiết giảm chi phí, thúc đẩy phát triển logistics cho từng lĩnh vực giao thông như: đường bộ, đồngđường biển, đường /thủy, đường sắt, đường không và cho từng vùng, miền, địa phương.
Cùng với đó, triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan… nhằm rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, giảm chi phí cho các hoạt động logistics.
Trong công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.
Đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông-vận tải, công nghệ thông tin… phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan… trong một tổng thể thống nhất.
“Trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó có các giải pháp huy động nguồn lực hợp lý để đầu tư một cách hiệu quả,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh thêm.
Bình Luận (0)