Thời kỳ của AI sáng tạo và những thay đổi trong hoạt động doanh nghiệp

27/02/2023

Người tạo 892

Chuyên mục:

AI sáng tạo và các mô hình nền tảng khác đang thay đổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đưa công nghệ hỗ trợ lên một tầm cao mới, giảm thời gian phát triển ứng dụng và mang lại giá trị lớn cho người dùng không có chuyên môn kỹ thuật.

Một câu hỏi được đặt ra cho ChatGPT – mô hình ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát có thể tạo nội dung gốc để đáp lại chủ đề của người dùng: “Viết đoạn mở đầu một bài viết về cách AI tạo ra khả năng biến đổi sẽ có tác dụng như thế nào đối với doanh nghiệp.”

Phản hồi của ChatGPT như sau: “Sự trỗi dậy của AI có tiềm năng trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi lớn đối với các doanh nghiệp. Công nghệ này cho phép tạo ra nội dung gốc bằng cách học hỏi từ dữ liệu hiện có, có khả năng cách mạng hóa các ngành công nghiệp và biến đổi cách thức hoạt động của các công ty. Bằng cách cho phép tự động hóa nhiều nhiệm vụ trước đây do con người thực hiện, AI tổng quát có khả năng tăng hiệu quả và năng suất, giảm chi phí và mở ra những cơ hội phát triển mới. Như vậy, các doanh nghiệp có thể tận dụng hiệu quả công nghệ có khả năng đạt được lợi thế cạnh tranh đáng kể.”

Không hoàn hảo nhưng vô cùng ấn tượng.

Theo các chuyên gia, việc nhập chủ đề vào ChatGPT do OpenAI phát triển là tất cả những gì cần thiết để thấy được sức mạnh của AI sáng tạo. Trong năm ngày đầu tiên kể từ khi phát hành, hơn một triệu người dùng đã đăng nhập vào nền tảng để tự mình trải nghiệm. Các máy chủ của OpenAI hầu như không thể theo kịp nhu cầu, thường xuyên nhấp nháy thông báo rằng người dùng cần quay lại sau khi dung lượng máy chủ được giải phóng.

Các sản phẩm như ChatGPT và GitHub Copilot, cũng như các mô hình AI cơ bản hỗ trợ các hệ thống này (Stable Diffusion, DALL·E 2, GPT-3…), đang đưa công nghệ vào các lĩnh vực từng được cho là dành riêng cho con người. Với AI sáng tạo, giờ đây máy tính có thể thể hiện sự sáng tạo. Chúng có thể tạo nội dung gốc để phản hồi các truy vấn, rút ra từ dữ liệu đã nhập và tương tác với người dùng. Chúng có thể phát triển các trang cá nhân hoá như blog, phác thảo thiết kế, viết code hoặc thậm chí đưa ra giả thuyết về lý do xảy ra lỗi sản xuất…

Loại hệ thống AI tổng quát mới nhất này đã xuất hiện từ các mô hình nền tảng – mô hình deep learning (học sâu) quy mô lớn, được đào tạo trên các tập dữ liệu lớn, rộng, phi cấu trúc (như văn bản và hình ảnh) bao gồm nhiều chủ đề. Các nhà phát triển có thể điều chỉnh các mô hình này cho nhiều trường hợp sử dụng khác nhau mà không cần tinh chỉnh nhiều cho từng tác vụ. Ví dụ, GPT-3.5 – mô hình nền tảng của ChatGPT – cũng đã được sử dụng để dịch văn bản, và các nhà khoa học đã sử dụng phiên bản GPT cũ hơn để tạo ra các chuỗi protein mới. Bằng cách đó, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận sức mạnh của những khả năng này, kể cả những nhà phát triển còn thiếu kỹ năng machine learning (học máy) chuyên biệt hay những cá nhân không có nền tảng kỹ thuật. Sử dụng các mô hình nền tảng cũng có thể giảm thời gian phát triển những ứng dụng AI mới xuống mức hiếm khi có thể trước đây.

AI sáng tạo hứa hẹn sẽ biến năm 2023 trở thành một trong những năm thú vị nhất đối với AI. Nhưng cũng như mọi công nghệ mới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải thận trọng tiến hành, bởi vì công nghệ ngày nay đang đặt ra nhiều thách thức về đạo đức và thực tiễn.

Con người và công nghệ

Hơn một thập kỷ trước, McKinsey & Company đã viết một bài báo phân loại hoạt động kinh tế thành ba nhóm – sản xuất, giao dịch và tương tác – đồng thời xem xét mức độ thâm nhập của công nghệ vào từng nhóm. Máy móc và công nghệ nhà máy đã biến đổi sản xuất bằng cách tăng cường và tự động hóa lao động của con người trong cuộc Cách mạng Công nghiệp hơn 100 năm trước, đồng thời AI đã nâng cao hiệu quả hơn nữa trong dây chuyền sản xuất. Về phần giao dịch, cũng đã trải qua nhiều quá trình ứng dụng công nghệ khác nhau, gần đây nhất là quá trình số hóa và thường gặp nhất là tự động hóa.

Mãi cho đến gần đây, lao động tương tác (như dịch vụ chăm sóc khách hàng) chỉ ứng dụng những công nghệ kém phát triển. AI sáng tạo được thiết lập để thay đổi điều đó bằng cách thực hiện lao động tương tác theo cách gần giống với hành vi của con người và trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí không thể nhận thấy sự khác biệt. Điều đó không có nghĩa là những công cụ này được thiết kế để hoạt động mà không cần sự can thiệp của con người. Trong nhiều trường hợp, chúng đạt hiệu quả cao nhất khi kết hợp với con người, tăng cường khả năng của chúng và cho phép chúng hoàn thành công việc nhanh hơn, tốt hơn.

AI sáng tạo đang đẩy công nghệ vào một lĩnh vực được cho là duy nhất đối với tâm trí con người: Sự sáng tạo. Công nghệ tận dụng đầu vào (dữ liệu nó đã nhập và chủ đề của người dùng) và trải nghiệm (tương tác với người dùng giúp nó “tìm hiểu” thông tin mới và điều gì chính xác hoặc không chính xác) để tạo ra nội dung hoàn toàn mới. Trong khi sẽ có nhiều cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi trong tương lai gần về việc liệu điều này có thực sự tương đương với sự sáng tạo hay không, thì hầu hết mọi người đều đồng ý rằng những công cụ này sẽ giải phóng nhiều sự sáng tạo hơn bằng cách thúc đẩy con người đưa ra những ý tưởng khởi đầu.

Ứng dụng trong kinh doanh

Các mô hình này đang ở giai đoạn đầu mở rộng quy mô, nhưng các chuyên gia đã bắt đầu thấy những ứng dụng đầu tiên trên các nhóm chức năng, bao gồm::

  • Tiếp thị và bán lẻ: Xây dựng nội dung tiếp thị, mạng xã hội và các nội dung bán hàng (bao gồm văn bản, hình ảnh và video); tạo trợ lý phù hợp với các doanh nghiệp cụ thể.
  • Bộ phận chức năng: Tạo danh sách nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả một hoạt động nhất định.
  • Công nghệ thông tin/ Kỹ thuật: Viết, lập tài liệu và xem lại mã.
  • Rủi ro và pháp lý: Trả lời các câu hỏi phức tạp, tham khảo từ rất nhiều tài liệu pháp lý, soạn thảo và xem xét các báo cáo hàng năm.
  • R&D: Tăng tốc độ nghiên cứu và phát triển thuốc bằng cách hiểu rõ hơn về các loại bệnh, tật và phân tích cấu trúc hóa học.

Phấn khích đi đôi với thận trọng

Những kết quả đáng kinh ngạc của AI tổng quát khiến cho hệ thống này giống như một công nghệ đã sẵn sàng hoạt động, nhưng thực tế không phải vậy. AI đòi hỏi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải tiến hành công việc này hết sức thận trọng. Những kỹ thuật viên vẫn đang liên tục giải quyết các khúc mắc, các vấn đề phát sinh trong thực tế và vấn đề đạo đức vẫn còn bỏ ngỏ.

