TCT CN mỏ Việt Bắc TKV-CTCP: Kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than

01/06/2017

Người tạo 143

Chuyên mục:

Định hướng “Kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than” đã trở thành chiến lược kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV – CTCP. Đó là khẳng định của ông Trần Hải Bình - Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV – CTCP.

Ông có thể chia sẻ về chặng đường phát triển của tổng công ty?

Những năm đầu mới thành lập, công ty có gần 10.000 lao động, phần đông là tay nghề thấp. Các mỏ than sản lượng nhỏ, thiết bị khai thác lạc hậu; năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của CBCNV rất khó khăn.

Đến nay, số lao động của tổng công ty được cơ cấu lại với gần 5.000 người có trình độ quản lý, tay nghề kỹ thuật, nghiệp vụ cao và được đầu tư nhiều thiết bị sản xuất hiện đại. 35 năm qua, tổng công ty đã sản xuất và tiêu thụ gần 29 triệu tấn than, 12 triệu tấn xi măng, 35 triệu m2 lưới thép lót nóc lò,178 triệu vỏ bao xi măng; bóc 162 triệu m3 đất đá; tổng doanh thu đạt 36.750 tỷ đồng.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - Vinacomin.

Tổng công ty đã thực hiện đề án tái cơ cấu và cổ phần hóa như thế nào?

Ngay khi phương án tái cơ cấu được phê duyệt, tổng công ty đã sáp nhập Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa và Than Na Dương vào công ty mẹ và trở thành chi nhánh của tổng công ty. Giải thể 4 chi nhánh là: Trung tâm Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư; khách sạn Heritage Hà Nội; khách sạn Mê Linh và chi nhánh của tổng công ty tại Đồng Nai. Góp vốn thành lập Công ty CP Xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc. Trong quá trình tái cơ cấu, tổng công ty giảm từ 17 xuống 13 đơn vị thành viên, số lao động giảm từ gần 5.500 người xuống còn hơn 4.700 người.

Tháng 5/2015, tổng công ty đã đấu giá phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), từ ngày 1/10/2015, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.050 tỷ đồng. Sự kiện này mở ra thời kỳ phát triên mới, bền vững của tổng công ty.

Sau khi cổ phần hóa, tổng công ty đặt ra mục tiêu, phương hướng hoạt động kinh doanh như thế nào?

Với mục tiêu tối đa hóa các khoản lợi nhuận, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, tăng cổ tức cho cổ đông, tổng công ty sẽ sản xuất than bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện Na Dương; Cao Ngạn và An Khánh, mở rộng tối đa diện khai thác than lộ thiên, lập dự án khai thác than hầm lò sâu tại Công ty Than Khánh Hòa; mở rộng, nâng công suất tại mỏ than Na Dương từ 0,6 lên 1,2 triệu tấn than/năm. Tiếp tục đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, phấn đấu sản xuất và tiêu thụ 3 triệu tấn xi măng/năm trong những năm tới. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư sản phẩm mới trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, xây dựng công nghiệp và dân dụng, các dịch vụ thương mại và tham gia hợp tác với nước ngoài trong những lĩnh vực mà tổng công ty có thế mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Kim Chi

Báo Công Thương

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *