Từ ba năm trở lại đây, bội chi ngân sách tăng liên tục và vượt mức dự toán mà Quốc hội thông qua. Trong khi mục tiêu bội chi của Chính phủ đến năm 2020 là dưới 3,5% GDP thì bội chi năm 2015 vẫn còn ở mức 6,28% GDP. Vì vậy, các giải pháp mạnh, đồng bộ để điều chỉnh chi - thu ngân sách sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Vẫn còn “room” ở nhiều đối tượng chịu thuế khác và thuế suất
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế tài nguyên do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo thu hút nhiều sự chú ý ở nội dung tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%. Nhiều chuyên gia đã có những bài viết, nhận định phân tích sâu sắc về vấn đề này, nhất là những tác động tiêu cực của việc tăng thuế GTGT. Nhưng ít người chú ý rằng, ngoài thuế GTGT, dự thảo luật còn sửa đổi, bổ sung các sắc thuế khác, mà ở đó, hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu tăng thu cho ngân sách, mà tác động xã hội sẽ ít hơn nhiều so với việc tăng thuế GTGT.
Một số loại hàng hóa có thể chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xa xỉ phẩm (mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm cao cấp nhập khẩu) vì những mặt hàng này, chỉ có nhóm thu nhập cao hoặc rất cao tiêu dùng.
Ảnh: MAI LƯƠNG.
Về thuế TTĐB, một số loại hàng hóa có thể chịu thuế TTĐB như xa xỉ phẩm (mỹ phẩm, thời trang/phụ kiện thời trang cao cấp, thực phẩm cao cấp nhập khẩu) vì những mặt hàng này, chỉ có nhóm thu nhập cao và/hoặc rất cao tiêu dùng. Các mặt hàng như thuốc lá, rượu bia có thể tăng thuế suất vì giá bán ở Việt Nam quá thấp, trong khi ảnh hưởng xấu cho xã hội của hai nhóm mặt hàng này là rất lớn. Ở một số nước, ngoài thuế, các sản phẩm này còn phải đóng thêm một khoản phí cho quỹ bảo hiểm sức khỏe hay quỹ an toàn giao thông. Giá thuốc lá, rượu bia cao sẽ phần nào hạn chế lượng tiêu thụ (nhưng không chắc giảm doanh thu). Chẳng hạn ở Pháp, trong giá bán ra của một gói thuốc, 80% là các khoản thuế, phí nộp cho chính phủ: một gói thuốc giá 8 euro thì phần cho nhà sản xuất chỉ 0,96 euro, tương đương 12%; 8% còn lại là cho kênh phân phối.
Về thuế TNDN và TNCN, bất động sản là đối tượng chịu thuế để từ đó có thể điều chỉnh tăng nguồn thu. Một thực tế hiện nay ở Việt Nam là nhóm người giàu/thu nhập cao sở hữu bất động sản có giá trị cao hay nhiều bất động sản. Vì vậy, thuế tài sản dựa trên giá trị của bất động sản là cần thiết, không chỉ tăng nguồn thu mà còn góp phần điều tiết thu nhập, giảm bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản có thể tăng cao hơn mức 2% như dự thảo luật nêu, nhằm quản lý hiện tượng đầu cơ, tạo bong bóng bất động sản. Đối với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mặc dù đã có quy định riêng về thuế TNDN đối với kinh doanh bất động sản (dựa trên thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, hiện nay là 20%), cần xác định mức giá giao dịch phù hợp với giá trị thực để tính đúng, tính đủ thuế. Ngoài ra, các giao dịch chuyển nhượng bất động sản phải được thanh toán qua ngân hàng, để có thể kiểm soát các giao dịch khi cần kiểm tra.
Về thuế tài nguyên, quan trọng nhất là xác định đúng giá tính thuế tài nguyên. Thực tế cho thấy giá tính thuế tài nguyên thấp hơn giá thị trường đã và đang gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Một số loại tài nguyên như gỗ nhóm I, nhóm II, hải sản tự nhiên khác có thể tăng thêm thuế suất nếu cần thiết vì hiện nay thuế suất tương ứng 35%, 30%, và 2% là vẫn còn có thể tăng được.
Tính công bằng trong việc nộp thuế, phí
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới gần nhất (2014), hệ số Gini của Việt Nam là 37,59 (điểm 0 là hoàn toàn bình đẳng trong phân phối thu nhập, 100 là hoàn toàn bất bình đẳng) và ở Việt Nam, có 20% dân số chiếm 40% thu nhập/chi tiêu cả nước. Tuy nhiên, theo quan sát của người viết thì mức độ chênh lệch thực tế về thu nhập và mức sống còn lớn hơn nhiều giữa nhóm thu nhập cao và thu nhập thấp. Tính công bằng trong việc nộp thuế, ở nhiều nước, được thể hiện ở việc người có thu nhập nhiều hơn hay khả năng chi tiêu nhiều hơn phải đóng thuế cao hơn khi tiêu dùng, chứ không phải công bằng là ai cũng đóng thuế giống nhau. Vì lẽ đó, đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ, thuế suất sẽ khác nhau nếu đó là hàng hóa dịch vụ thiết yếu hay chỉ dành cho nhóm có thu nhập cao. Nhiều khoản đóng góp (thuế, phí) ở cấp chính quyền địa phương quản lý cũng được xác định theo nguyên tắc bình đẳng này, nghĩa là hộ gia đình có thu nhập cao hơn sẽ đóng ở mức cao hơn. Ví dụ ở Pháp, thuế cư trú (taxe d’habitation) hay phí căn tin cho trẻ đi học, phí học các chương trình ngoại khóa do chính quyền địa phương quản lý, đều được tính toán dựa trên mức thu nhập của hộ gia đình, thường chia thành nhiều mức khác nhau, có khi lên đến 10% mức thu nhập.
Tóm lại, trong tình huống ngân sách nhà nước bị thâm hụt, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ chi tiêu (giảm chi cũng là một cách tăng thu), thì việc tăng thuế cần cân nhắc đến sự công bằng giữa những người nộp thuế, mà công bằng ở đây phải hiểu theo hướng người có thu nhập cao hơn hay khả năng chi tiêu nhiều hơn phải chịu thuế cao hơn. Bên cạnh đó, những loại thuế tác động đến chi tiêu hay thu nhập thực tế của nhóm có thu nhập trung bình và thấp trong xã hội, dù trực tiếp hay gián tiếp, cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì nhóm này luôn chiếm số đông, và là nguồn lực chính cho sự phát triển trong dài hạn.
Võ Đình Trí
Kinh tế Sài Gòn Online
Vietnam Report
Bình Luận (0)