Ngân hàng bán lẻ: Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

14/06/2019

Người tạo 0

Chuyên mục:

Tín dụng tăng chậm, nhưng các ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận tốt nhờ đẩy mạnh bán lẻ.

Miếng bánh đầy tiềm năng trong mảng hoạt động này đang nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt khi mà thương mại điện tử đang bùng nổ hiện nay.
 
Đột phá lợi nhuận từ ngân hàng bán lẻ
 
Kết thúc quý I/2019, lợi nhuận Techcombank đạt kỷ lục 2.600 tỷ đồng, đánh dấu chuỗi 14 quý tăng trưởng liên tiếp. Tổng Giám đốc Techcombank Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, kết quả ngân hàng đạt được không phải ngẫu nhiên mà từ một quá trình chuẩn bị và chuyển đổi trong suốt 3 năm qua. Danh mục cho vay của ngân hàng đang có sự chuyển dịch khi giảm tỷ lệ cho vay từ DN lớn chuyển sang DN nhỏ và khách hàng cá nhân.
 
Tương tự, tại VIB Bank, trong họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2019, lãnh đạo ngân hàng này cho biết nhờ có sự chuyển đổi sâu rộng trong hoạt động mà ngân hàng đã có được các kết quả đột phá khi lợi nhuận đã tăng gần 4 lần từ mức 702 tỷ đồng năm 2016 lên đến 2.743 tỷ đồng năm 2018. Từ khối kinh doanh có lợi nhuận không đáng kể, ngân hàng bán lẻ đã trở thành nơi đóng góp nguồn lợi nhuận trọng yếu cho VIB trong năm 2018. Còn theo đại diện VPBank, hoạt động của ngân hàng riêng lẻ vẫn là động lực chính đóng góp vào kết quả kinh doanh quý I/2019, với khoản lợi nhuận tới 745 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm trước, với riêng ngân hàng mẹ là 473 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ.
 
Ở khối NHTM lớn như Vietcombank, lợi nhuận quý I/2019 từ mảng dịch vụ cũng tăng lần lượt 21,3%, đạt 1.069 tỷ đồng. VietinBank trong quý I tổng lợi nhuận tăng 9,9% so với cùng kỳ 2018, đạt 7.950 tỷ đồng, trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ tăng đột biến 64%, đạt 969 tỷ đồng.
 
Không chỉ những tháng đầu năm 2019, năm 2018 nguồn thu dịch vụ tăng rất mạnh ở một số ngân hàng lớn, chiếm đến 20 - 35% tổng thu nhập cả năm. Tại những ngân hàng nhỏ, dịch vụ vẫn chiếm tới 15 - 20% trong tổng nguồn thu. Tín dụng bán lẻ là chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng với mong muốn đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu khi mà ngân hàng T.Ư thắt chặt tiền tệ hoặc khi gặp rủi ro tín dụng. Đối tượng mà loại tín dụng này hướng đến rất rộng với số lượng vô cùng lớn, nhưng khối lượng vay khá nhỏ. Với biên lợi nhuận cao và khả năng phân tán rủi ro, không ít ngân hàng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng bán lẻ trong thời gian tới.
 
Cuộc đua giữa các ngân hàng
 
Năm 2019, thị trường Việt Nam được nhận định vẫn là một trong những thị trường tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ với dân số 96 triệu người, GDP bình quân đầu người năm 2018 đạt gần 2.590 USD, tăng 201 USD so với năm 2017. Trong xu thế này, mỗi ngân hàng đang hướng tới chiến lược phát triển riêng. Agribank hướng đến mở rộng đối tượng khách hàng nông thôn, trong khi LienVietPostBank mở rộng mạng lưới tích hợp với 1.300 phòng giao dịch bưu điện.
 
Nhiều ngân hàng tư nhân khác đầu tư nhiều vào công nghệ như TPBank, VPBank để giữ chân khách hàng trong hệ sinh thái do mình tạo ra. Không chỉ cung cấp các dịch vụ của ngân hàng, mà các dịch vụ ăn theo khác như cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, sức khỏe, phối hợp các nhà bán lẻ mua sắm… cũng được triển khai.
 
Techcombank tiếp cận theo chiến lược “Chuỗi giá trị” áp dụng cho các khách hàng là tập đoàn lớn giúp cung cấp dịch vụ trọn gói và tổng thể nhất cho khách hàng. Hiện, Techcombank đang dẫn đầu về cho vay mua nhà, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng này thậm chí còn ký hợp đồng hợp tác độc quyền với Manulife trong 15 năm.
 
Với SHB, lộ trình trong vòng 5 năm tập trung vào triển khai các dự án theo các nhóm lĩnh vực: Hướng tới khách hàng (Customer Centricity); Dữ liệu lớn (Big Data); Số hóa (Digital); Tối ưu hóa quy trình (Process Optimization); Hạ tầng công nghệ (Technology); Mô hình quản trị Công nghệ thông tin (IT Operating model)…
 
Không chỉ các ngân hàng trong nước, các ngân hàng nước ngoài, các liên minh ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cũng đang cạnh tranh sôi nổi trong mảng bán lẻ. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, ngân hàng nước ngoài đang chú trọng khách hàng cao cấp, nhưng trong thời gian tới không loại trừ khả năng họ sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ cho khách hàng thu nhập trung bình. Khi đó, ngân hàng nào chậm chân trong cuộc đua cạnh tranh ở mảng bán lẻ, ngân hàng đó sẽ mất một thị phần kinh doanh lớn đầy tiềm năng.
Thảo Nguyên
Theo Kinh tế đô thị 

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *