Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chậm so với tiến độ ở cả 4 trụ cột là: Tái cơ cấu DN Nhà nước, đầu tư công, các tổ chức tín dụng (TTCD) và thị trường chứng khoán.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung, cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bổ lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn chuyển dịch chậm như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ; nông thôn sang thành thị; Nhà nước sang tư nhân và chính thức sang phi chính thức. Ngay cả sản xuất công nghiệp chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giá trị gia tăng trong ngành chế biến chế tạo rất thấp so với hầu hết các quốc gia trong khu vực, phần lớn chỉ ở khâu lắp ráp.
Phân bổ lại nguồn lực
Trong giai đoạn 2018 - 2020, hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế cần phải được đẩy mạnh để thực chất hơn. Tìm kiếm động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế. Các giải pháp để thực hiện tăng trưởng được đại diện CIEM đề ra là thực hiện kỷ luật tài khóa cắt giảm vài phần trăm chi thường xuyên, tăng chất lượng hạ tầng tập trung vào những công trình quan trọng cho ra hiệu quả kinh tế. Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào 2 đầu tàu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Nếu GDP của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng thêm 1% thì cả nước tăng thêm 0,5% vì 2 TP này đóng góp 50% GDP của cả nước”- ông Cung nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Khuyến khích phát triển các DN tư nhân lớn đầu tư dài hạn, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh.
TS Cấn Văn Lực dẫn lại đánh giá của một tổ chức quốc tế chỉ ra hạn chế hiện nay của Việt Nam xếp theo thứ tự là quan liêu và tham nhũng, thủ tục hành chính, tính minh bạch và nhất quán trong chính sách, cuối cùng là cơ sở hạ tầng và năng suất lao động. 3 năm còn lại của tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020, theo các chuyên gia, đây là giai đoạn chuyển mình từ nền kinh tế tăng trưởng về lượng thiếu ổn định, dễ bị tổn thương và kém hiệu quả, sang nền kinh tế tăng trưởng về chất, có sức cạnh tranh cao nhờ vào hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Đề cập vấn đề trên, ông Cung nhấn mạnh, phải tập trung phát triển kinh tế thị trường trong tất cả mọi lĩnh vực, mọi thành phần. Nếu không có cạnh tranh bình đẳng thì đó chỉ là thị trường méo mó và sai lệch. “Cần phải cạnh tranh bình đẳng trong phân bố tiếp cận các nguồn lực. Chúng ta đang nói đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng không có cạnh tranh thì đừng mong phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Các mối quan hệ xin - cho sẽ đẩy KHCN ra xa và DN không có động lực hướng đến KHCN, nâng cao năng lực mà tìm kiếm các mối quan hệ để kiểm lợi” - ông Cung nhấn mạnh.
Vietnam Report
Bình Luận (0)