Tăng cường độc lập, năng lực tự chủ kinh tế trong bối cảnh COVID-19

18/02/2021

Người tạo 0

Chuyên mục:

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 6 tháng đầu 2021, Việt Nam cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025.

Theo đó, Bộ trưởng cũng khẳng định, trước mắt, trong thời gian này, cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm:

Phòng, chống, kiểm soát đại dịch COVID-19

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) 

Trong báo cáo trình Chính phủ tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.

Khẩn trương, quyết liệt sàng lọc, truy vết trên diện rộng; thực hiện nghiêm việc cách ly, khoanh vùng, không để dịch lây lan rộng.

Tập trung ngăn chặn dịch từ bên ngoài, đặc biệt thời điểm trước, trong và sau Tết; kiểm soát chặt đường mòn trên các tuyến biên giới, người nước ngoài nhập cảnh, xử lý nghiêm việcnhập cảnh trái phép.

Có chế độ động viên cho lực lượng phòng chống dịch bệnh trong dịp Tết.

Đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động công khai thông tin chính xác, kịp thời, bảo đảm ổn định tâm lý, niềm tin trong nhân dân,tạo sự đồng lòng, chung tay chống dịch cùng chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị.

Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đàm phán để sớm triển khai vắc-xin; xây dựng phương án phân phối vắc-xin theo hướng ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.

Triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Cũng theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dung với các nội dung chủ yếu:

Một là, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế. Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác; tập trung nguồn lực cho các hoạt động chống dịch và đầu tư phát triển. Duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản, biện pháp để ứng phó hiệu quả những biến động và vấn đề phát sinh.

Hy vọng kiểm soát tốt dịch để hạn chế tác động xấu một cách tối đa lên nền kinh tế (Ảnh: PV) 

Hai là, tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Trước mắt, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong dịp Lễ, Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm; đôn đốc các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng, bảo đảm về số lượng, chất lượng với mức giá ổn định.

Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, triển khai các chính sách kích thích tiêu dùng trong nước; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng,xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt nam,đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”để tạo đầu ra bền vững cho các doanh nghiệp sản xuất.

Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP.Rà soát sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật; tập trungtháo gỡ khó khăncủa các doanh nghiệpphát sinh từ cơ chế, chính sáchđểgiải phóng các nguồn lực cho phát triển.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời có phương án hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến người lao động và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài.

Ba là, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư NSNN, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó các Bộ, cơ quan trung ương và địa phươngtập trung thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, trong đó: (i) Phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư NSNN ngay từ đầu năm kế hoạch cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân; (ii) Chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; (iii) Chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng Quý; (iv) Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án, gắn trách nhiệm của Lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công.

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc căn cứ mục tiêu, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thông qua để tập trung lựa chọn danh mục dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025, sớm hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV theo đúng quy định Luật Đầu tư công.

Chuẩn bị thủ tục phê duyệt Quyết định đầu tư, dự toán, thiết kế… của các dự án,công trình lớn, trọng yếu, có tác động lan tỏa,đặc biệt là hạ tầng giao thông và năng lượng. Tạo điều kiện để có thể triển khai được ngay sau khi kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 được thông qua.

Đổi mới công tác quản lý, giải ngân và sử dụng vốn ODA,xác định thứ tự ưu tiên các dự án gắn liền với bảo đảm nguồn vốn đối ứng. Đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để khơi thông vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt cho các dự án hạ tầng giao thông.Khẩn trương thực hiện việc lập, phê duyệt các quy hoạch. Bảo đảm gắn kết chặt chẽ quy hoạch phát triển giữa các ngành và giữa ngành với quy hoạch tổng thể.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết. Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn; phổ biến thông tin về hiệp định, cách thức, điều kiện tận dụng ưu đãi; tăng cường các biện pháp phòng vệ, xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Năm là, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Rà soát lại ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI; không mở rộng, gia hạn những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên. Tập trung ưu đãi cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước.

Sáu là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp.Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số trên mọi cấp độ từ quốc gia tới địa phương và doanh nghiệp. Cần tập trung thực hiệnChương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025cho hơn 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau đó là tại các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... để “hoàn chỉnh vòng kết nối”; quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển. Tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bảy là, đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch thoái vốn Nhà nước đến năm 2025, gắn việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với niêm yết trên thị trường, hiệu quả hoạt động. Phát triển các định chế trung gian, tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bối cảnh COVID-19 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới. Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ… như chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc, chính sách “tăng trưởng xanh” của Hàn Quốc...

Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta;tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.Bộ Kế hoạch và Đầu tưđang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều nội dung, giải pháp tương đồng với các nội dung trên. “Bộ sẽ phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình mới và chiến lược của các quốc gia khác để báo cáo Chính phủ cùng với các nội dung của Đề án trong thời gian tới” – Bộ trưởng cam kết.

Lê Nguyễn

Theo dangcongsan.vn

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *