Thủ tướng: Triển khai Chính phủ điện tử phải có "kỷ luật sắt"

21/09/2018

Người tạo 0

Chuyên mục:

Việc thực hiện Chính phủ điện tử phải được đôn đốc, triển khai hợp lý, không để kéo dài, "đổ qua, đổ lại".

Quan điểm chung được đưa ra tại phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sáng nay 20/9, đều cho thấy Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất mạnh mẽ về xây dựng Chính phủ điện tử. Nhiều kỳ vọng về sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới cũng được đặt ra. 

Quyền Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng với dự án này, không nên "người người chỉ đạo, nhà nhà làm" như thời gian qua mà chỉ nên một người chỉ đạo và một số ít doanh nghiệp lớn làm. Điều này nhằm tăng tốc độ cũng như đảm bảo sự thống nhất, chuẩn hoá và chia sẻ thông tin.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thì nhận định thể chế và chính sách là vấn đề quan trọng. Ông đề nghị Bộ TTTT và Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng để ban hành nghị định về lưu trữ hồ sơ điện tử.

Quan điểm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chính phủ điện tử phải phát triển theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng. Theo đó, dự án phải đẩy mạnh xây dựng dữ liệu quốc gia vốn đang chậm trễ, nhất là dữ liệu dân cư. Theo Phó Thủ tướng, đây là một trong những vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý. Đặc biệt, ông đề cập đến "kỷ luật sắt" trong thực hiện, không để kéo dài, "đổ qua, đổ lại một số công việc" khiên tiến độ, chất lượng bị ảnh hưởng.

Thủ tướng giao VPCP, Bộ TTTT tiếp thu tối đa các ý kiến, rà soát, bổ sung các vấn đề mới để tạo nên sức sống, tính thực tiễn cao trong tổ chức thực hiện.

Kết quả của điện tử hoá tại các cơ quan được Thủ tướng nhìn nhận ở cả hai mặt được và chưa được. Đối với những điểm hạn chế, ông chỉ ra có nguyên nhân là chưa phát huy được vai trò người đứng đầu, cơ chế chưa đủ mạnh.

"Nhiều cơ quan, địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Việc triển khai mang nặng tính hình thức, thói quen giấy tờ chưa được khắc phục", Thủ tướng nói.

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Chính phủ điện tử ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

"Phải có đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau", Thủ tướng cho biết.

Trong tháng 10, Thủ tướng yêu cầu Bộ TTTT chủ trì phối hợp với VPCP khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, trình Thủ tướng xem xét, ban hành.

VPCP cần khẩn trương xây dựng, phát triển trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được Chính phủ giao triển khai, trước hết là phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử theo lộ trình quy định, hoàn thành thử nghiệm trong năm 2018...

Bộ chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đất đai quốc gia, đăng ký doanh nghiệp và công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Trước mắt, đơn vị này cần tập trung ưu tiên hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ TTTT chủ trì, khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 102 và Quyết định số 80 của Thủ tướng, hoàn thành trong tháng 11/2018. Trong trường hợp cần thiết, Bộ tham mưu, đề xuất Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thí điểm cơ chế đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Thủ tướng cũng nhất trí việc tổ chức tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban thành 4 nhóm công tác về: Thể chế và cải cách hành chính, nguồn lực và bảo đảm thực thi, giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn thông tin, truyền thông.

Thủ tướng nhấn mạnh, VPCP là cơ quan thường trực, cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tránh tình trạng "đưa chủ trương sớm nhưng mãi không thực hiện được do ách tắc chuyện này, chuyện kia".

Thủ tướng cũng mong muốn các ngành, các cấp cùng "xắn tay áo" vào xây dựng thành công Chính phủ điện tử, chứ không phải "mạnh ai nấy làm".

T. Công

Theo Trí thức trẻ

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *