Việt Nam cần cẩn trọng trong việc nới lỏng tiền tệ do chính sách này có thể tạo rủi ro cho nền kinh tế và ngành ngân hàng, một chuyên gia của Moody’s Investors Service cho biết.
“Trong bối cảnh chính phủ đang tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục theo đuổi một chính sách tiền tệ từ trung lập đến nới lỏng”, Anushka Shah, chuyên pha phân tích tích nhiệm quốc gia, trả lời phỏng vấn Bloomberg.
“Tuy vậy, chính sách thả lỏng tiền tệ có thể làm xói mòn ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh tăng tốc độ trưởng tín dụng đã nhanh rồi”, bà Shah nhấn mạnh.
“Việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có thể gây một số rủi ro cho ngành ngân hàng do làm giảm khoảng đệm vốn của các ngân hàng”, chuyên gia của Moody’s nói thêm.
Một khảo sát của Bloomberg cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất trong cả năm 2018 sau khi bất ngờ cắt giảm một số lãi suất điều hành trong năm 2017. Trong khi đó, Malaysia trong tuần trước đã nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ 2014.
Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đạt 18,17% trong năm ngoái và Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay. Ngân hàng Thế giới tháng 12/2017 đã cảnh báo Việt Nam không nên tăng trưởng tín dụng nhanh bởi điều này sẽ làm tăng rủi ro cho hệ thống và làm suy giảm chất lượng tài sản.
Tại buổi họp báo hồi đầu tháng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2018 Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tăng trưởng GDP trong năm nay có thể tương đương mức 6,8% đạt được trong năm ngoái và cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra cho năm nay.
Nhận định về tình hình chống tham nhũng tại Việt Nam, bà Shah cho rằng tăng cường quản trị và kiểm soát tham nhũng sẽ góp phần duy trì sức cạnh tranh của Việt Nam như một nền kinh tế định hướng thị trường, và giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm ngay cả khi kinh tế thế giới chịu những cú sốc.
Chuyên gia này cũng nhận xét rằng các cải cách hiện nay nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và cải thiện sức cạnh tranh đang rất tích cực đối với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ diễn ra từ từ do quy mô của các doanh nghiệp này lớn.
Minh Anh
Theo Bizlive
Vietnam Report
Bình Luận (0)