Moody’s: Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng TMCP Nhà nước tại Việt Nam đang vượt tốc độ

01/08/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Hãng Dịch vụ Đầu tư Moody’s cho biết lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đang cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ kích thích nhu cầu tín dụng và hỗ trợ cải thiện chất lượng tài sản, tuy nhiên các thách thức cũng đang hiện rõ.

“Tăng trưởng tín dụng đang vượt tốc độ huy động vốn nội sinh, tạo gánh nặng lên tỷ lệ vốn, và các ngân hàng TMCP nhà nước – không như các ngân hàng TMCP tư nhân – đã chậm trễ trong việc nâng vốn ngoại sinh trong khi tỷ lệ vốn giảm.

Trong bối cảnh đó, chất lượng vốn hóa tiếp tục đi xuống sẽ làm giảm tính cạnh tranh của các ngân hàng TMCP nhà nước và lịch sử tín nhiệm của các ngân hàng này”, chuyên gia phân tích Rebaca Tan của Moody’s nhận định.

Các kết luận của Moody’s được đưa ra trong báo cáo vừa công bố, “Ngân hàng – Việt Nam: Vốn hóa giảm sẽ làm yếu lịch sử tín nhiệm của các ngân hàng thuộc nhà nước”.

Lợi nhuận trung bình trên tài sản hữu hình (ROTA) của các ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tăng lên 0,97% trong năm 2017 từ 0,7% trong năm 2016, trong khi tỷ lệ trung bình đã điều chỉnh tài sản của các khoản nợ có vấn đề giảm còn 4,7% vào cuối năm 2017 từ 5,9% một năm trước đó.

Về triển vọng, Moody’s dự báo các thước đo lợi nhuận và chất lượng tài sản sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2018 -2019, dù tăng trưởng nợ nhanh, ở mức 21% trong năm 2017, có thể tiềm ẩn các rủi ro tài sản.

Cụ thể, các ngân hàng đã tăng cho vay bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), một tín hiệu tốt đối với biên lợi nhuận nhờ tỷ lệ các khoản cho vay đó khá cao. Trong khi đó, việc giảm dần cho doanh nghiệp nhà nước (SOE) vay vốn là điều tích cực vì nhiều SOE vẫn trong tình trạng “ốm yếu” về tài chính.

Tuy nhiên, huy động vốn nội sinh sẽ không đủ bù đắp tăng trưởng cho vay nhanh như hiện nay, và các ngân hàng Việt Nam được xếp hạng tín nhiệm sẽ cần thêm 7 – 9 tỷ USD vốn để đạt tỷ lệ vốn Cấp 1 ở mức 11% trong năm 2018 và 2019, trong khi duy trì tỷ lệ tăng trưởng cho vay hiện tại.

Nếu không có vốn từ bên ngoài, Moody’s ước tính tỷ lệ vốn Cấp 1 của các ngân hàng TMCP tư nhân được xếp hạng tín nhiệm sẽ giảm xuống còn 8% vào cuối năm 2019 từ 9,4% hồi cuối năm 2017, trong khi tỷ lệ này của các ngân hàng TMCP nhà nước sẽ giảm từ 6,9% xuống 6,1% trong cùng giai đoạn.

Các quan ngại này giảm nhẹ một phần đối với các ngân hàng TMCP tư nhân, vốn đã chủ động nâng vốn chủ sở hữu từ thị trường thông qua hàng loạt đợt chào bán cổ phần thành công từ năm 2017 và giúp tăng tỷ lệ vốn.

Ngược lại, các ngân hàng TMCP nhà nước chậm trễ trong việc nâng vốn ngoại sinh trong khi tỷ lệ vốn giảm – chủ yếu do chính phủ ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược. Tỷ lệ vốn lõi (TCE) trung bình đã điều chỉnh tài sản của các ngân hàng này giảm còn 6,89% vào cuối năm 2017 từ 6,92% một năm trước đó, và có thể tiếp tục đi xuống nếu các ngân hàng không thể tăng vốn.

Với đệm vốn lớn hơn, các ngân hàng TMCP tư nhân có thể tăng đầu tư vào tăng trưởng kinh doanh, dẫn đến lợi nhuận và huy động vốn nội sinh tốt hơn.

Trong khi đó, Moody’s nhìn thấy các ngân hàng TMCP nhà nước đang mắc kẹt trong một chu kỳ mà trong đó thâm hụt vốn kìm hãm tăng trưởng, khiến huy động vốn nội sinh liên tục giảm, kéo theo khả năng cạnh tranh thấp. Do đó, Moody’s dự báo lịch sử tín nhiệm của các ngân hàng này sẽ tụt lại phía sau các ngân hàng TMCP tư nhân.

Trường GIang

Theo Vietnambiz

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *