Theo đánh giá của Bộ Tài chính, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn cũng khó đạt kế hoạch
Năm 2019: Ước nộp ngân sách 182 nghìn tỷ đồng
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tổng tài sản của 55 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo báo cáo hợp nhất năm 2019 là 2.669.966 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.247.187 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các đơn vị này đạt 1.471.757 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế là 144.412 tỷ đồng và số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) là 182.272 tỷ đồng.
Với năm 2020, dự kiến tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đạt 1.327.496 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 78.086 tỷ đồng và các khoản phát sinh phải nộp NSNN dự kiến đạt 157.273 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan quản lý tài chính nhận định do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có thể không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 đã đề ra.
Đối với tình hình cổ phần hóa, 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 đơn vị, công bố giá trị doanh nghiệp (DN) Tổng công ty Phát điện 2 thuộc Tập đoàn Điện lực (giá trị DN là 46.012 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 26.605 tỷ đồng). Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 6/2020, đã có 175 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị DN là 443.537 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207.145 tỷ đồng. Trong đó, 37/128 DN cổ phần hóa thuộc danh mục theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch.
Về thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm 2020 đã thoái vốn 7 DN thuộc danh mục thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị 87 tỷ đồng, thu về 252 tỷ đồng (gấp 2,89 lần giá trị sổ sách). Các tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng (gấp 1,83 lần). Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2020 đạt 25.458 tỷ đồng, thu về 172.434 tỷ đồng (gấp 6,8 lần).
Cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt kế hoạch
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2020, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo và cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, DN, công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước (DNNN) và phát triển DN đã đạt được một số kết quả tích cực. Các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, vừa tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, vừa bảo đảm chặt chẽ, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước. Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần đang được khẩn trương sửa đổi, thay thế để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai.
Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục DN thực hiện cổ phần hóa đến 2020 với 93 DN phải hoàn thành việc công bố giá trị DN, đến nay đã hoàn thành 3/93. Các DN thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Argibank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN. Tiến độ thoái vốn cũng mới đạt 26,4% kế hoạch. Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 phê duyệt danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020, với 124 DN phải hoàn thành thoái vốn; 14 DN chuyển giao về SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước).
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), một trong những nguyên nhân công tác cổ phần hóa, thoái vốn năm 2020 vẫn chậm trễ trước tiên là do tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế. Trong khi đó, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn này bao gồm một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn, có tình hình tài chính phức tạp.
Bên cạnh đó, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước, quy trình thực hiện dài hơn nên các DN sẽ phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hóa, thời gian thực hiện kéo dài hơn. Ngoài ra, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong triển khai Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công chưa nghiêm túc, thường xuyên… khiến công tác cổ phần hóa, thoái vốn khó được đẩy nhanh.
Xử lý các dự án thua lỗ: tuân thủ nguyên tắc thị trường
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã đề xuất, kiến nghị một loạt các giải pháp trong những tháng còn lại của năm. Trong đó, giải pháp quan trọng là tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng định hướng, yêu cầu, giải pháp và nhiệm vụ tại các nghị quyết của trung ương, Quốc hội và các chỉ đạo liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 – 2025, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, làm cơ sở tiếp tục triển khai cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN để DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, Bộ Tài chính kiến nghị xử lý theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn tại DN căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chịu trách nhiệm phê duyệt, quyết định theo thẩm quyền các phương án xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc xử lý đối với 12 dự án.
Đặc biệt, không sử dụng NSNN để xử lý thua lỗ của DN; tuân thủ nguyên tắc thị trường trong việc xác định giá trị các tài sản, giá trị dự án còn lại để đảm bảo khả thi trong việc chuyển nhượng, bán tài sản thu hồi về DN và NSNN; không can thiệp hành chính vào các quy trình, thủ tục trong việc xử lý các dự án từ cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu; xác định rõ giá trị thất thoát, không thu hồi được để gắn với việc xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành các dự án.
Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp
Đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, Bộ Tài chính kiến nghị xử lý theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn tại doanh nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chịu trách nhiệm phê duyệt, quyết định theo thẩm quyền các phương án xử lý. Cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chức năng nhiệm vụ kịp thời nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong việc xử lý đối với 12 dự án. Đặc biệt, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp; tuân thủ nguyên tắc thị trường trong việc xác định giá trị các tài sản, giá trị dự án còn lại để đảm bảo khả thi trong việc chuyển nhượng, bán tài sản thu hồi về doanh nghiệp và ngân sách nhà nước... |
Hoàng Yến
Bình Luận (0)