Xu hướng số hóa ở Việt Nam (hay công cuộc chuyển đổi số) đang xuất hiện trong mọi lĩnh vực (từ thương mại, thanh toán, y tế, giáo dục, du lịch, vận tải…). Nền kinh tế số đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng để xử lý các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước.
Tiềm năng
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số đang trên đà phát triển mạnh. Kết quả khảo sát năm 2017 cho thấy: Dân số Việt Nam vào khoảng 95 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 31%.
Khoảng 53% dân số tương ứng 50 triệu dân sử dụng Internet, 48% dân số sử dụng mạng xã hội tương ứng 46 triệu dân, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động lên đến 124,7 triệu (ứng với 131% dân số), trong đó số người dùng mạng xã hội trên điện thoại chiếm 43% dân số. Với dân số trẻ, tỷ lệ lớn người dân tiếp cận Internet, điện thoại thông minh, cùng với các mạng xã hội. Đó chính là cơ hội lớn cho phát triển TMĐT và kinh tế số.
Doanh số TMĐT bán lẻ qua các năm cho thấy rõ hơn sự phát triển nhanh và mạnh của lĩnh vực này, ước tính tăng trưởng trung bình 25%/năm (năm 2015 đạt 4.07 tỷ; 2016 đạt 5,1 tỷ USD; năm 2017 đạt 6,2 tỷ đô; và dự kiến đến năm 2020 đạt 10 tỷ USD). Riêng năm 2017, giá trị trung bình mua hàng của một người vào khoảng 186 USD.
Tuy nhiên, khảo sát năm ngoái cho thấy những con số đáng chú ý như: Tỷ lệ doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách về TMĐT, CNTT chỉ đạt khoảng 36%. Về các hình thức thanh toán phổ biến, hiện nay hình thức thanh toán tiền mặt COD vẫn chiếm ưu thế, năm 2016 vào khoảng 89%, tiếp đến là thẻ nội địa 41%, các loại thẻ tín dụng hay ví điện tử còn thấp.
Có thể thấy các trở ngại lớn khi mua sắm của người dân và doanh nghiệp bao gồm: Sản phẩm chất lượng kém so với quảng cáo (80%), giá cả không rõ ràng (43%), vận chuyển và giao hàng chậm (40%); lộ thông tin cá nhân (36%); thanh toán trực tuyến phức tạp (15%).
Chuyển đổi số của doanh nghiệp còn thấp theo đánh giá của cơ quan quản lý về TMĐT, thể hiện qua các con số khảo sát về ứng dụng công nghệ số/phần mềm trong doanh nghiệp: Quản lý nhân sự (59%); quản lý hệ thống cung ứng (29%); quan hệ khách hàng (32%); ERP (17%).
Ông Đặng Hoàng Hải (Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) mới đây đã đưa ra phân tích: Hiện đang có nhiều tồn tại trong phát triển TMĐT nói riêng và kinh tế số nói chung. Hạ tầng chính sách và thể chế cũng có những điều đáng chú ý.
Chẳng hạn, việc hoàn thiện, liên thông hệ thống chính sách pháp luật về kỹ thuật số: Các cơ chế quản lý chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình TMĐT mới. TMĐT có đặc thù là dựa trên nền tảng công nghệ, nền tảng Internet với tốc độ phát triển và thay đổi vô cùng nhanh chóng. Trong khi đó, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các hành vi trong xã hội lại cần thời gian để nghiệm chứng nên không thể theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Do đó, hoàn thiện, liên thông hệ thống chính sách pháp luật về kinh tế số rất quan trọng, nhằm tạo môi trường thông thoáng, có tính khuyến khích cho việc sáng tạo, ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh - thương mại. Đồng thời, vẫn cần có sự theo dõi sát của các cơ quan quản lý Nhà nước để ngăn chặn các hình thức biến tướng của công nghệ, có thể gây hại cho môi trường kinh doanh, cũng như lợi ích cộng đồng.
Cần có sự bứt phá
Ông Đào Ngọc Chiến (Phó Vụ Trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng nền công nghiệp lần thứ 4 (CN 4.0), trong đó có kinh tế số, đang có những tác động lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi nhiều vấn đề cần phát triển trong chính sách và tư duy quản lý Nhà nước, cũng như triển khai áp dụng trong doanh nghiệp.
“Chính phủ phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận để hoạch định và thực hiện chính sách, quan trọng nhất là nâng cao vai trò của người dân” - ông Đào Ngọc Chiến nhận định tác động của CN 4.0 - “Doanh nghiệp đang phải đối mặt với tính cạnh tranh cao, khả năng mở rộng thị trường nhanh, không biên giới, thách thức tụt hậu về công nghệ sản xuất, khả năng không đáp ứng về trình độ nhân lực. Trong khi đó, người dân có nguy cơ mất an toàn thông tin, xâm phạm quyền riêng tư, thay đổi bản sắc”.
“Cần có nhận thức đầy đủ về bản chất, tác động của cuộc cách mạng 4.0. Tích lũy nền tảng lâu dài của nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản định hướng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nghiên cứu và phát triển là chìa khóa quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội”- ông Đào Ngọc Chiến nhấn mạnh trong một thảo luận gần đây giữa các chuyên gia về TMĐT và kinh tế số.
Những thách thức của CN 4.0, với sự phát triển kinh tế số mà chuyên gia chỉ ra bao gồm cả không ít lo lắng về bức xúc xã hội do sự thâm nhập của các công nghệ kỹ thuật số. Hay chuyện giải quyết việc làm, ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, rủi ro công nghệ. Nguy cơ tụt hậu trong phát triển so với thế giới cũng là một lo ngại không hề nhỏ.
Tuy nhiên, với lợi thế của những nước “đi sau” (các nước phát triển) như Việt Nam, do không bị hạn chế bởi quy mô cồng kềnh, quán tính lớn, tạo điều kiện cho Việt Nam bứt phá nhanh chóng, vượt qua các quốc gia khác cho dù xuất phát sau. Việc ứng dụng những công nghệ mới cho phép thúc đẩy năng suất lao động và tạo khả năng nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Thêm nữa khả năng biến đổi các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị cho doanh nghiệp trong nước.
Xu hướng số hóa đã trở thành chiến lược của nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu. Cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số có rất nhiều, chẳng hạn: Phát triển các liên kết giữa thương mại - người tiêu dùng thông qua nền tảng TMĐT Dịch vụ hỗ trợ bao gồm thanh toán, bảo hiểm, phát hiện gian lận, dịch vụ khách hàng. Tham gia phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số gồm cơ sở dữ liệu và các trung tâm TMĐT…
Đối với doanh nghiệp hiện nay để hòa cùng dòng chảy của phát triển kinh tế số chung, xu hướng không thể “đứng ngoài” là những giải pháp tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa. Hay việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh.
Cũng như yêu cầu tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức; sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh. Thêm nữa, giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số, phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới, hay việc thích ứng với các mô hình thuế mới… là những vấn đề không chỉ từng doanh nghiệp cần quan tâm.
Thanh Tuấn
Tổng hợp
Vietnam Report
Bình Luận (0)