Hôm nay, ngày 6/7/2016, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2016.
Đây là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan.Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất (tổng doanh thu, hiệu quả sử dụng vốn, tỷ lệ nợ xấu…), (được tính 35% trong số điểm); uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên truyền thông (30% trọng số điểm); survey online về mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm/ dịch vụ ngân hàng (35% trọng số điểm).
Bên cạnh đó, survey điều tra ngân hàng được thực hiện trong tháng 6/2016, về quy mô vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt độngtrong năm 2016… được xem như yếu tố bổ sung nhằm xác định vị thế của ngân hàng trong ngành.Theo đó, những ngân hàng có mặt trong các danh sách này có năng lực tài chính, có kinh nghiệm kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng, đồng thời được khách hàng đánh giá tích cực về chất lượng sản phẩm và dịch vụ trong năm 2015 – 2016.
Theo thống kê của Vietnam Report, Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2016 ghi nhận sự hiện diện của 3 ngân hàng có vốn nhà nước chiếm trên 50% bao gồm: Vietinbank, Vietcombank và BIDV, 7 ngân hàng còn lại đều là các ngân hàng do tư nhân làm chủ. Có thể thấy, ngoài nền tảng vốn lớn và kinh nghiệm lâu năm, sự đầu tư chiều sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện dịch vụ khách hàng và các tiện ích internet banking… là những yếu tố cần thiết tạo nên tên tuổi của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân trẻ.
Ngân hàng lạc quan tăng trưởng trong năm 2016
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, ngành ngân hàng Việt Nam năm 2015 đã có sự cải thiện rõ rệt: tăng trưởng tín dụng cao (tăng khoảng 18% so với năm 2014), thanh khoản tốt, nợ xấu giảm đáng kể(khoảng 2,72%), mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng có xu hướng giảm, điều kiện kinh doanh, tài chính của khách hàng được cải thiện rõ rệt, nhu cầu về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng gia tăng… Những thay đổi tích cực này đã góp phần không nhỏ làm tăng thêm sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng tín dụng và kinh doanh cho nhiều ngân hàng.
Theo số liệu thu thập được từ survey các ngân hàng thương mại tại Việt Nam do Vietnam Report thực hiện trong tháng 6/2016, 100% số ngân hàng phản hồi tỏ ra lạc quan với triển vọng tài chính của ngân hàng mình trong năm 2016, với 41,7% số ngân hàng đánh giá triển vọng rất khả quan và 58,3% đánh giá tương đối khả quan.
Theo đó, 91,7% số ngân hàng phản hồi nhận định, ngành ngân hàng năm 2016 sẽ tăng trưởng trên 10%, và chỉ 8,3% cho rằng ngành sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn hơn, dưới 10% trong năm nay.
Khả năng quản lý rủi ro và uy tín ngân hàng có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh trong năm 2016
Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, các ngân hàng cho rằng, khả năng quản lý rủi ro và uy tín ngân hàng là 2 yếu tố có ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả kinh doanh trong năm 2016. Dường như nỗi lo sợ mang tên “nợ xấu” vẫn ám ảnh các ngân hàng, bởi vậy vấn đề quản lý rủi ro luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi hoàn cảnh.
Uy tín ngân hàng cũng là yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của khách hàng. Theo khảo sát người tiêu dùng do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5-6/2016, 3 yếu tố quan trọng nhất khi đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ của một ngân hàng bao gồm: thương hiệu mạnh và uy tín; mạng lưới giao dịch thuận tiện, quy mô lớn, thời gian phục vụ nhanh chóng, thủ tụcđơn giản.
Có thể thấy, với các ngân hàng thương mại, xây dựng thương hiệu uy tín có vai trò rất quan trọng. Một thông tin xấu có sức lan tỏa gấp hàng trăm lần thông tin tốt. Do đó, để trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng, các ngân hàng cần có chiến lược và sự đầu tư nhất định cho quản trị thương hiệu và uy tín trên truyền thông trong thời gian tới đây.
Lễ công bố và trao chứng nhận Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín 2016 sẽ được tổ chức này 27/7/2016 tại Khách sạn Sheraton, TP Hà Nội trong khuân khổ Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2016 với chủ đề Marketing đột phá: Các điển cứu mới từ Đại học Harvard.
Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các ngân hàng dựa trên học thuyết Agenda Setting về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw chính thức công bố vào năm 1968, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của ngân hàng trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về ngành ngân hàng được đăng tải trên cácđầu báo lớn như: VietNamNet, Thời báo kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài gòn, Cafef, Thanh Niên, Tiền Phong, Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính, Tuổi Trẻ..trong thời gian từ tháng 7/2015 đến tháng 5/2016. Tổng số có 1.271 bài báo, với tương ứng 2.246 coding unit (đơn vị mã hóa) được đánh giá theo ở cấp độ câu chuyện (story –level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các ngân hàng từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường ... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo ngân hàng.Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên ngân hàng xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về ngân hàng được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: 0: Trung lập; 1: Tích cực; 2: Khá tích cực; 3: Không rõ ràng; 4: Khá tiêu cực; 5: Tiêu cực. Tuy nhiên, thống kê lại, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 cấp bậc để đánh giá cuối cùng, bao gồm: Trung lập (gồm 0 và 3), tích cực (1 và 2), và tiêu cực (4 và 5).
Vietnam Report
Vietnam Report
Bình Luận (0)