Dưới đây là một số ví dụ:

  • Giống như con người, AI sáng tạo có thể sai. Ví dụ, ChatGPT đôi khi khá “ảo”, nghĩa là nó tự tin tạo ra thông tin hoàn toàn không chính xác để trả lời câu hỏi của người dùng và không có cơ chế tích hợp để cảnh báo điều này cho người dùng. Theo quan sát, khi yêu cầu công cụ viết một đoạn tiểu sử ngắn, AI đã tạo ra một số dữ kiện không chính xác cho người đó, chẳng hạn như liệt kê sai cơ sở giáo dục.
  • Hiện nay, bộ lọc chưa đủ hiệu quả để kiểm soát nội dung không phù hợp. Người dùng có thể dùng ứng dụng AI để tạo hình ảnh avatar từ ảnh chụp. Tuy vậy, nhiều người nhận lại được hình đại diện từ hệ thống miêu tả họ không chính xác, mặc dù họ đã nhập các bức ảnh phù hợp của chính mình.
  • Những thành kiến mang tính hệ thống vẫn cần được giải quyết. Các hệ thống này lấy từ lượng dữ liệu khổng lồ có thể bao gồm các định kiến ​​không mong muốn.
  • Các tiêu chuẩn và giá trị của công ty riêng lẻ sẽ không được phản ánh. Các công ty sẽ cần điều chỉnh công nghệ để kết hợp văn hóa và giá trị của từng doanh nghiệp. Đây là một bài toán đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật và sức mạnh tính toán vượt xa những gì một số công ty có thể sẵn sàng tiếp cận.
  • Các câu hỏi về sở hữu trí tuệ đang được tranh luận. Khi một mô hình AI tổng quát đưa ra một ý tưởng hoặc thiết kế sản phẩm mới dựa trên yêu cầu của người dùng, ai có thể có quyền sở hữu sản phẩm đó? Điều gì xảy ra khi AI “đạo văn” một nguồn dựa trên dữ liệu đào tạo của nó?

Những bước đầu cho các nhà lãnh đạo

Trong những công ty đang xem xét việc sử dụng AI tổng quát, các nhà lãnh đạo sẽ mong muốn có thể nhanh chóng xác định bộ phận nào trong hoạt động kinh doanh của họ mà công nghệ có thể có tác động tức thì, đồng thời có thể triển khai một cơ chế để giám sát AI, vì có nhiều khả năng AI sẽ phát triển nhanh chóng. Một động thái cấp thiết ở đây là tập hợp một nhóm đa chức năng, bao gồm các chuyên gia khoa học dữ liệu, chuyên gia pháp lý và các lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, để suy nghĩ về các câu hỏi cơ bản, chẳng hạn như:

  • Công nghệ có thể hỗ trợ hoặc làm gián đoạn ngành và/ hoặc chuỗi giá trị kinh doanh của chúng ta ở đâu?
  • Chính sách và vị thế của chúng ta đang là gì? Ví dụ, chúng ta đang chờ đợi một cách thận trọng để xem công nghệ phát triển như thế nào, đầu tư thí điểm, hay tìm cách xây dựng một doanh nghiệp mới? Vị thế có nên khác nhau giữa các lĩnh vực kinh doanh không giống nhau?
  • Với những hạn chế của các mô hình, tiêu chí của doanh nghiệp để chọn trường hợp sử dụng nhắm đến mục tiêu là gì?
  • Làm cách nào để chúng ta theo đuổi việc xây dựng một hệ sinh thái hiệu quả gồm các đối tác, cộng đồng và nền tảng?
  • Các mô hình này nên tuân thủ những tiêu chuẩn pháp lý và cộng đồng nào để chúng ta có thể duy trì niềm tin với các bên liên quan?

Trong khi đó, điều cần thiết là khuyến khích sự đổi mới chu đáo trong toàn tổ chức, xây dựng các hành lang bảo vệ cùng với cơ chế thử nghiệm (sandbox), nhiều trong số đó đã có sẵn qua hệ thống dữ liệu đám mây (cloud).

Những đổi mới mà AI có thể tạo ra có thể thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và trình độ công nghệ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên duy trì nhận thức sâu sắc về những rủi ro tồn tại ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghệ này.

Hoài Anh

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *