Hơn 200 doanh nghiệp khai tử mỗi ngày

28/07/2016

Người tạo 0

Chuyên mục:

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, mỗi ngày có 172 doanh nghiệp, mỗi tháng có 5172 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Tính 7 tháng đầu năm, cả nước có 36206 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của Tổng cục thống kê cho biết, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 7 tháng năm nay là 36206 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, 13656 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 35,8% và 22550 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, tăng 1,1%.

Trong tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động có đăng ký, có 5101 công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (chiếm 37,4%); 4504 công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên (chiếm 33%); 2544 công ty cổ phần (chiếm 18,6%) và 1507 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 11%). Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số thuế hoặc không đăng ký, có 9300 công ty TNHH 1 thành viên (chiếm 41,2%); 7120 công ty TNHH 2 thành viên (chiếm 31,6%); 4088 công ty cổ phần (chiếm 18,1%) và 2042 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 9,1%).

Theo dự báo, tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Một chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn thị trường, dẫn đến không duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, đình trệ hoặc buộc phải ngưng sản xuất sau một thời gian cố gắng “cầm hơi”. Có thể nói, đây không phải vấn đề của riêng doanh nghiệp, mà là vấn đề lớn của cả các cơ quan quản lý và nền kinh tế. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, vấn đề thu ngân sách sẽ gặp khó, ngân hàng gặp rủi ro, lao động thất nghiệp tăng dẫn đến bất ổn an ninh, trật tự xã hội. Tất cả những hệ lụy đó sẽ tác động xấu tới sự phát triển của cả nền kinh tế.

Theo thông tin của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), số DN phá sản hiện tập trung phần lớn vào các DN nhỏ và vừa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn của DN như: thiếu vốn, thiếu thị trường, khủng hoảng đầu ra, thiếu đơn hàng và gánh nặng chi phí lãi vay, chi phí gia nhập thị trường. Tuy nhiên, trong các nguyên nhân dẫn đến DN phá sản, rủi ro tài chính (thiếu vốn, chi phí lãi vay lớn) là nguyên nhân lớn nhất khiến các DN không thể mở rộng đầu tư, quay vòng vốn và tái sản xuất.

Thu Trang

Tổng hợp

 

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *