Ngân hàng ngoại sắp “tấn công tổng lực”, nhà băng Việt "đỡ" thế nào?

08/08/2016

Người tạo 0

Chuyên mục:

Hàng loạt NH nước ngoài đang tăng cường hiện diện tại thị trường Việt Nam thông qua nhiều hình thức như lập NH 100% vốn nước ngoài, mở chi nhánh. Sự gia tăng có mặt tại thị trường Việt Nam của các thương hiệu nhà băng ngoại lớn thời gian gần đây thực sự là mối lo đối với các nhà băng nội địa khi miếng bánh bị “chia năm xẻ bảy”.

Ào ạt đổ bộ

Thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam vừa đón nhận thêm một ngân hàng ngoại gia nhập, NHNN vừa ban hành văn bản thông báo chấp thuận về nguyên tắc, cho phép NH Woori (Hàn Quốc) thành lập NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nếu được cấp giấy phép, đây sẽ là NH 100% vốn nước ngoài thứ 7 tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 3-2016, NHNN đã cấp giấy phép thành lập NH 100% vốn nước ngoài cho Public Bank Perhad (Malaysia) tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1-4 với tên gọi NH TNHH MTV Public Việt Nam với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và có thời hạn hoạt động 99 năm.  

Đầu năm 2016, Citibank cũng cho biết nếu được NHNN chấp thuận, NH này cũng sẽ thành lập NH con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. NH E.SUN (Đài Loan) cũng từng bày tỏ ý định sẽ phát triển thành NH con 100% vốn nước ngoài tại thị trường Việt Nam sau khi mở chi nhánh đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai. Điều này cho thấy các NH nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường nước ta. Và áp lực với các nhà băng nội trong cuộc cạnh tranh tới đây ngày càng rõ nét, bởi thực tế là không chỉ các nước trong khu vực, mà ngay cả các nước ngoài ASEAN cũng đang rất quan tâm thị trường. 

Vì, ngoài việc hình thành AEC thì theo cam kết WTO, tới năm 2020 thị trường ngân hàng cũng phải mở rộng khong giới hạn cho các nhà băng ngoại. Và bằng chứng là hiện đang có các nhà băng ngoại đến từ Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang “nhăm nhe” muốn vào. Sự xâm nhập một cách "ồ ạt" và bành trướng của các nhà băng ngoại với tiềm lực lớn thực sự là mối lo cho ngân hàng nội. Đáng nói là, do có mạng lưới hoạt động rộng rãi, nên các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam không chỉ “thâu tóm” được khách hàng ruột của nước mình, mà còn mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ - vốn lâu nay được coi là mảng sản phẩm truyền thống của các ngân hàng nội địa. Mặc dù thị phần của các NH nước ngoài hiện vẫn còn thấp, tuy nhiên với độ phủ ngày càng rộng và thời gian hoạt động lâu dài cùng tiềm lực về vốn và công nghệ, trong dài hạn NH ngoại có thể lấn sân vào thị phần của các NH Việt Nam. Trước đây, NH ngoại chủ yếu tìm kiếm lợi nhuận từ dịch vụ ngoại hối và phí, hiện nay cũng đã tăng cường tăng trưởng tín dụng. Năm 2015, khi NHNN chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa cho 18 NH, trong đó có 4 chi nhánh NH nước ngoài và 1 NH nước ngoài 100% vốn.

Ngân hàng nội buộc phải “lớn” để cạnh tranh

Dù không nằm trong diện phải tái cơ cấu, nhưng Phó tổng giám đốc một ngân hàng trong nhóm G12 tại Hà Nội thừa nhận, hiện các ngân hàng nội đã nhận thấy mối lo này và đã lên kế hoạch ứng phó. Sự có mặt của các ngân hàng nước ngoài sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo động lực để phát triển, đồng thời, cũng tạo áp lực cạnh tranh rất lớn trong hệ thống ngân hàng. Theo Vụ Hợp tác quốc tế NHNN, khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành tài chính - NH cũng phải mở cửa. Về mức độ, các cam kết của Việt Nam trong TPP về cơ bản ngang bằng những cam kết trong WTO như Việt Nam không được phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư đến từ các nước TPP, không được phép áp dụng các biện pháp hạn chế thị trường, như hạn chế về pháp lý… nhưng trong đó có nhiều điểm mới. 

Đáng chú ý nhất là nếu Việt Nam cho phép các TCTD trong nước cung cấp dịch vụ tài chính mới mà không cần phải xây dựng mới hoặc sửa đổi luật, các NH của các nước tham gia TPP cũng phải được cung cấp dịch vụ như vậy. Các ngân hàng của Việt Nam còn 5 năm nữa để các chuẩn bị nội lực cho mình, nếu như không muốn thị phần “rơi tõm” vào tay các ngân hàng ngoại.

Bên cạnh đó,  ngoài tỷ trọng vốn, thì công nghệ đang là yếu tố giúp một nhà băng nắm 50% phần thắng trong tay. Bởi đơn giản, ngân hàng có quy mô lớn có khả năng đáp ứng chi phí ngày càng cao của công nghệ, có khả năng tạo ra những dịch vụ, sản phẩm có giá trị gia tăng, thu hút tiền gửi trong dân cư, tích lũy vốn dành cho các dự án lớn…Hiện dịch vụ của các TCTD trong nước chưa đa dạng, nếu áp dụng quy định này sẽ đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn. Cho đến nay, dù các NH ngoại ồ ạt đầu tư tại Việt Nam, các NH trong nước đầu tư ra nước ngoài không nhiều và vẫn chưa có NH nào mang tầm cỡ khu vực. So sánh về quy mô, 3 NHTM lớn nhất trong nước hiện chỉ có quy mô trung bình từ 30-35 tỷ USD trong khi đó, tại các nước như Thái Lan, Indonesia, quy mô các NH lớn gấp đôi con số này. Hơn nữa, chất lượng quản trị cũng ở mức gấp đôi.

Đã tới lúc các ngân hàng Việt Nam thay đổi nhận thức và cần đầu tư mạnh hơn vào công nghệ, vào giá trị cốt lõi. Bởi về lâu dài thị trường cần có những ngân hàng có mạng lưới thanh toán lớn, phục vụ mục tiêu bán lẻ tốt. Các ngân hàng nội đang nỗ lực chuyển mình qua việc tái cơ cấu vừa rồi, và khi có thêm động lực buộc sự chuyển mình đó phải diễn ra nhanh hơn nếu không muốn loại khỏi sân chơi ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Trần Huyền

Tổng hợp

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *