Kết thúc quý I/2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,79%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng đề ra, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Chính phủ đề ra 6 giải pháp tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2019.
3 thách thức với nền kinh tế
Việc GDP quý I sụt giảm so với năm trước do một số yếu tố tạo nên sự đột biến như quý I/2018 đã không còn. Sau giai đoạn phục hồi năm 2016 và 2017, quý I/2018 kinh tế Việt Nam bất ngờ gặp thuận lợi trên mọi lĩnh vực nên tăng trưởng kinh tế đạt mức cao kỷ lục.
Theo các chuyên gia kinh tế, dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng mức tăng trưởng 6,79% là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, trong những tháng cuối năm nền kinh tế Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó có 3 thách thức lớn.
Một là, tác động bất lợi từ kinh tế thế giới. Do tính bất định và khó lường trong môi trường kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ chịu tác động lớn bởi những cú sốc từ bên ngoài, trong khi khả năng kháng chịu và thích ứng còn chưa cao. Khi gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, hàng hóa Trung Quốc sẽ tìm đến các thị trường khác, gia tăng sức ép cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt là, quá trình điều chỉnh lại chính sách tiền tệ của Mỹ và EU trong thời gian tới, kéo theo sự mất giá của các đồng tiền và giá cả gia tăng ở hầu hết các nước đang phát triển, cùng với sự bất ổn của giá dầu thế giới, cũng sẽ tạo áp lực lên Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị VND, trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp.
Hai là, rào cản thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh. Kết quả cải thiện môi trường kinh doanh đang chững lại, thực tế kết quả sản xuất cũng như các cơ hội sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt ở khu vực tư nhân còn rất yếu, các rào cản phát triển còn nhiều.
Ba là, dư địa tác động của các chính sách tiếp tục bị thu hẹp. Việc gia tăng cung tiền và tín dụng phục vụ tăng trưởng có thể gây áp lực đến rủi ro lạm phát. Trước bối cảnh không gian tác động chính sách không còn nhiều, thực trạng tăng trưởng tín dụng và phương tiện thanh toán bị thu hẹp như năm 2018; những quy định an toàn hệ thống mới được áp dụng; đầu tư công suy giảm từ năm 2018 cộng thêm những rào cản đối với sự phát triển của khu vực tư nhân còn chưa được giải quyết triệt để sẽ là những lực cản đến tăng trưởng năm 2019.
6 giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2019, Chính phủ đã đề yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt vào cuộc triển khai đồng bộ, hiệu quả 6 giải pháp nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản;
Thứ hai, tăng cường tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm nhập siêu;
Thứ ba, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc;
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, logistics, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng;
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công;
Thứ sáu, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là một số văn bản quy định pháp luật đang gây vướng mắc, ảnh hưởng đến sự phát triển.
Bên cạnh các giải pháp trên, Chính phủ cũng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy mạnh cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…
Lưu Đức
Tổng hợp
Vietnam Report
Bình Luận (0)