Theo bảng xếp hạng về Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 (Index of Economic Freedom 2021) mới được Heritage Foundation (Mỹ) công bố, Việt Nam được 61,7 điểm, cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới. Đây cũng là năm đầu tiên kinh tế Việt Nam bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free), tăng 15 bậc so với năm ngoái, từ nhóm được xem là hầu như không tự do kinh tế.
Ảnh minh hoạ |
Chỉ số tự do kinh tế liên tục được cải thiện
Những năm gần đây, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam liên tục được cải thiện, với điểm tổng thể năm 2016 là 54 điểm; năm 2017 là 52,4 điểm; năm 2018 là 53,1 điểm; năm 2019 là 55,3 và năm 2020 Việt Nam là 58,8 điểm; Như vậy, chỉ sau 2 năm, Việt Nam đã thăng 36 bậc.
Được Quỹ Di sản (The Heritage Foundation - một tổ chức nghiên cứu và giáo dục, chuyên thúc đẩy tự do kinh doanh được thành lập năm 1973 tại Mỹ) công bố hằng năm từ năm 1995, chỉ số tự do kinh tế đánh giá bốn nhóm lĩnh vực, với tổng cộng 12 tiêu chí, được xếp theo thang điểm 100. Điểm tổng thể của một quốc gia được tính bằng cách lấy trung bình điểm của mười hai quyền này, với trọng số tương đương nhau. Các tiêu chí cụ thể bao gồm: Nhà nước pháp quyền (quyền tài sản, tính liêm chính của chính phủ, hiệu lực tư pháp); Quy mô chính phủ (chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính); Hiệu quả quản lý (tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ); Thị trường mở (tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính).
Còn theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, được Brand Finance - Công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại London (Anh) công bố tại “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu” ngày 25/2/2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Cụ thể, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua. Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu. Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ DN xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của DN Việt Nam. “Quyền lực mềm” Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có từ lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình… mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới.
Tiếp tục các nỗ lực mới
Việt Nam đã được 90 nước công nhận kinh tế thị trường và đạt được những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua và có nhiều khả năng tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao trong tương lai trung hạn nhờ khung đầu tư tổng thể đã được hiện đại hóa, chi phí đăng ký kinh doanh đã được cắt giảm và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, cũng như hoạt động khởi sự kinh doanh. Theo công bố xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư của Tạp chí U.S. News & World Report, Việt Nam xếp thứ 8 trong top 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019, tăng từ vị trí 23 của năm 2018. Những cải cách chính sách kinh tế đã giúp Việt Nam đang ngày càng trở thành một quốc gia cạnh tranh và hội nhập hơn...
Đồng thời, thực tế cũng cho thấy, quá trình tiếp tục cải thiện quyền lực mềm và tự do kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới cũng đòi hỏi những nỗ lực mới. Việt Nam cần nhận diện và giải quyết hiệu quả hơn các khó khăn, thách thức đến từ sự thay đổi mạnh mẽ về tất cả các lĩnh vực đời sống thế giới, nhất là cuộc CMCN 4.0, biến đổi khí hậu, cải cách DN Nhà nước, tăng cường cải cách thể chế và cải cách hệ thống tư pháp… Từ đó đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị và tăng cường thương mại quốc tế; nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh kinh tế cả vĩ mô và vi mô.
Với 61,7 điểm, Việt Nam là nền kinh tế tự do đứng thứ 17/40 quốc gia ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương và đứng thứ 90/184 nền kinh tế trên thế giới trong bảng xếp hạng của Heritage Foundation.
|
|
TS Nguyễn Minh Phong
Theo Kinh tế & Đô thị
Bình Luận (0)