Tận dụng cơ hội để chuyển đổi số trong hoạt động xuất nhập khẩu

04/08/2020

Người tạo 0

Chuyên mục:

Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình DN tới DN, cũng như DN tới người tiêu dùng (NTD).

Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.

Có thể thấy đây là xu thế tất yếu của hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó tạo ra cơ hội để Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi số một cách triệt để, hiệu quả đối với hoạt động này. Giữa tác động của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội toàn thế giới cũng như nước ta. Nhưng Việt Nam lại đang nổi lên là một trong những nước hàng đầu phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Phân tích về chuyển đổi số, đại diện Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, công việc xúc tiến thương mại quốc tế xưa nay không phải là một hoạt động mới, chủ yếu, các hoạt động này được tổ chức “offline” bằng cách mang hàng hóa tới các quốc gia khác và trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, phòng giới thiệu sản phẩm.

Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp này có tỉ lệ chốt đơn hàng tương đối cao so với các hoạt động xúc tiến gián tiếp hoặc trực tuyến dù hoạt động này có chi phí khá cao với các yêu cầu về logistics.

Trên thực tế có nhiều DN thành công và coi các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu là kênh quan trọng.

Ảnh tư liệu

Một trong những lợi ích quan trọng khác mà chuyển đổi số mang lại cho xuất nhập khẩu Việt Nam đó là việc bảo vệ và phát triển các chỉ dẫn địa lý. Lợi ích này xuất phát từ vấn đề hàng hóa Việt Nam đang gặp phải khi ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của NTD.Có thể thấy, chuyển đổi số đã mở ra khả năng tiếp cận một thị trường lớn là EU, nơi có hệ thống công nghệ thông tin phát triển và đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại chính là việc cung cấp cho các DN Việt Nam một công cụ để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc chuyển đổi số giúp chúng ta vừa có được một nền thương mại minh bạch, hiệu quả, vừa giải quyết được vấn đề không ai bị bỏ lại phía sau trong các hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà, hình thức.

Để hiện thực hóa các cơ hội, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử trong giai đoạn hoạt động trao đổi thương mại gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Ngoài ra, Bộ cũng khẩn trương hoàn tất kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng DN nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung cũng như hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.

Trong khi đó, các DN xuất nhập khẩu cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định EVFTA và các xu hướng/mô hình chuyển đổi số phù hợp, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của EVFTA mà của cả thị trường EU.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng cam kết sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hơn nữa nhằm phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Đăng

Nguồn: Pháp Luật & Xã hội

phapluatxahoi.vn

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *