Ngày 07/12/2022, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty Du lịch và Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh các doanh nghiệp Du lịch - Vận tải hành khách có khả năng chống chịu tốt, nỗ lực vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, vươn lên trong bối cảnh mới và đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và các nhà đầu tư.
Top 10 Công ty Du lịch và Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên ba tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính từ năm 2019 đến nay; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2022
Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Du lịch uy tín năm 2022, tháng 12/2022
Danh sách 2: Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022
Nguồn: Vietnam Report, Top 5 Công ty Vận tải hành khách uy tín năm 2022, tháng 12/2022
Bước sang thời kì hậu COVID-19, hoạt động du lịch toàn cầu – với thiệt hại 4,5 nghìn tỷ USD và 62 triệu việc làm trong năm 2020 do tác động của đại dịch – đang cho thấy sự phục hồi nhanh dần đều từ cuối năm 2021. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), trong tháng 7 đầu năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, ước đạt khoảng 474 triệu người. Trong đó, có khoảng 207 triệu lượt khách quốc tế được ghi nhận vào tháng 6 và tháng 7 năm 2022, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Việt Nam, sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của đại dịch, ngành du lịch nước ta đã có những dấu hiệu khởi sắc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11/2022 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa tháng 11/2022 ước đạt 4,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp lữ hành tái hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa. Kể từ sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng vào các ngày trong tuần và trên 95% dịp cuối tuần, đặc biệt là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải hành khách đáp ứng khá tốt nhu cầu mặc dù đã có nhiều khởi sắc, nhưng sản lượng vận chuyển 11 tháng năm nay chỉ bằng 72,6% và luân chuyển bằng 68,4% so với cùng kỳ năm 2019 khi chưa xảy ra dịch bệnh.
Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022, ba thách thức hàng đầu của ngành Du lịch – Vận tải hành khách hiện nay bao gồm: Chất lượng nhân sự trong ngành yếu (36,7%); Nguồn cung lao động thiếu (29,1%); và Thiếu sản phẩm du lịch (25,3%). Nhiều doanh nghiệp nhận định nguồn cung lao động và chất lượng nhân sự lao động ngày càng không có khả năng bắt kịp với nhu cầu khi ngành đang tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, thiếu sản phẩm du lịch đa dạng và các điểm đến du lịch mới đang gây ra áp lực đáng kể cho những điểm đến vốn đã phổ biến, làm tăng rủi ro quá tải. Những yếu tố khác như: Tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu; Biến động giá năng lượng… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.
Trong bối cảnh bình thường tiếp theo, khi thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế, mọi hoạt động đang dần quay trở về với quỹ đạo vốn có, đồng thời nổi lên những xu thế mới do thói quen, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể hậu COVID-19. Nghiên cứu mới đây của Vietnam Report cũng đưa ra dự báo về 5 xu hướng của ngành trong thời gian tới.
Một là, xu hướng số hóa ngành du lịch ngày một trở nên phổ biến. Từ hộ chiếu vắc-xin kỹ thuật số đến thông báo du lịch theo thời gian thực, vấn đề về visa điện tử hay ứng dụng công nghệ AR/VR…, các giải pháp công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cung cấp thông tin, gia tăng tính tiện lợi và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Hai là, du lịch nội địa và chặng ngắn phát triển. Trong bối cảnh ngành du lịch mới ra khỏi đại dịch, nhiều quốc gia vẫn chưa mở cửa biên giới hoàn toàn cho du khách, bên cạnh đó là giá vé máy bay và giá khách sạn tăng cao, các chuyến đi nội địa với chặng ngắn ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người đam mê du lịch. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy hơn 1/3 khách du lịch lựa chọn du lịch tại các địa điểm trong và gần tỉnh/thành phố mà họ ở.
Ba là, du lịch bền vững đóng vai trò thiết yếu. Gần 94% số khách du lịch tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, để thúc đẩy du lịch bền vững.
Hình 1: Dịch vụ khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để thúc đẩy du lịch bền vững
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022
Bốn là, du lịch dựa vào cộng đồng được hình thành. Nghĩa là cộng đồng sẽ tham gia vào quá trình lập kế hoạch và quản lý các hoạt động du lịch. Với mục đích đặt cộng đồng và các hoạt động văn hóa vào trung tâm của trải nghiệm du lịch, hình thức này có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy khách du lịch trong nước coi du lịch cộng đồng là một phần giúp thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Hình 2: Những điều giúp thúc đẩy du lịch bền vững
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát khách du lịch, tháng 11/2022
Năm là, du lịch chăm sóc sức khỏe lên ngôi. Đây là dịch vụ du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe… hướng tới mục đích phục hồi thể chất và tái tạo tinh thần. Theo UNWTO, du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu COVID-19. Viện Sức khoẻ Toàn cầu (GWI) dự báo loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022.
* Xem đầy đủ TẠI ĐÂY.
Theo Vietnam Report
Bình Luận (0)