Trong khi nhiều mặt hàng nông thủy sản giảm lượng và giá trị xuất khẩu thì nhân hạt điều là điểm sáng. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vùng nguyên liệu đang trở thành nỗi lo của doanh nghiệp (DN) ngành điều, ngành hàng luôn tự hào là đứng đầu thế giới về xuất khẩu.
Lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu quá lớn
Hạn chế lớn nhất của ngành điều là sự bất cập giữa tình trạng xuất khẩu tăng đều, chiếm vị trí cao, nhưng diện tích và sản lượng điều thô trong nước liên tục giảm nên bị lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, chất lượng không bằng trong nước. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 328.819 tấn điều nhân, kim ngạch hơn 2,4 tỷ USD. Hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, chiếm 50% thị phần điều toàn cầu. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết cả nước hiện có khoảng 1.000 cơ sở chế biến hạt điều và 371 đơn vị xuất khẩu, công suất chế biến khoảng 1,2 triệu tấn, chiếm khoảng 40% công suất chế biến của thế giới.
Điều nghịch lý là hiện nay ngành điều Việt Nam chỉ chủ động được 1/3 nguyên liệu sản xuất, còn lại phải nhập khẩu từ Campuchia và phần lớn từ châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà. Việt Nam có thể chế biến hơn 800.000 tấn hạt điều một năm nhưng nguồn cung cấp nguyên liệu hiện nay vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Việc ngành điều thiếu nguyên liệu nội địa cho chế biến được các chuyên gia trong ngành cho rằng, những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết, giá cả thị trường, khiến năng suất, chất lượng hạt điều giảm sút, kéo theo đó là thu nhập của người nông dân trồng điều cũng giảm rõ rệt. Trước tình trạng đó, nhiều nông dân đã chặt bỏ cây điều để chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm có giá trị cao hơn, khiến diện tích cây điều đã giảm mạnh.
"Nếu tính luôn cả lượng điều thu mua trong nước cho chế biến xuất khẩu cộng với kim ngạch nhập khẩu điều nguyên liệu về chế biến, ngành xuất khẩu điều chủ yếu vẫn làm gia công là chính", giám đốc một doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu điều cho hay. Theo ông này, trong thời gian qua, kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có tiền nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu nhận điều từ các công ty nước ngoài để về gia công nhằm duy trì công ăn việc làm cho nông dân.
Trong hai đến ba năm tới, ngành điều Việt Nam vẫn sẽ duy trì được lợi thế nguyên liệu trong nước và từ Campuchia, song trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt do sự phụ thuộc quá nhiều vào vùng nguyên liệu, dự báo khoảng năm 2020 sẽ gặp khó khăn lớn, và nguy cơ mất khả năng cạnh tranh là hoàn toàn có thể.
Gỡ bỏ rào cản cho ngành điều
Để hạn chế tình trạng bị ép giá khi mua điều thô, hiện nay các DN ngành điều tại tỉnh Long An đang tập hợp thành một nhóm mua với số lượng khoảng 100.000 tấn/năm và một hoặc hai DN đại diện đứng ra đàm phán. Lãnh đạo Vinacas còn thông tin, thời gian qua nhiều DN nhập khẩu hạt điều của Việt Nam "xù” hợp đồng, gây khó khăn cho sản xuất. Thế nhưng, nguyên nhân của vấn đề là do chính DN nước ta chưa chặt chẽ trong những điều khoản khi soạn thảo hợp đồng. Hoặc ký trước hợp đồng khi mùa vụ chưa tới mà không có ràng buộc với đối tác, nếu có khởi kiện cũng chỉ thua. Theo ông Thanh, Vinacas có soạn sẵn mẫu hợp đồng để các DN tham khảo. Đây là mẫu hợp đồng chặt chẽ, rất ràng buộc.
Theo kế hoạch của Hiệp hội Điều Việt Nam, năm nay sản lượng điều xuất khẩu của nước ta sẽ đạt 350.000 tấn với kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định là yếu tố rất quan trọng để ngành điều phát triển bền vững. Quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 300.000 ha điều, tăng 5.000 ha so với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để ngành điều phát triển bền vững, các DN cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với người nông dân để có nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định. Các địa phương có thời tiết, đất đai phù hợp với cây điều như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai cần có quy hoạch cụ thể cho mỗi vùng trồng điều. Từ đó, kết hợp với DN để hỗ trợ nông dân chọn giống tốt, áp dụng kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng của cây điều.
Nguyễn Trung
Tổng hợp
Vietnam Report
Bình Luận (0)