Phát triển kinh tế số: Vấn đề không chỉ ở chính sách

10/04/2019

Người tạo 0

Chuyên mục:

Kinh tế số được xác định là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi sự tập trung và tận dụng tối đa nguồn lực.

Theo số liệu thống kê từ tổ chức quốc tế We Are Social có trụ sở chính tại Luân Đôn, Anh, Việt Nam hiện có 67% dân số (khoảng 64 triệu người) sử dụng Internet, 57% dân số (khoảng 55 triệu người) có tài khoản mạng xã hội và đặc biệt có tới 73% dân số (khoảng hơn 70 triệu người) sử dụng điện thoại di động.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá đây là thế mạnh cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, đồng thời đưa ra dự báo doanh thu từ lĩnh vực này vào năm 2020 là 10 tỷ USD, thậm chí khả quan hơn có thể đạt 13-14 tỷ USD. Tới năm 2025 thì quy mô thị trường thương mại điện tử nước ta dự báo đạt khoảng 35 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khu vực, chỉ sau Singapore và Malaysia.

Triển vọng là thế, nhưng sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang bị kìm hãm bởi một số rào cản lớn. Trong đó phải kể tới vấn đề thanh toán trực tuyến và lòng tin của người tiêu dùng. Trong khi tỷ lệ người dùng Internet đã từng mua sắm trực tuyến là 67% theo thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thì trong đó tỷ lệ lựa chọn hình thức thanh toán trực tiếp khi nhận hàng lại đạt tới 82%. Con số này phần nào cho thấy vấn đề thanh toán điện tử và thói quen thanh toán điện tử khi mua sắm trực tuyển tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng những thách thức trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến hiện nay bao gồm những rủi ro trong vấn đề an ninh mạng và lộ dữ liệu cá nhân, sự xuất hiện của làn sóng Fintech và những rủi ro trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như đảm bảo sân chơi lành mạnh giữa các tổ chức thanh toán mới và truyền thống.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng rào cản còn bao gồm khoảng cách và sự khác biệt trong quy định pháp lý, sự yếu kém trong cơ sở hạ tầng, khả năng thích ứng và chuyển đổi công nghệ, kỹ năng phát triển kèm theo chưa tương ứng cũng như các vấn đề liên quan tới niềm tin, quyền bảo mật và sự minh bạch.

“So với thế giới, cơ sở pháp lý của chúng ta tương đối đầy đủ”

Nền tảng pháp lý được coi là một trong những chìa khóa của sự phát triển kinh tế số. Đánh giá về cơ sở pháp lý của Việt Nam hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải khẳng định, cơ sở pháp lý của Việt Nam so với thế giới là tương đối đầy đủ. Chúng ta có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số từ giao dịch điện tử, an ninh mạng tới bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ thông tin cá nhân.

Tuy nhiên, “cái khó của chúng ta hiện nay là sự thiếu liên thông giữa các chính sách cũng như khả năng kết hợp các nguồn lực còn hạn chế”, ông Hải cho biết.

Kĩ năng số và câu chuyện nhân lực cho nền kinh tế số

Pháp lý chỉ là một lời giải nhỏ cho bài toán hoàn thiện cơ sở cho sự phát triển bứt phá của kinh tế số Việt Nam. Một phần quan trọng khác cần được lưu tâm chính là vấn đề kỹ năng số. Kỹ năng số ở đây không chỉ là kỹ năng của người lao động hay các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, mà còn là thách thức dành cho chính phủ và các cơ quan quản lý.

Bà Natasha Beschoner, Chuyên gia cao cấp về Chính sách Công nghệ thông tin (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, trước hết, Việt Nam cần phải đẩy mạnh mức độ sử dụng kỹ thuật số từ cơ quan chính phủ cho tới doanh nghiệp, người dân.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này với TheLEADER, ông Hải nhấn mạnh những thay đổi trong cách thức vận hành của nền kinh tế sẽ đồng thời đặt ra những thay đổi buộc phải có về vấn đề nhân lực. Cụ thể, ông Hải đề cập tới những thay đổi trong đạo đức kinh doanh, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức của người công chức nhờ sự minh bạch và không thể thay đổi khi áp dụng các công nghệ số như blockchain vào vận hành và quản lý.

Những yêu cầu về kỹ năng số đối với nguồn nhân lực hiện nay cũng được ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh. Ông Trường khuyến nghị việc ban hành bộ tiêu chuẩn nghề, hình thành các nhóm kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là các kỹ năng số mới cho nguồn lao động ở khu vực nông thôn là cực kỳ quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực cho kinh tế số phát triển.

"Với sự thay đổi vô cùng nhanh chóng của công nghệ thì việc nguồn nhân lực có được kỹ năng thích ứng và sử dụng các công nghệ mới không phải là một điều dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh thực tế xấp xỉ 70% lao động ở khu vực nông thôn và lao động giản đơn với năng suất thấp", ông Trường chia sẻ.

Tái khẳng định lại vai trò của nguồn nhân lực với đầy đủ kỹ năng số trong việc phát triển kinh tế số ở Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh: “Quan trọng nhất vẫn là con người. Kĩ năng số là một trong những vấn đề chúng ta phải tập trung phát triển. Trong đề án tổng thể sắp được thực hiện tôi nghĩ là sẽ phải đề cập đến. Và vấn đề ưu tiên sẽ là con người.”

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *