Ngày 12/12/2024, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024.
Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2024.
Danh sách Top 10 công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, tháng 12/2024
Thực trạng ngành Thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Xu hướng giảm sản lượng
Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Theo Báo cáo Triển vọng Thực phẩm Nông nghiệp năm 2024 của Alltech hiện Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về sản lượng thức ăn chăn nuôi (TACN). Thành tích này phản ánh sự mở rộng quy mô và cải tiến công nghệ trong sản xuất TACN, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ ngành nông nghiệp toàn cầu.
Trong giai đoạn 2019-2021, ngành TACN tại Việt Nam đã có sự phát triển ổn định về sản lượng và đạt đỉnh vào năm 2021 với 21,9 triệu tấn. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, xu hướng giảm sản lượng đã bắt đầu xuất hiện, và năm 2023 sản lượng chỉ đạt 20,5 triệu tấn. Sự suy giảm này có thể được lý giải bởi những tiến bộ trong công nghệ chăn nuôi.
Hình 1: Sản lượng TACN công nghiệp giai đoạn 2018-2023
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Cục Chăn nuôi
Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, số lượng nhà máy TACN trong giai đoạn 2019-2023 tương đối ổn định, dao động quanh mức 260-270 nhà máy. Các khu vực Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ tiếp tục là những nơi tập trung chính của các nhà máy lớn, nhờ vào hệ thống giao thông thuận lợi và nhu cầu chăn nuôi cao.
Hình 2: Cơ cấu sản lượng TACN theo vật nuôi giai đoạn 2019-2023
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Cục Chăn nuôi
Sản lượng TACN theo nhóm sản phẩm trong 5 năm qua đã có những biến động đáng chú ý. Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, sản lượng TACN cho lợn đã tăng trưởng mạnh mẽ từ 8,9 triệu tấn năm 2019 lên mức cao nhất 12,2 triệu tấn vào năm 2021, nhờ vào sự phục hồi của ngành chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, khi quá trình tái đàn dần hoàn tất và nhu cầu ổn định, sản lượng thức ăn đã có xu hướng chững lại, đạt 11,4 triệu tấn vào năm 2022 và 11,5 triệu tấn vào năm 2023. Trong khi sản lượng thức ăn cho lợn có xu hướng ổn định, sản lượng thức ăn cho gia cầm lại giảm mạnh từ 10,7 triệu tấn năm 2020 xuống còn 8,3 triệu tấn năm 2023. Đặc biệt, nhóm thức ăn cho vật nuôi khác duy trì mức sản lượng thấp và trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn từ 2019-2023, giảm tới 67%, từ 0,6 triệu tấn xuống còn 0,2 triệu tấn.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 10/2024 đạt hơn 97 triệu USD, tăng 22,6% so với tháng trước. Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu ước đạt 850 triệu USD, giảm 16,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc với 336,2 triệu USD giảm 32,3%, Hoa Kỳ với 111,4 triệu USD tăng 55,8%, Campuchia với 107,3 triệu USD giảm 25,0% so với năm trước.
Ở chiều ngược lại, thống kê sơ bộ giá trị nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 10/2024 đạt hơn 403,7 triệu USD tăng 39,0% so với tháng trước, tính chung 10 tháng năm 2024, nhập khẩu hơn 4,02 tỷ USD giảm 5,8% so với cùng kỳ. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu bao gồm Argentina 1.325 triệu USD tăng 10,0%, Hoa Kỳ 803,0 triệu USD tăng 33,1%, Brasil 526,7 triệu USD giảm 35,4% so với năm trước.
Như vậy, cả xuất khẩu và nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất TACN như lúa mỳ, ngô, đậu tương đã giảm từ 8-14%, khiến giá TACN được điều chỉnh giảm tới 4 lần. Nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm giá các mặt hàng nông sản trong năm nay là nhờ vụ mùa bội thu và điều kiện phát triển thuận lợi ở các quốc gia nhập khẩu.
Hình 3: Diễn biến giá nhập khẩu lúa mì, ngô, đậu tương theo tháng giai đoạn 2019-2024
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp số liệu từ Tổng cục Hải quan
Năm 2024, các doanh nghiệp TACN tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo khảo sát của Vietnam Report, 70,1% doanh nghiệp TACN được hỏi cho biết Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tình hình sản xuất trong năm vừa qua.
Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán và nắng nóng kéo dài đã làm thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất nguyên liệu. Bão Yagi vừa qua là một ví dụ điển hình. Cơn bão đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp, với gần 350 nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập úng, hư hỏng, trong đó có 75 nghìn ha lúa mùa bị mất trắng. Hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm đã chết do đuối nước hoặc thiếu thức ăn. Ngoài ra, 36 nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị tàn phá, cùng với đó là khoảng 190 nghìn ha rừng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sau bão lũ đã tạo thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, gây thêm áp lực lên ngành chăn nuôi.
Theo báo cáo từ các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, trong hơn 9 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng, cụ thể: dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra 9 ổ dịch tại 8 tỉnh, với gần 86.000 con gia cầm bị mắc bệnh, chết và tiêu hủy, tăng 2,54 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch tả lợn châu Phi phát tại 47 tỉnh, thành phố với 1.107 ổ dịch, số lợn bị ảnh hưởng hơn 68.000 con, tăng 2,89 lần; dịch viêm da nổi cục ghi nhận 105 ổ dịch tại 18 tỉnh, với 568 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó 120 con chết và tiêu hủy, tăng nhẹ so với năm trước; dịch lở mồm long móng xảy ra tại 19 tỉnh, thành phố với 60 ổ dịch, số gia cầm mắc bệnh 2.075 con, trong đó 152 con chết và tiêu hủy, tăng 2,75 lần.
Ngoài các vấn đề liên quan đến thiên tai và dịch bệnh, các doanh nghiệp TACN còn phải đối mặt với những khó khăn khác như Sức ép từ tỷ giá gia tăng, Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành, Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng và sự biến động của thị trường năng lượng.
Triển vọng năm 2025 dự báo sẽ khả quan hơn
Trong báo cáo “Gia súc và gia cầm” năm 2025 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 3%, đạt 3,8 triệu tấn vào năm 2025. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi khả năng kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn châu Phi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô đàn lợn. Đồng thời, triển vọng tích cực này cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu về TACN, mở ra cơ hội phát triển cho ngành sản xuất TACN cho lợn.
Bên cạnh đó, theo đề án Phát triển công nghiệp chế biến TACN đến năm 2030, sản lượng TACN công nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng và đạt 24-25 triệu tấn vào năm 2025 và 30-32 triệu tấn vào năm 2030, đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu TACN tinh trong nước.
Trước những diễn biến trên 57,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát bày tỏ niềm tin rằng triển vọng tăng trưởng trong năm 2025 sẽ có xu hướng khả quan hơn so với năm trước, 28,6% doanh nghiệp dự báo ngành sẽ không thay đổi, duy trì kết quả như hiện tại và 14,3% các doanh nghiệp lo ngại rằng ngành sẽ khó khăn hơn trong năm 2025.
Hình 4: Triển vọng tăng trưởng của ngành TACN trong năm 2025 so với năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành TACN, tháng 10-11/2024
Để tận dụng cơ hội tăng trưởng và vượt qua những thách thức tiềm ẩn trong năm 2025, các doanh nghiệp trong ngành TACN sẽ cần xây dựng và triển khai các giải pháp, chiến lược phù hợp, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường sự bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Giải pháp ưu tiên của doanh nghiệp TACN trong năm 2025
Trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến động thị trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn an toàn sinh học, các doanh nghiệp trong ngành đang không ngừng đổi mới để thích ứng và phát triển bền vững.
Ghi nhận từ kết quả khảo sát, một số giải pháp được doanh nghiệp TACN ưu tiên thực hiện trong thời gian sắp tới, bao gồm: (1) Nghiên cứu các sản phẩm TACN hữu cơ, đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn sinh học; (2) Tìm kiếm, đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu với giá cạnh tranh; (3) Đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất TACN tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế; và (4) Thực hiện chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu các sản phẩm TACN hữu cơ đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học
Thay thế kháng sinh bằng các sản phẩm tự nhiên trong TACN đang trở thành ưu tiên nhằm giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Thảo dược, với các hợp chất sinh học hoạt tính như polyphenol và tinh dầu, đã được chứng minh có khả năng kháng khuẩn tự nhiên, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch cho vật nuôi. Probiotic, với vai trò duy trì cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, không chỉ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng trong thức ăn. Trong khi đó, acid hữu cơ như acid formic và acid butyric tạo môi trường axit ức chế vi khuẩn gây hại, đồng thời hỗ trợ hấp thu khoáng chất. Những giải pháp này không chỉ giúp cải thiện năng suất chăn nuôi mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường.
Đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên vật liệu
Biến động giá cả và sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu đã thúc đẩy các doanh nghiệp TACN tìm kiếm và đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên vật liệu. Đây là một chiến lược quan trọng để giảm sự phụ thuộc và tăng tính linh hoạt trong hoạt động sản xuất. Bằng cách hợp tác với nhiều nhà cung cấp có giá cạnh tranh và chất lượng đảm bảo, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc đánh giá kỹ lưỡng năng lực của các nhà cung cấp là yếu tố then chốt để đảm bảo sự ổn định và phù hợp về chất lượng.
Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các yêu cầu về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường ngày càng trở thành yếu tố sống còn đối với ngành TACN. Để hướng đến sản xuất TACN bền vững, ngành đang chuyển dịch sang việc sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường và giảm thiểu tác động tiêu cực trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Việc tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp và công nghiệp, như bã bia, bột vỏ sò, hay cám gạo, không chỉ làm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm thiểu lượng chất thải phát sinh. Đồng thời, công nghệ sinh học như xử lý enzyme hoặc lên men vi sinh được ứng dụng để nâng cao giá trị dinh dưỡng của nguyên liệu tái chế. Song song với đó, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất bền vững giúp doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm xã hội và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Kết quả khảo sát Vietnam Report chỉ ra rằng những yếu tố chính để doanh nghiệp TACN thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: (1) Khách hàng của doanh nghiệp coi trọng các hành động phát triển bền vững có thể đạt được, (2) Chính phủ ban hành các quy định liên quan và (3) Các nhà cung cấp của doanh nghiệp coi trọng các hành động phát triển bền vững.
Khách hàng, bao gồm cả các nhà chăn nuôi và nhà phân phối, không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những cam kết rõ ràng về phát triển bền vững. Họ mong đợi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt mà còn được sản xuất theo những tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến động vật và cộng đồng. Vì vậy, việc doanh nghiệp TACN thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với phát triển bền vững sẽ giúp tăng cường lòng tin của khách hàng, từ đó củng cố mối quan hệ lâu dài và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong một thị trường ngày càng cạnh tranh.
Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc ban hành các chính sách và quy định hỗ trợ ngành. Các quy định này không chỉ tạo ra một khung pháp lý rõ ràng mà còn tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, cải thiện quy trình sản xuất và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Các chính sách như hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hoặc quy định bắt buộc về giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng nguyên liệu tái chế có thể khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành TACN thay đổi và cải tiến quy trình sản xuất.
Một yếu tố không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của ngành TACN là các nhà cung cấp nguyên liệu. Các nhà cung cấp có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì họ cung cấp nguyên liệu và phụ phẩm nông nghiệp cần thiết cho sản xuất TACN. Nếu các nhà cung cấp coi trọng và thực hiện các hành động phát triển bền vững, doanh nghiệp TACN sẽ dễ dàng duy trì các cam kết của mình đối với khách hàng và Chính phủ.
Đầu tư máy móc và dây chuyền sản xuất TACN tự động hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế
Trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ sản xuất hiện đại và tự động hóa đang góp phần cách mạng hóa ngành TACN. Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và robot đã tạo ra những dây chuyền sản xuất linh hoạt, tự động hóa toàn diện, từ việc phối trộn nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm. Đặc biệt, các hệ thống IoT không chỉ theo dõi nhiệt độ và độ ẩm mà còn giám sát hiệu quả sử dụng nguyên liệu, giảm lãng phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Hơn nữa, công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) đóng vai trò quan trọng trong dự đoán nhu cầu thị trường, từ đó điều chỉnh sản lượng và công thức sản xuất một cách chính xác. Những tiến bộ này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn hỗ trợ quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, hướng đến một ngành chăn nuôi bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thách thức lớn là chi phí đầu tư ban đầu cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn và khả năng quản lý nguồn vốn hiệu quả để tận dụng tối đa lợi ích từ tự động hóa.
Bên cạnh đó trước sự ảnh hưởng ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, các quy trình kiểm soát TACN đang được thiết kế để đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong điều kiện môi trường thay đổi thất thường. Công nghệ cảm biến thông minh được triển khai để giám sát chất lượng nguyên liệu đầu vào, kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường như độc tố nấm mốc do khí hậu nóng ẩm gây ra. Hệ thống dự đoán dựa trên phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ đánh giá rủi ro và tối ưu hóa các công thức phối trộn theo mùa vụ. Ngoài ra, các công nghệ bảo quản tiên tiến, như sử dụng phụ gia sinh học và xử lý nhiệt, giúp kéo dài thời gian sử dụng và duy trì chất lượng sản phẩm trong điều kiện khí hậu không ổn định. Những cải tiến này không chỉ đảm bảo hiệu quả chăn nuôi mà còn giúp ngành TACN thích ứng linh hoạt với các thách thức từ biến đổi khí hậu.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp TACN
Kể từ cuối năm 2023, hàng loạt các đề án, chính sách quan trọng tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và giảm chi phí sản xuất đã và đang được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành TACN.
Đề án Phát triển công nghiệp chế biến TACN đến năm 2030
Tháng 12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp chế biến TACN đến năm 2030”. Đề án tập trung đánh giá trình độ công nghệ và đề xuất giải pháp cải tiến công nghệ sản xuất TACN công nghiệp; phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn bổ sung; phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nguồn phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp làm TACN; phát triển vùng sản xuất nguyên liệu làm TACN.
Đề án được kỳ vọng sẽ phát huy tiềm năng sẵn có, nâng cao năng lực sản xuất và chế biến TACN trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời giảm giá thành sản phẩm và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu TACN.
Chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất TACN
Tháng 8/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi trong đó có quy định các chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước dùng để sản xuất TACN.
Những chính sách này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế trong ngành TACN mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, và tối ưu hóa chi phí sản xuất trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khô dầu đậu tương
Một trong những điểm nổi bật của Nghị định số 144/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/12/2024, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan là giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khô dầu đậu tương, từ mức 2% xuống còn 1%. Khô dầu đậu tương là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất TACN, và sự giảm thuế này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho ngành.
Hình 5: Top 3 Chính sách ưu tiên theo kiến nghị của doanh nghiệp TACN
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp ngành TACN, tháng 10-11/2024
Theo ghi nhận từ khảo sát của Vietnam Report, các doanh nghiệp trong ngành TACN đã có sự thay đổi trong các chính sách kiến nghị, theo đó các kiến nghị tập trung vào thúc đẩy sự phát triển bền vững của TACN tập trung vào việc nâng cao công tác thống kê và dự báo thị trường, tăng cường chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, và quy hoạch, phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN.
