Vấn đề khởi nghiệp đang được nói đến nhiều, nhưng theo các chuyên gia, có những trường hợp chỉ là hoạt động khởi nghiệp thông thường. Trong khi đó, để có thể tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, rất cần khởi nghiệp bằng con đường đổi mới sáng tạo.
Không thể đi... một mình
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiệp ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre hiện là giám đốc một công ty thuộc lĩnh vực hóa mỹ phẩm với sản phẩm mà công ty này sản xuất được xem là khó “đụng hàng”. Đó là cây son môi với thành phần chủ yếu chiết xuất từ dừa, loại trái đặc sản của quê hương chị. Để ra đời một công ty, hình thành một dòng sản phẩm riêng cho công ty mình, chị cũng phải trải qua một thời gian khởi nghiệp không mấy suôn sẻ.
Chị Hiệp kể, thông qua kiến thức học được ở một lớp dạy làm đẹp từ sản phẩm thiên nhiên cộng với nhu cầu làm đẹp của bản thân, chị mày mò tìm hiểu và quyết định thử sức với loại son môi nói trên. Thành phần chính của nó là dầu dừa với tỷ lệ đến 70%, còn lại là sáp ong, dầu hạnh nhân, dầu cám gạo, màu khoáng tự nhiên... Để có được một sản phẩm hoàn chỉnh như bây giờ, chị không nhớ nổi chị đã phải trải qua bao nhiêu lần thử nghiệm và... thất bại. “Ban đầu tôi làm chỉ để phục vụ bản thân thôi. Sau đó, khi được bạn bè khuyến khích tôi mới suy nghĩ đến chuyện kinh doanh”, chị nói.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Hiệp cho rằng ngoài những nỗ lực cá nhân, quá trình khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ của những người xung quanh, quan tâm đến dự án của mình. Chị kể, để sản phẩm được cho phép ra thị trường, chị được yêu cầu phải có chuẩn cơ sở để được cấp số công bố chất lượng. Bên cạnh đó, còn phải thực hiện các quy trình đăng ký chất lượng sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, bao bì sản phẩm... “May mắn là tôi đã được Trung tâm Xúc tiến hỗ trợ khởi nghiệp đầu tư tỉnh Bến Tre giúp đỡ”, chị cho biết.
Tương tự, kế hoạch thương mại hóa sản phẩm của chị cũng đã cần đến sự hỗ trợ. Chị phải liên kết với những người chuyên làm thị trường của các hãng mỹ phẩm lớn. “Họ sẵn có hệ thống phân phối để khai thác, chứ người mới khởi nghiệp, vốn đầu tư ít thì không thể lo được”, chị Hiệp nói.
Theo chị, muốn sản phẩm thương mại hóa thành công, thứ nhất phải có người hướng dẫn về bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; thứ hai, có người hỗ trợ về mặt thủ tục, giấy tờ pháp lý; thứ ba, phải có nơi cung cấp nguyên liệu, vật tư đầu vào ổn định và cuối cùng là thị trường tiêu thụ. Từ những thành công bước đầu, kinh nghiệm được chị Hiệp rút ra là “không thể đi một mình”.
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhận xét rằng những người trẻ khởi nghiệp thường có ý tưởng mới, nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Theo ông, trong các chương trình khởi nghiệp nên có tổ tư vấn để giúp họ biết cách giải quyết những vấn đề phát sinh. Chẳng hạn, những vấn đề pháp lý khi đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm...
Muốn đột phá, không thể khởi nghiệp “thông thường”
Bình luận về những trường hợp thành lập công ty, khởi sự kinh doanh như trường hợp của chị Ngọc Hiệp nói trên, một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là những dạng khởi nghiệp “thông thường”. Theo các chuyên gia này, để khởi nghiệp có thể tạo ra được sự đột phá cho nền kinh tế, thậm chí mang xu hướng dẫn dắt, phải đi bằng con đường đổi mới sáng tạo.
Tại một hội thảo diễn ra ở Cần Thơ mới đây, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp SIHUB (Saigon Innovation Hub), đã nêu một ví dụ xung quanh việc sản xuất chiếc điện thoại thông minh khi nói về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Tước nói, để sản xuất ra một chiếc điện thoại trị giá 1.000 đô la Mỹ thì Việt Nam được hưởng chỉ 5 đô la Mỹ từ gia công và thương mại được hưởng 80 đô la. Trong khi đó, đơn vị sáng tạo ra chiếc điện thoại là Samsung hay Apple được hưởng 300-400 đô la. Đặc biệt, từ sau thành công của Apple và Samsung, một xu hướng công nghệ thông minh đã hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Một ví dụ khác từ việc đổi mới sáng tạo trong đóng góp vào nền kinh tế, theo ông Tước, những nền kinh tế của châu Âu có tổng doanh thu ngành ô tô khoảng 186 tỉ đô la Mỹ và nền kinh tế công nghiệp nặng khoảng 200 tỉ đô la, trong khi đó, nền kinh tế đổi mới sáng tạo có đóng góp lên đến 268 tỉ đô la Mỹ.
Từ câu chuyện ở trên, có thể thấy lĩnh vực đổi mới sáng tạo đã mang lại một giá trị vượt trội hơn những lĩnh vực khác cho một đơn vị, nhìn rộng hơn là của một quốc gia, và nó có tầm ảnh hướng lớn, định hình một xu hướng mới của thế giới. Cụ thể, sau khi những ứng dụng gọi xe Grab, Uber ra đời đã hình thành một xu hướng di chuyển mới và một loạt ứng dụng tương tự đã hình thành ngay sau đó. Vì vậy, Việt Nam muốn tạo ra được sự đột phá về kinh tế cũng phải đi bằng con đường đổi mới sáng tạo. Theo ông Tước, giá trị cốt lõi của sản phẩm là phải tạo ra được xu hướng mới, phải tạo ra được động cơ dẫn dắt nền kinh tế bứt phá. “Đó mới là yếu tố then chốt của khởi nghiệp”, ông nhận định.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, cho biết khi việc ứng dụng công nghệ mới vào mô hình kinh doanh mới và tạo ra tăng trưởng nhanh thì đó là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nó khác với khởi nghiệp “truyền thống” là tạo ra công ăn việc làm. Muốn “bứt phá” mạnh mẽ về kinh tế thì cần những đột phá trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trung Chánh
Theo Saigon Times
Vietnam Report
Bình Luận (0)