Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit nghèo ở Việt Nam” do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổ chức vừa qua tại Hà Nội. Với tình trạng trữ lượng quặng apatit loại I và III (loại quặng sử dụng phổ biến) ngày càng khan hiếm, việc nghiên cứu để có thể tận dụng được nguồn quặng II là vấn đề được đặt ra.
Theo đó, với tình hình khai thác và sử dụng như hiện nay (sắp tới có thể thêm Nhà máy Phân bón DAP số 3 cũng đặt tại Lào Cai), quặng apatit loại I và III sẽ cạn kiệt nhanh chóng. Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác quặng, vấn đề ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong khai thác, chế biến và sử dụng quặng ngày càng được quan tâm hơn.
Khai thác apatit tại Lào Cai |
Theo ông Ngô Đại Quang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thực tế này đòi hỏi Tập đoàn phải nhanh chóng triển khai nghiên cứu toàn diện về thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng apatit nghèo ở Lào Cai. Do vậy, đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam yêu cầu Công ty Apatit Việt Nam cần khảo sát, đánh giá tình hình trữ lượng, chất lượng các loại quặng apatit trong toàn bộ khu vực quyền quản lý, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu quặng cho các đơn vị trên tinh thần tiết kiệm tài nguyên.
Cụ thể, cần có phương án triển khai nghiên cứu, ứng dụng để nâng cao chất lượng quặng tuyển, đáp ứng nhu cầu quặng cho các đơn vị; chỉ đạo các đơn vị sản xuất phân bón chứa lân, chủ động nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới để có thể sử dụng các loại quặng apatit hàm lượng P2O5 thấp hơn.
Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam Nguyễn Quang Huy cho biết thêm, theo đánh giá, trữ lượng quặng II nghèo và quặng IV chiếm khoảng 60% tổng trữ lượng quặng apatit hiện nay. Nguồn quặng nghèo này trước đây hầu như bỏ đi, không sử dụng, trong khi công ty phải đầu tư lớn mua sắm thiết bị, tổ chức khai thác xuống sâu để lấy quặng I (quặng giàu) tại một số khai trường trước đây đã “đóng cửa”. Vì vậy, công ty xác định, phải nâng cao năng lực tuyển và làm giàu quặng apatit.
Qua phối hợp với các đối tác nước ngoài, công ty đã nghiên cứu, tìm ra các giải pháp công nghệ để tăng tỷ lệ thực thu P2O5 sau tuyển từ 63% lên 70%. Cụ thể, tỷ lệ thực thu P2O5 sau tuyển của Nhà máy tuyển Tằng Loỏng đạt 70%, trong khi theo thiết kế của Liên Xô, tỷ lệ thực thu chỉ đạt 62,9%; tỷ lệ thực thu P2O5 của Nhà máy Tuyển Cam Đường đạt cao hơn, trên 80%. Qua đó, tận thu được nhiều hơn nguồn tài nguyên, nâng cao hiệu quả tuyển quặng, tránh lãng phí.
Đặc biệt, công ty đã phối hợp nghiên cứu và sử dụng nhiều loại thuốc tuyển thế hệ mới, cho phép sử dụng quặng III nghèo trung hòa với quặng III giàu để làm nguyên liệu tuyển. Nhờ giải pháp này mà quặng III nghèo trước đây hoàn toàn không sử dụng được, hiện đã được tuyển, cho ra sản phẩm quặng đạt chất lượng.
Để đáp ứng nhu cầu quặng tuyển tăng nhanh trong giai đoạn 2016-2020, apatit tiếp tục hoàn thiện công nghệ tuyển quặng III, đặc biệt là quặng III nghèo, đồng thời mở rộng Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn, nâng công suất Nhà máy tuyển Cam Đường; xây dựng Nhà máy tuyển quặng II nghèo và quặng IV; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp khai thác quặng apatit để tận thu tối đa nguồn nguyên liệu, phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành tuyển khoáng apatit.
Căn cứ vào trữ lượng quặng apatit được thăm dò, tỷ lệ quặng apatit tại Lào Cai được phân bổ như sau: Quặng loại I là 28,3 triệu tấn (5,6%), quặng loại II là 126 triệu tấn (25,3%), quặng loại III là 192,4 triệu tấn (38,5%), quặng loại IV là 152,9% (30,6%).
Apatit
Bình Luận (0)