Ưu tiên hàng đầu trong các chính sách kiến nghị là Nâng cao công tác thống kê, dự báo thị trường ngành chăn nuôi, cân đối sản lượng TACN trong nước với tốc độ phát triển của đàn gia súc, gia cầm với 85,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn. Việc nâng cao chất lượng thống kê và dự báo thị trường được xem là yếu tố nền tảng, giúp cung cấp thông tin chính xác về nguồn cung và nhu cầu TACN cũng như sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Điều này không chỉ đảm bảo sự cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp và nhà quản lý đưa ra các quyết định chiến lược hiệu quả hơn.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ Tăng thuế nhập khẩu các loại thịt lợn, gia cầm nhằm bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của các sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích đầu tư vào ngành chăn nuôi nội địa. Tuy nhiên, chính sách này cần được triển khai thận trọng để tránh gây áp lực lên giá cả và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất TACN được 67,1% doanh nghiệp lựa chọn là một kiến nghị dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, tăng tính tự chủ và ổn định cho ngành.
Đánh giá hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp TACN
Hình 6: Top 5 nhóm chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên truyền thông giai đoạn T10/2022-T9/2024
Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media Coding các doanh nghiệp TACN, từ tháng 10/2022-9/2024
Dữ liệu mã hóa truyền thông theo phương pháp Media Coding trên các đầu báo, kênh truyền thông có ảnh hưởng, đánh giá uy tín các doanh nghiệp trong ngành TACN thông qua hiện diện trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng trong giai đoạn từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024 cho kết quả 5 nhóm chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên truyền thông bao gồm: (1) Trách nhiệm xã hội; (2) Hình ảnh/ PR/ Scandals; (3) Sản xuất; (4) Sản phẩm; và (5) Vị thế thị trường.
Trong năm qua, các doanh nghiệp TACN đã ghi nhận sự chuyển dịch rõ nét trong trọng tâm truyền thông. Trách nhiệm xã hội ngày càng được ưu tiên hơn, với mức độ thảo luận tăng (+2,9%) so với năm trước, phản ánh xu hướng doanh nghiệp có nhiều đóng góp và xây dựng hình ảnh bền vững hơn trên truyền thông. Ngược lại, các vấn đề liên quan đến Hình ảnh/PR/Scandals lại chứng kiến mức giảm mạnh (-11,3%) nhưng vẫn là chủ đề thảo luận nhiều thứ hai. Một điểm sáng khác trong năm qua là sự gia tăng đáng kể của các thông tin liên quan đến Sản xuất (+6,6%). Điều này phản ánh rõ nét sự đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp vào việc mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Về chất lượng thông tin, doanh nghiệp được đánh giá là “an toàn” khi đạt tỷ lệ chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực so với tổng lượng thông tin được mã hóa ở mức 10%, tuy nhiên ngưỡng “tốt nhất” là trên 20%. Theo kết quả mã hóa từ Vietnam Report, 75,6% doanh nghiệp TACN trong nhóm nghiên cứu đã đạt ngưỡng trên 20%. Mặc dù tỷ lệ này có xu hướng giảm so với các năm trước, nhưng đây vẫn là một mức rất cao, phản ánh nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc duy trì hình ảnh tích cực và kiểm soát thông tin trên truyền thông. Điều này cho thấy ngành TACN đang tiếp tục hướng tới việc xây dựng niềm tin và sự uy tín với cộng đồng.
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024 là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2020, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông đã được Vietnam Report và các đối tác ứng dụng từ năm 2012, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản, Xây dựng, Công nghệ, Ngân hàng, Bảo hiểm, Thực phẩm - Đồ uống, Bán lẻ... Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được đăng tải trên các đầu báo, kênh có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5). Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó. Lễ công bố và tôn vinh Top 10 Công ty Thức ăn chăn nuôi uy tín năm 2024 sẽ được tổ chức vào tháng 01 năm 2025 tại TP. Hà Nội. Mọi chi tiết xin vui lòng truy cập website của Ban Tổ chức: www.toptenvietnam.vn |
Vietnam Report
Bình Luận (0)