Ngày 10/9/2020, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 – nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.
Danh sách 1: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 (Bảng 1 – B1)
Nguồn: Vietnam Report
Danh sách 2: Top 10 Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 (Bảng 2 – B2)
Nguồn: Vietnam Report
Thông tin chi tiết về Bảng xếp hạng được đăng tải trên website: www.profit500.vn.
Trong bảng xếp hạng Profit500 năm nay, một số ngành tiếp tục ghi nhận có số lượng doanh nghiệp nhiều hơn so với mặt bằng chung của toàn bảng: ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành Tài chính (11,6%), ngành Thực phẩm Đồ uống (10,9%%), ngành Điện (6,3%).
Xem xét các chỉ số đo lường khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng Profit500, nhìn chung ROA bình quân của các doanh nghiệp Profit500 đạt 11,4%, giảm nhẹ so với mức 11,9% trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2019. Tuy nhiên, chỉ số ROE bình quân của các doanh nghiệp Profit đã tăng lên 21,7% (so với mức 20,9% năm 2019) cũng cho thấy phần nào hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp Profit500 có chiều hướng tốt hơn.
Xét theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp trong nước trong Bảng xếp hạng Profit500 năm 2020 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể so với Bảng xếp hạng năm 2019. Các doanh nghiệp FDI trong Bảng xếp hạng năm nay có hiệu quả sử dụng tài sản đạt khoảng 12,5% so với mức 11,7% và 9,8% tương ứng của khối Nhà nước và ngoài Nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI cũng nhỉnh hơn, với ROE của khối này là 25,2% so với mức 23,6% của khối doanh nghiệp Nhà nước và 20,8% của khối doanh nghiệp tư nhân.
Hình 1: ROA và ROE bình quân các doanh nghiệp trong BXH Profit500 năm 2020
Nguồn: Vietnam Report
Trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng Profit500, Vietnam Report cũng đã tiến hành nghiên cứu khảo sát các doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhằm tìm hiểu thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp, những biến động ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và định hướng trong thời kỳ “bình thường mới".
Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm không mấy khả quan
Thế giới đang vận hành theo một cách hoàn toàn khác khi bước sang thiên niên kỷ mới. Năm 2020, cả nhân loại phải đối mặt với mối nguy hại từ đại dịch Covid-19. Điều này không chỉ đe dọa tới tính mạng con người mà còn tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ngay cả những “ông lớn” trên thị trường cũng bị “ngấm đòn” từ tác động của đại dịch. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, có tới 60% doanh nghiệp cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, gần 15% trong số đó có doanh thu bị sụt giảm mạnh. Tương tự, tình hình lợi nhuận cũng không mấy khả quan khi có tới 54% doanh nghiệp cho biết lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019, đặc biệt trong số này có đến 31% doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh về lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nghiêm trọng.
Nhận thức rõ được những khó khăn từ tác động của đại dịch cũng như sự bất ổn tình hình kinh tế - chính trị thế giới nên nhiều doanh nghiệp đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 phù hợp và sát với thực tế hơn. Điều này được thể hiện rõ nét khi 77,1% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch doanh thu năm 2020, trong đó 36,1% doanh nghiệp đã hoàn thành trên 80% kế hoạch cả năm. Về mức độ hoàn thành lợi nhuận năm 2020, 68,9% doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành trên 50% kế hoạch, 31,1% trong số đó đã hoàn thành trên 80% kế hoạch của cả năm 2020. Khảo sát trên được Vietnam Report thực hiện trong tháng 8 năm 2020, như vậy khi đã đi qua hơn nửa chặng đường năm 2020, vẫn có những doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng tốt với kết quả kinh doanh hết sức khả quan.
Hình 2: Mức độ hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020 của Doanh nghiệp tính tới hiện tại
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Top 5 ứng phó của doanh nghiệp Profit500 trước đại dịch Covid-19
Đây là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020 tại Việt Nam khiến dư luận hoang mang, Chính phủ ngay lập tức đưa ra quy định về giãn cách xã hội để kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây lan của loại virus nguy hiểm này. Tuy nhiên, đánh đổi lại, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao khi thị trường bị thu hẹp, đa phần hoạt động kinh doanh bị cản trở do các biện pháp cách ly phòng dịch và khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới. Không chỉ riêng Việt Nam, lệnh đóng cửa biên giới và tạm dừng xuất nhập cảnh của nhiều quốc gia trên thế giới đã gây ra những khó khăn rất lớn, như: đứt gãy nguồn cung, lộ trình nhập dây chuyền thiết bị, vật tư sản xuất của doanh nghiệp cũng như cơ hội tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài đều không thể thực hiện.
Đối mặt với những thách thức này, đa phần các doanh nghiệp đã khẩn trương đưa ra nhiều biện pháp nhằm ứng phó lại các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 vì nguy cơ phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Có 86,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết họ đang nỗ lực duy trì khách hàng trung thành, song song với đó, 66,7% doanh nghiệp đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lý tài chính; 65,0% doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm cắt giảm chi phí; 53,3% doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ mới; 50,1% doanh nghiệp thay đổi kế hoạch bán hàng, đổi mới cách thức Marketing.
Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp và khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng mới, đa phần doanh nghiệp phải lựa chọn cho mình hướng đi an toàn và khả thi hơn. Thay vì tìm kiếm nhóm khách hàng tiềm năng hay mở rộng thị trường, 86,7% doanh nghiệp đã tìm cách giữ chân lượng khách hàng trung thành vốn có, đây được coi là quyết định đúng đắn và khôn ngoan, giúp doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Mặt khác, những rủi ro khó lường có thể ập tới bất cứ lúc nào, điển hình như loại virus Corona chẳng ai có thể ngờ nó lại lây lan với tốc độ chóng mặt và tạo ra những biến chủng nguy hiểm đến thế. Do vậy, có tới 66,7% doanh nghiệp phản hồi rằng họ đã ra quyết định đẩy mạnh công tác quản trị rủi ro và quản lý tài chính. Nói một cách khách quan, không chỉ riêng các doanh nghiệp lớn hay ngành đặc thù như Ngân hàng mới cần hệ thống quản trị rủi ro mà mỗi doanh nghiệp dù quy mô lớn – nhỏ ra sao cũng nên thiết lập cho mình một quy trình quản trị rủi ro hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu đề ra cũng như có các phương án ứng phó khi cần thiết.
Bên cạnh đó, 65,0% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã thực hiện cắt giảm chi phí thông qua các phương án như cắt giảm chi phí nhân sự, chi phí quản lý, chi phí sản xuất, chi phí Marketing,... Bài toán chi phí không phải là mới nhưng đến khi phải gánh chịu những tác động rất nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra thì một số doanh nghiệp mới quan tâm đến vấn đề này. Hi vọng rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ sớm tìm ra đáp án cho bài toán tối thiểu hóa chi phí và hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Hình 3: Top 5 hành động ứng phó của doanh nghiệp trước tác động từ đại dịch Covid-19
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Triển vọng tăng trưởng 2020 của doanh nghiệp Profit500: Gập ghềnh tăng trưởng
Khi được hỏi về những rào cản, thách thức có khả năng ảnh hưởng tới khả năng sinh lời trong những tháng cuối năm mà Doanh nghiệp lo ngại nhất, hầu hết các doanh nghiệp cùng có chung nỗi lo về nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại (98,3%) và tình hình tăng trưởng kinh tế không ổn định (71,2%). Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 cho đến thời điểm này, mọi thứ đang dần được ổn định trở lại. Tuy nhiên, mối lo ngại về sự bùng phát trở lại của đại dịch là điều hoàn toàn có căn cứ. Cho đến khi vaccine được nghiên cứu thành công và sản xuất phổ biến, dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn, Việt Nam chúng ta không được phép nới lỏng và chủ quan.
Chính vì điều này, doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn trong việc đánh giá triển vọng kinh doanh trong năm 2020. Theo đó, 54,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan với triển vọng tăng doanh thu và 49,1% doanh nghiệp lạc quan với khả năng sinh lời trong năm 2020. Con số này rất “khiêm tốn” so với đánh giá về triển vọng doanh thu và lợi nhuận năm 2019 được Vietnam Report tiến hành khảo sát vào tháng 9 năm ngoái, trong đó 82% doanh nghiệp dự kiến doanh thu tăng và 79% doanh nghiệp cho rằng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng so với 2018. Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp đang nhìn nhận một cách khách quan về tiềm năng tăng trưởng trong năm 2020, phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay.
Hình 4: Niềm tin của Doanh nghiệp về triển vọng tăng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2020
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Top 4 chiến lược ưu tiên thời kỳ “bình thường mới”
Sau một thời gian dài chiến đấu chống dịch, Việt Nam dần chuyển sang giai đoạn mới – “sống chung” với dịch. Một mặt doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường làm việc an toàn, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, mặt khác vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh để ổn định kinh tế. Do vậy, top chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp từ nay đến cuối năm đã có nhiều thay đổi so với các năm trước. Top 4 chiến lược ưu tiên để tăng lợi nhuận trong những tháng cuối năm của doanh nghiệp, bao gồm: Thúc đẩy bán hàng (cải thiện dịch vụ khách hàng, tăng cường giảm giá/khuyến mãi,...) (chiếm 71,7%); Tìm kiếm và mở rộng thị trường (58,3%); Nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm mới (49,2%) và Cắt giảm chi phí (42,6%).
Như vậy, chiến lược xuyên suốt trong năm 2020 của hầu hết các doanh nghiệp là tập trung vào tài nguyên hiện có, đặc biệt là nỗ lực giữ chân lượng khách hàng trung thành thông qua cải thiện dịch vụ khách hàng và tung ra nhiều chương trình giảm giá/khuyến mãi nhằm tăng sức mua, thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh người dân đang dần thắt chặt và cắt giảm chi tiêu. Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay ngày càng trở nên “thông thái” hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Song song với đó, từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thói quen và hành vi của người tiêu dùng đã có những thay đổi đáng kể. Thay vì đến tận nơi, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua sắm tại nhà thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến. “Nền kinh tế không tiếp xúc” hay “nền kinh tế ít chạm” đã đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp, buộc họ phải thay đổi để bắt kịp với xu hướng của thị trường. Do vậy, chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp trong năm nay là tìm kiếm và mở rộng thị trường, kết hợp với nghiên cứu - phát triển các dòng sản phẩm mới và tiếp tục thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí.
Hình 5: Top 4 chiến lược ưu tiên
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong 1-2 năm tới
Theo kết quả khảo sát đánh giá những ngành có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong 1-2 năm tới của Vietnam Report, Dược phẩm/Y tế vươn lên vị trí dẫn đầu với 61,7% phản hồi (theo khảo sát năm 2019, Dược phẩm/Y tế đứng thứ 6 trong Top ngành tiềm năng). Tiếp theo, ngành Công nghệ thông tin/Viễn thông đứng vị trí thứ 2 - tỷ lệ 50,1% phản hồi (Đứng số 1 trong cuộc khảo sát năm 2019) và Tài chính/Ngân hàng - 39,8% phản hồi, tăng 2 bậc so với kết quả đánh giá năm 2019.
Trong thời gian qua, ai ai cũng nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Chính vì mọi người đang dần chú trọng hơn đến việc bảo vệ sức khỏe của mình nên ngành Dược phẩm/Y tế cũng đang được nhiều doanh nghiệp đánh giá sẽ có triển vọng tăng trưởng cao trong những năm tới. Bên cạnh đó, ngành Công nghệ thông tin/Viễn thông vẫn luôn giữ vững vị trí ổn định trong Top ngành triển vọng tăng trưởng trong nhiều năm qua. Với sự đổi mới và cải tiến không ngừng của khoa học công nghệ và tình trạng “khát nhân lực” như hiện nay, Công nghệ thông tin/Viễn thông được coi là “miền đất hứa” của các doanh nghiệp Start-up và là hướng đi chiến lược của nhiều doanh nghiệp trong tương lai.
Hình 6: Top 3 ngành có tiềm năng tăng trưởng trong 1-2 năm tới
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh
Top 3 chiến lược của doanh nghiệp để chuẩn bị đưa chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh đó là Số hóa các hoạt động quản trị doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65,0%); Phát triển kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng qua công nghệ số (58,3%) và Chi cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ (56,7%). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia khảo sát còn cho biết rằng họ đã và đang tăng cường hợp tác với các đối tác để đưa công nghệ ứng dụng vào các kênh phục vụ khách hàng, tiếp thị và bán hàng cũng như các dịch vụ phụ trợ như duyệt hồ sơ, chữ ký điện tử và nhận diện khuôn mặt.
Hình 7: Chuẩn bị của doanh nghiệp cho CMCN 4.0
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Với những chuẩn bị như vậy, các doanh nghiệp Profit500 kỳ vọng rằng sẽ Tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả hoạt động (81,7%); Tăng cường vị thế cạnh tranh và xây dựng thị phần (66,7%); Khám phá nhóm khách hàng tiềm năng, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng (58,3%); Mở rộng kênh phân phối để phát triển mạng lưới (51,7%) và Tự động hóa các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng (45,0%).
Chuyển đổi số không còn là câu chuyện riêng của các doanh nghiệp ngành công nghệ, mà đó gần như là điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp trụ vững và vươn lên. Thế giới đang không ngừng thay đổi và doanh nghiệp cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Doanh nghiệp sẽ dần trở nên lạc hậu và có thể nhanh chóng bị tụt lại phía sau nếu như không thích ứng được với môi trường kinh doanh mới – sân chơi của cộng đồng doanh nghiệp biết tận dụng thế mạnh của công nghệ và số hóa để tăng tốc và bứt phá. Suy cho cùng, đích đến của doanh nghiệp chuyển đổi số là Nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý; Tăng thị phần; Tìm kiếm cơ hội tiếp cận khách hàng; Mở rộng thị trường; Nghiên cứu, đổi mới và phát triển sản phẩm phù hợp, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Hình 8: Mục tiêu của doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Top 4 đề xuất của doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hỗ trợ để vượt qua khó khăn
Thực tế trong thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã ban hành nhiều chính sách nhằm giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Một vài chính sách cụ thể như: Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh thông qua giảm giá điện; Hỗ trợ tín dụng và điều hành tỷ giá thông qua việc ban hành các quy định mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất,… Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ trên dù rất phù hợp với kỳ vọng chung nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế và bất cập.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, doanh nghiệp đã nêu ra 4 vấn đề quan trọng nhất cần Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên tập trung giải quyết để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bốn đề xuất đó là: Gia hạn nộp thuế (68,3%); Tăng thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi (56,7%); Triển khai nhanh, đồng bộ và hiệu quả các gói hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (55,0%) và Ổn định kinh tế vĩ mô (51,7%). Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất hỗ trợ giảm lãi vay ngắn hạn và đầu tư trung hạn, sửa đổi và nới lỏng điều kiện về thời gian đóng BHXH cũng như giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp.
Hình 9: Top 4 đề xuất của doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hỗ trợ để vượt qua khó khăn
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp Profit500, tháng 08/2020
Tạm kết
Việt Nam đang dần thiết lập một nền tảng kinh tế mạnh mẽ với những bước đi vững chắc hơn. Sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu mặc dù gây ra vô vàn khó khăn nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định và vươn lên. Kinh tế Việt Nam quý II/2020 tăng trưởng 0,36% - mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng dương (1,81%) nửa đầu năm 2020, đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng âm trong thời gian qua.
Với những Chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, trong cuộc khảo sát của Vietnam Report, 25,1% doanh nghiệp cho rằng triển vọng kinh tế sẽ tăng trưởng dưới 3% trong năm 2020 và 61,7% doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt từ 3% - 5%. Với sự kiện hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA), công tác kiểm soát dịch tốt cùng môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, dự báo trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là nơi có dòng vốn FDI chảy vào mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng thời cơ để “đón sóng” chuyển dịch FDI một cách chất lượng và hiệu quả.
Vietnam Report
Bình Luận (0)