Trong một thời gian ngắn, nhiều báo ở Việt Nam đã có những bài điều tra khá công phu về hoạt động cho vay trực tuyến vừa mới bùng phát đi kèm là các cảnh báo đáng lưu ý. Những cảnh báo này tập trung vào các nguy cơ như lãi suất cực cao, có lúc có nơi lên đến 700% mỗi năm!
Dựa vào những quan sát ban đầu, có thể thấy hoạt động cho vay trực tuyến ở Việt Nam có khác với mô hình cho vay ngang hàng ở các nước. Ở các nước, cho vay ngang hàng được xem như một sản phẩm của ngành công nghệ tài chính (FinTech), là một nền tảng chia sẻ thông tin tín dụng, đứng giữa làm trung gian để bên cho vay gặp gỡ thương lượng trực tiếp với bên đi vay. Nhờ cắt bỏ tầng lớp trung gian, tức hệ thống ngân hàng, cho vay ngang hàng được kỳ vọng cắt giảm chi phí và thủ tục giấy tờ nên bên có tiền nhàn rỗi đem đi cho vay sẽ được lãi suất cao còn bên đi vay sẽ trả lãi suất cao hơn nhưng lại hưởng các thuận lợi như không cần thế chấp, thủ tục nhanh chóng, gọn nhẹ.
Tuy thế, mô hình chia sẻ tín dụng này đã biến tướng và thất bại ở Trung Quốc (xem thêm bài Cho vay trực tuyến: từ Trung Quốc đang lan ra Đông Nam Á tr.58) Lòng tham đã khiến các công ty cho vay kiểu này trực tiếp huy động vốn rồi trực tiếp cho vay bừa bãi, bất kể rủi ro; nhiều khoản vay trở thành nợ xấu khó đòi; nhiều người mất hết những món tiền dành dụm suốt đời... Có dấu hiệu cho thấy do thất bại ở Trung Quốc, nhiều tay cho vay ngang hàng tìm cách chuyển hoạt động sang các nước Đông Nam Á.
Mô hình cho vay trực tuyến ở Việt Nam không mang ý nghĩa cho vay ngang hàng vì không tổ chức cho người có tiền nhàn rỗi gặp người có nhu cầu vay tiền mà nơi cho vay có nguồn tiền trực tiếp từ nước ngoài. Nhiều nơi tự giới thiệu rõ là tập đoàn cho vay có mặt ở nhiều nước trong khu vực, có nơi còn có đường dẫn trực tiếp đến trang chủ bằng đủ thứ tiếng. Các ứng dụng để tải về từ Google Play hay Apple Store cho thấy họ là công ty đăng ký ở Hồng Kông hay một nơi nào khác chứ không phải công ty Việt Nam.
Chính vì thế, thiết nghĩ cơ quan quản lý mà ở đây là Ngân hàng Nhà nước nên nhanh chóng có những chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay kiểu này để phòng tránh những rủi ro như đã xảy ra ở Trung Quốc. Trước mắt cần có những cảnh báo cho người dân, chẳng hạn khẳng định cho đến nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ công ty cho vay trực tuyến nào hoạt động cả cho nên mọi trang web hay ứng dụng chào mời cho vay trực tuyến đều là bất hợp pháp.
Bước tiếp theo là nghiên cứu để nhanh chóng cho ra đời các quy định như buộc các công ty FinTech hạn chế hoạt động chỉ ở lĩnh vực FinTech chứ không được mở rộng ra hoạt động tín dụng - chẳng hạn cấm các công ty FinTech cho vay trực tiếp hay huy động vốn trực tiếp. Đây là một lĩnh vực mới nên cần quan sát học hỏi kinh nghiệm của các nước khác nhưng không phải vì sự thận trọng mà bỏ trống trận địa không người trông coi như hiện nay. Không thể để các trang web có đuôi .vn lừa đảo người dân vướng vào các khoản nợ, lãi suất cao ngất ngưởng mà ai cũng biết họ khó có khả năng hoàn trả.
Vietnam report
Bình Luận (0)