Lượng doanh nghiệp khai sinh năm 2016 là một kỷ lục đáng mừng. Tuy nhiên, đóng góp vào tăng trưởng GDP của những doanh nghiệp đó còn khiêm tốn. Đây chính là vấn đề cần tìm hiểu để có biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sau khi gia nhập thị trường.
Phía sau kỷ lục
“Tại sao doanh nghiệp khai sinh năm 2016 cao kỷ lục, với 110 nghìn doanh nghiệp mà tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 2 năm trở lại đây?” - là câu hỏi được báo chí gửi đến lãnh đạo Tổng cục Thống kê mới đây.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tiết lộ sự thật: Trong 110 nghìn DN thành lập mới, có hơn 98.000 DN đã đi vào hoạt động, chiếm 98,7%. Nhưng nếu xét về cơ cấu DN mới thành lập ở các ngành thì dù số lượng nhiều nhưng đóng góp tăng trưởng chưa như kỳ vọng.
Doanh nghiệp Việt còn hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Vietnamnet
“Cụ thể trong số các DN mới đi vào hoạt động, có 35,4% hoạt động trong bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy. Ngành này không tạo ra nhiều cơ sở vật chất. Còn lại 13,7% DN hoạt động trong công nghiệp chế biến chế tạo, cho nên đóng góp vào tăng trưởng tạo ra giá trị sản phẩm vật chất còn khiêm tốn”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Vị này khẳng định: Vì chủ yếu vẫn là nhỏ và vừa nên các DN mới đóng góp ít cho tăng trưởng. Nếu nhìn 110 nghìn DN thành lập mới mà hy vọng tăng trưởng bùng lên thì không phải.
Tại buổi Công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ của Tổng cục Thống kê, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê, nói: "Chúng ta vẫn đang ở tình trạng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng chủ yếu phát triển mạnh về quy mô, vốn, lao động và doanh thu, thực tế hiệu quả vẫn thấp, thấp hơn nhiều nước, trong đó có những nước ngay bên cạnh như Thái Lan, Indonesia. Điều này cũng giống như tình trạng kinh tế hiện nay".
Hơn 15 năm nay, tỷ lệ các DN vừa và nhỏ vẫn không thay đổi, chiếm khoảng 97%, chủ yếu quy mô siêu nhỏ với 60% doanh nghiệp có số lao động dưới 10 người. Đó là chưa kể hàng năm có khoảng vài chục nghìn DN phải giải thể, tạm ngừng hoạt động.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng: Số lượng DN thành lập mới quan trọng, nhưng số DN hoạt động có hiệu quả là quan trọng hơn.
Theo Tổng cục Thuế, tỷ lệ DN tư nhân hoạt động theo Luật DN có lãi, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là không cao, điều này đáng lo ngại. Chính phủ và các bộ, ngành cần có đánh giá thẳng thắn, sát sao về sức khoẻ của DN, đặc biệt là DN mới vào thị trường một vài năm.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đang chờ nhiều vào "nâng cấp" các hộ kinh doanh. Ảnh: Vietnamnet
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp
So với các nước trên thế giới, số lượng DN của Việt Nam chỉ gần 500 nghìn, được xem là con số khá thấp. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay, cứ 15-20 người dân là có một doanh nghiệp. Đài Loan, Singapore, Hồng Kông... đều có tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân cao như vậy.
Nhưng ở Việt Nam, 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Ngay cả Campuchia, số dân chỉ chưa đến 20 triệu nhưng cũng có tới gần 500 nghìn DN, tương đương Việt Nam.
Vì thế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 số doanh nghiệp đạt 1 triệu. Tại cuộc họp báo ngày 11/4 của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI, tin rằng 2020 có thể đạt được 1 triệu doanh nghiệp bởi nhiều lý do.
Trước hết, hiện nay với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng đã gặp doanh nghiệp với khí thế mới, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng là “cú hích” quan trọng tháo bỏ rào cản đang cản trở doanh nghiệp phát triển. Ví dụ, vấn đề đóng thuế, đóng bảo hiểm, doanh nghiệp mất thời gian về thông quan, xuất nhập khẩu... Bên cạnh đó, còn có Nghị quyết 35 với mong muốn quốc gia khởi nghiệp, biến ý tưởng khởi nghiệp trở thành dự án thành công, doanh nghiệp thành công...
Một trong những cơ sở để nhiều người tin tằng mục tiêu 1 triệu DN có thể đạt được là chuyển các hộ sản xuất kinh doanh thành doanh nghiệp.
Ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho hay: Hiện có khoảng hơn 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và có khoảng hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ. Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp về mặt thủ tục cũng rất đơn giản sau khi có Luật Doanh nghiệp mới.
Nhưng để hàng triệu hộ kinh doanh ấy lên DN thì còn nhiều khó khăn. Cho dù số hộ kinh doanh ấy sẵn lòng “nâng cấp” lên DN thì đó cũng chỉ là một mặt của tấm huy chương.
Ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận, mục tiêu có 1 triệu DN mà Chính phủ đưa ra là rất quan trọng, nhưng việc DN hoạt động có hiệu quả cũng quan trọng không kém. Chính vì vậy, đằng sau thông điệp của Nghị quyết 35, không chỉ là số lượng DN theo thống kê mà đằng sau đấy là hoạt động kinh doanh thuận lợi, là những hộ kinh doanh mà họ có động lực để chuyển thành DN, là những DN hoạt động bài bản đúng nghĩa. Có nghĩa là họ tiếp cận nguồn lực dễ hơn, họ quản trị một cách tốt hơn và nguồn lực trong nền kinh tế sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn.
Vietnamnet
Vietnam Report
Bình Luận (0)