Nguy cơ hai nền kinh tế trong một quốc gia

01/03/2017

Người tạo 0

Chuyên mục:

Ứng xử như thế nào với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được xem là thách thức lớn trong bối cảnh không có bài học nào của nước khác hoàn toàn thích ứng cho nước ta.

Hai nền kinh tế trong một quốc gia

Trong năm 2016, những tranh luận về lợi và hại của nguồn vốn FDI trong nền kinh tế Việt Nam đã trở nên rất nóng qua sự kiện Formosa gây ra thảm họa môi trường ở miền Trung. Câu hỏi lựa chọn cá và thép đã trở thành một chủ đề tranh cãi kéo dài và chắc chắn còn tiếp diễn trong tương lai.

Song song với tranh cãi đó, các chuyên gia kinh tế phát triển cũng đã nêu nhiều lo ngại rằng, FDI có thể phân hóa nền kinh tế. Đầu năm 2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu lo ngại về rủi ro hai nền kinh tế trong một quốc gia: đó là nền kinh tế của khu vực FDI và nền kinh tế của doanh nghiệp tư nhân nội địa. Rủi ro này đang dần trở thành hiện thực.

Khối FDI hiện chiếm trên 70 % lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Công nhân Công ty Doosan sản xuất thiết bị lọc nước biển xuất khẩu tại Quảng Ngãi. Ảnh: Đ.T
Khối FDI hiện chiếm trên 70 % lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong ảnh: Công nhân Công ty Doosan sản xuất thiết bị lọc nước biển xuất khẩu tại Quảng Ngãi. Ảnh: Đ.T

 

Không khó để nhận ra sự lấn át và vai trò ngày càng rõ của khối doanh nghiệp FDI trong nền kinh tế khi nhìn vào đồ thị so sánh tỷ trọng xuất khẩu giữa khối doanh nghiệp trong nước với khối doanh nghiệp FDI. Khối doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ trọng 27% trong lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 1995, nhưng đến năm 2016, con số này đã là trên 70%. Nhiều thương hiệu Việt đã bị nước ngoài mua lại trong mấy năm qua và không ít doanh nghiệp liên doanh đã chuyển sang hẳn sang sở hữu nước ngoài 100% vốn.

Sự lấn lướt của khối doanh nghiệp FDI trong mấy năm qua lại không tạo ra một sự lan tỏa đáng kể về công nghệ và trình độ quản lý sang doanh nghiệp trong nước như kỳ vọng. Sự thất bại của ngành ô tô và công nghiệp phụ trợ là một ví dụ thường được nhắc tới, nhưng còn rất nhiều tình huống tương tự đang diễn ra trong nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia e ngại, sự bành trướng của doanh nghiệp FDI sẽ giết chết các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong khi ban đầu, chúng ta kỳ vọng doanh nghiệp FDI vào sẽ kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp nội địa.

Các số liệu thống kê và điều tra của các tổ chức trong và ngoài nước (như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO) cho thấy, không có sự lan tỏa đáng kể của kinh tế FDI sang kinh tế trong nước về mặt công nghệ, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang dần bị chèn lấn bởi doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân lớn nhiều vốn.

Sự gia tăng của dòng vốn FDI từ Trung Quốc trong vài năm trở lại đây còn làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Tình trạng này đang khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ ô nhiễm mới do FDI từ Trung Quốc gây ra bởi chính sách xuất khẩu vốn để khai thác cạn kiệt tài nguyên của nước nhận đầu tư mà Trung Quốc đã và đang thực thi tại nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ. Đó là chưa nói đến chính sách đầu tư trọn gói (bundle strategy) mà Chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích doanh nghiệp của họ thực hiện: đầu tư FDI kèm theo sử dụng nhân công Trung Quốc và khuếch trương ảnh hưởng của công nghệ Trung Quốc sang các nước.

Tất cả những yếu tố đó đang đặt ra nguy cơ xung đột về quan điểm trong việc thu hút vốn FDI ở Việt Nam.

Một mặt, trong tình trạng rất cần vốn của nền kinh tế và những hạn chế trong gia tăng chi tiêu đầu tư phát triển của Chính phủ, FDI là một nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế ở Việt Nam và là một thành tích để các địa phương có thể báo cáo Chính phủ. Do đó, chắc chắn không ít quan điểm sẽ vẫn ủng hộ việc đẩy mạnh thu hút FDI và ưu đãi các doanh nghiệp này.

Ngược lại, những lo ngại về ô nhiễm môi trường, chiến lược FDI của Trung Quốc và sự lấn át của khối ngoại trong nền kinh tế cũng sẽ tạo ra ngày càng nhiều tâm lý chống lại việc tiếp tục ưu đãi để cạnh tranh thu hút vốn FDI.

Ở một góc độ nào đó, quan điểm ưu đãi FDI là dùng nguồn lực nhà nước để trợ giá doanh nghiệp FDI là một quan điểm đang lan rộng trên toàn cầu và sẽ tìm được nhiều ủng hộ ở Việt Nam. Trong khi đó, quan điểm phân biệt đối xử với FDI từ Trung Quốc cũng đang hình thành với việc một số nước châu Âu đang xem xét không tiếp nhận một số thương vụ thâu tóm và sáp nhập từ Trung Quốc cũng như vốn FDI nước này trong lĩnh vực công nghệ và nông nghiệp để tránh rủi ro bị đánh cắp công nghệ và phá hoại môi trường.

Vì vậy, ứng xử như thế nào với vốn FDI trở thành một thách thức rất lớn cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi mà không có bài học nào của nước khác hoàn toàn thích ứng cho Việt Nam. Việt Nam không đủ giàu và phát triển như một vài nước châu Âu để có thể nói không với vốn FDI từ một nước nào đó, nhưng chúng ta cũng sợ trở thành thiên đường khai thác và ô nhiễm như một vài nước châu Phi và Nam Mỹ và chúng ta cũng sợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước bị bóp nghẹt.

Cách đây mấy năm, khi nói về nỗi lo FDI có thể phân hóa nền kinh tế, GS. Trần Văn Thọ, giảng viên Trường đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản) cho rằng, thu hút và sử dụng vốn FDI như thế nào là một nghệ thuật và mấy năm qua chúng ta rõ ràng chưa thật sự học hỏi tốt môn nghệ thuật này.

Cần gia tăng liên kết dọc và xóa bất bình đẳng trong đối xử với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Vấn đề cốt lõi trong rủi ro hai nền kinh tế trong một quốc gia là, FDI không tạo ra hiệu ứng lan tỏa theo chiều dọc ra nền kinh tế, nghĩa là, doanh nghiệp FDI không kéo theo một sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Rõ ràng nhất là doanh nghiệp FDI chỉ tận dụng lợi thế nhân công rẻ và nguồn nguyên liệu tại chỗ để lắp ráp và xuất khẩu và vẫn sử dụng linh kiện phụ trợ nhập khẩu hoặc do chi nhánh Việt Nam của nhà cung cấp nước ngoài cung cấp. Họ cũng không chuyển giao đáng kể công nghệ tiên tiến sang nước ta. Vì vậy, bước đi quan trọng đầu tiên để xóa ảnh hưởng tiêu cực của chuyện hai nền kinh tế trong một quốc gia là gia tăng liên kết theo chiều dọc.

Về mặt này, chính sách của Việt Nam cũng có bàn đến, nhưng thực thi còn quá kém. Chẳng hạn, với việc phát triển công nghiệp phụ trợ, chúng ta đã bàn nhiều từ hơn 10 năm trước và cũng đã có chiến lược rõ ràng. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn nhận thẳng thắn với giới báo chí rằng, họ không hiểu chiến lược công nghiệp phụ trợ muốn gì. Định hướng chính sách thì đúng, nhưng tới khi triển khai thì mơ hồ, không nhất quán, nên không thể đạt được kết quả như mong đợi.

Nói như một chuyên gia nước ngoài trong hội thảo về phát triển kinh tế Việt Nam tổ chức năm ngoái tại Singapore mà người viết được dự, thì chúng ta định hướng một chiến lược công nghiệp phát triển đủ thứ, nên không thể liên kết dọc. Vì vậy, thất bại của liên kết dọc hay công nghiệp phụ trợ xuất phát từ cái thất bại của một chiến lược công nghiệp tổng thể khi ta không thể xác định được ngành mũi nhọn và vạch ra được con đường rõ ràng. Mơ hồ về thế mạnh của mình, thì tất yếu là mơ hồ trong chiến lược thực thi.

Cũng trong hội thảo trên, tác giả bài viết này nhớ mãi câu hỏi đặt ra của một nhà doanh nghiệp và một chuyên gia nước ngoài về chuyện phát triển công nghiệp phụ trợ cho ô tô của Việt Nam là, liệu Việt Nam có thế mạnh để làm ô tô và phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô không khi mà các đối thủ khu vực như Thái Lan đã đi trước? Tại sao lại chọn ô tô khi tâm lý của người dân trong nước là chuộng hàng ngoại nhập cho những chi tiêu lớn như ô tô? Trong khi đó, tại sao người Việt Nam có thế mạnh trong công nghệ thông tin mà chúng ta chỉ mãi đi gia công phần mềm?

Một khía cạnh quan trọng khác trong chiến lược gia tăng liên kết dọc là việc chọn doanh nghiệp và ngành công nghiệp để ưu đãi. Không phải cứ để doanh nghiệp nước ngoài vào, ưu đãi cho họ là tự nhiên có liên kết dọc. Chẳng hạn, điều tra của UNIDO năm 2011 về công nghiệp Việt Nam cho thấy, nước ta ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ cao rất nhiều, nhưng họ là nhóm hầu như không chuyển giao cái gì cho trong nước và họ lại nằm trong nhóm sử dụng nhiều nhà cung cấp nước ngoài nhất. Điều đó cho thấy, ưu đãi cho những dự án lớn, công nghệ cao nhiều tỷ USD thật ra chỉ là thứ để lấy thành tích nhất thời, chứ hiệu ứng lan tỏa lại rất thấp.

Như vậy, chúng ta cần một chiến lược thu hút FDI khôn ngoan hơn, không phải cứ ngành thời thượng, công ty lớn, dự án lớn thì ta ưu đãi cho họ. Chúng ta cũng cần một chiến lược phát triển rõ ràng, định hướng đâu là thế mạnh của Việt Nam (nên giới hạn vài ngành, chứ không phải hàng chục ngành). Chiến lược đó phải xuất phát từ thực tế trình độ và thế mạnh của Việt Nam, chứ không phải từ mong muốn duy ý chí và chiến lược bắt chước.

Bên cạnh đó, cần xóa bất bình đẳng trong đối xử với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này đang ngày càng bị “đối xử tệ” do những bất lợi về nguồn vốn, trình độ quản lý, mối quan hệ, khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài và bất lợi do những ưu đãi với doanh nghiệp FDI tạo ra. Trong khi đó, những chiến lược hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường dường như chỉ là những khẩu hiệu.

Về mặt này đã có rất nhiều bài báo, phát biểu của doanh nghiệp và các tổ chức như VCCI đề cập, nên người viết xin không phân tích nhiều thêm.

TS. Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh)
 
Theo Báo Đầu tư

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *