Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý I/2017 ước tính chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 6,12% cùng kỳ năm 2015 và 5,48% cùng kỳ năm 2016. Trong bối cảnh này, đầu tư nước ngoài lại là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế hiện tại với mức tăng mạnh.
Cụ thể, trong quý I/2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Không phải gần đây vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới có diễn biến tích cực, mà thực tế, dòng tiền đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét, tạo niềm tin và động lực cho nền kinh tế tăng trưởng. Việc thu hút được ngày càng nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đã thể hiện mức độ tín nhiệm của nhà đầu tư đối với Việt Nam cao hơn, nâng cao vị thế cạnh tranh của thị trường nội địa với nước ngoài, đồng thời là nguồn vốn mồi giúp tạo ra những hệ quả tích cực cho nền kinh tế.
Về phần “lượng”, có thể đánh giá bằng một từ: Tốt! Và chúng ta kỳ vọng rằng, đây sẽ là tiền đề để phần “chất” tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Chúng ta có thể nhìn rộng ra một số quốc gia trong khu vực để xem xét, nước bạn có những yêu cầu và “đối xử” như thế nào với dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong số các quốc gia châu Á, Singapore là một trong những nền kinh tế phát triển bậc nhất. Đối với các khoản đầu tư FDI, Singapore sẽ xem xét những dự án đầu tư này có phù hợp với chính sách của họ hay không. Nổi tiếng vì các chính sách tích hợp được cả yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển và hài hòa với đời sống xã hội, có cả chất và lượng, phương châm của quốc gia này trong thu hút FDI là “chúng tôi cần điều gì thì mới mời bạn đầu tư vào thứ đó”.
Không ở vị thế cao như Singapore, nhưng Thái Lan vẫn khá “khó tính” khi xem xét dòng vốn FDI về 4 góc cạnh chủ chốt. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài có thực sự mang lại lợi ích cho nền kinh tế không?
Thứ hai, những hậu quả có thể đi sau dự án đầu tư, như ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề được xem xét kỹ lưỡng, bởi quốc gia này rất coi trọng việc giữ gìn cảnh sắc, môi trường mà thiên nhiên đã ban tặng.
Thứ ba, phản ứng xã hội ra sao trước dự án đầu tư nước ngoài? Người dân Thái Lan nổi tiếng với việc ưa chuộng cuộc sống bình dị, yên ổn. Do đó, không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận việc nhà đầu tư nước ngoài tới xây dựng nhà máy, công xưởng ngay bên cạnh làng mạc của mình, làm thay đổi nếp sống sinh hoạt bấy lâu.
Thứ tư, nếu tiến hành đầu tư, phần lợi nhuận sẽ được phân chia như thế nào? Địa phương nơi nhận khoản đầu tư sẽ đòi bằng được phần lớn của khoản lợi nhuận, tiền và tiện ích. Họ sẽ để nhà đầu tư nhận được khoản tiền lãi thích hợp, cùng các chi phí nếu có, bởi đây là nơi chịu ảnh hưởng của công cuộc đầu tư.
Với các nền kinh tế phát triển, chẳng hạn Pháp, việc rót vốn vào quốc gia này không hề dễ dàng, dù Pháp rất cần chiêu mộ tiền đầu tư. Quốc gia châu Âu này sẽ chỉ chấp nhận vốn FDI nếu dự án đầu tư có khả năng nâng cao đời sống của người dân, không phá hoại cấu trúc xã hội, giúp chuyển giao công nghệ. Thái độ của nhà đầu tư nước ngoài với người dân, quốc gia cũng rất quan trọng, không phải vì đổ tiền đầu tư mà có thể tỏ ra trịch thượng.
Nhìn chung, việc thu hút dòng vốn FDI mang lại nhiều lợi ích không thể bàn cãi, đi cùng với lượng, Việt Nam đang nỗ lực để gia tăng cả yếu tố chất.
Chắc chắn rằng, các nhà quản lý đều mong muốn hướng đến việc người dân hài lòng, lao động được đào tạo, kỹ sư được chuyển giao công nghệ. Khi ấy, nguồn tiền FDI sẽ càng đáng giá. Xác định hoạt động tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có tầm nhìn phát triển dài hạn cũng sẽ có sự tôn trọng với cộng đồng, môi trường, nguồn lợi ích… tại đây.
GS. Phan Văn Trường
Theo Tin nhanh chứng khoán
Vietnam Report
Bình Luận (0)