Thúc đẩy EVFTA, kinh tế số cho một Việt Nam thịnh vượng

14/03/2019

Người tạo 0

Chuyên mục:

Sách Trắng lần thứ 11 vừa được ra mắt của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã đưa ra nhiều khuyến nghị giúp Việt Nam thành một môi trường đầu tư cạnh tranh, hấp dẫn hơn với doanh nghiệp.

Sáng ngày 14/3, tại Hà Nội, EuroCham đã ra mắt ấn bản thứ 11 của ấn phẩm thường niên Sách Trắng. Song song đó, EuroCham đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sự kiện: “EVFTA - Đổi mới và số hóa công nghiệp vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ một trong những nước kém phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình, hiện đại, đang phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, Việt Nam có nhiều cơ hội thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có FTA thế hệ mới như EVFTA.

Vì thế, vị này mong muốn Việt Nam có thể khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam phải tiếp thu các kiến nghị, cải thiện khung pháp lý và môi trường kinh doanh.

Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao cho hay, hợp tác với các doanh nghiệp EU sẽ là bệ phóng lớn cho sự phát triển của Việt Nam. EVFTA được ký kết thành công sẽ giúp EU tăng trưởng GDP là 2,9%, còn Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 10-15%. Vì thế, Việt Nam cam kết đảm bảo môi trường mở, minh bạch cho các nhà đầu tư châu Âu, nhất là trong các lĩnh vực: giao thông, chế biến, tài chính… Do đó, ông Bùi Thanh Sơn đề nghị sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa của EuroCham để sớm thúc đẩy phê chuẩn EVFTA.

Cũng tại sự kiện, nói về sự hỗ trợ của đổi mới công nghệ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch EuroCham nhận định, những năm qua, con đường phát triển kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động; tuy nhiên, thời gian tới sẽ chủ yếu đến từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Đặc biệt, theo đánh giá của ông Nicolas Audier, sự kết hợp giữa EVFTA và cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng quốc tế. Cách mạng công nghiệp 4.0, thông qua quá trình số hóa diễn ra ở khắp các ngành nghề, sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam: cạnh tranh hơn, đổi mới hơn và chuẩn bị tốt hơn nắm bắt cơ hội tiềm năng. Trong khi đó, EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, giúp người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn với đa dạng hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao từ châu Âu.

Nói cụ thể hơn về vấn đề này, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, kinh tế số tăng trưởng gấp 7 lần các ngành khác nên đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của các nền kinh tế.

Để phát triển kinh tế số, ông Bruno Angelet cho rằng, có 3 điều kiện cần phải thực hiện: cơ sở hạ tầng sẵn có, đảm bảo bảo mật an ninh, đảo bảo niềm tin của người dân với nền kinh tế số. Vì thế, Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu, để đảm bảo một nền kinh tế cởi mở nhưng vẫn cạnh tranh lành mạnh.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, Việt Nam đang có cơ sở pháp lý hỗ trợ phát triển kinh tế số tương đối đầy đủ, cho thấy sự sẵn sàng của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự đầu tư, ủng hộ của các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có EuroCham để có lộ trình phát triển phù hợp.

Ngoài ra, cũng tại sự kiện, một số vấn đề và kiến nghị của cộng đồng thành viên EuroCham được trình bày và thảo luận theo 3 chủ đề lớn: ngành y tế tại Việt Nam, môi trường thuế và hải quan, tăng trưởng bền vững. Các thành viên EuroCham cho rằng, nếu các kiến nghị được mô tả chi tiết trong Sách Trắng được cân nhắc tháo gỡ sẽ giúp Việt Nam thành một môi trường đầu tư cạnh tranh, hấp dẫn và thân thiện với doanh nghiệp hơn. 

Hương Dịu

Báo Hải quan 

 

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *