Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động lớn tới thị trường việc làm của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thập kỷ tới. Đó là kết quả nghiên cứu 'Công nghệ và tương lai việc làm tại khu vực ASEAN' do Cisco tiến hành với sự hợp tác của Oxford Economics.
Báo cáo từ nghiên cứu trên đã dự đoán việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phần mềm, phần cứng cũng như robots sẽ làm thay đổi quan trọng bối cảnh việc làm tại 06 nền kinh tế lớn nhất ASEAN vào năm 2028. Nông nghiệp là khu vực chịu tổn thất nặng nề nhất, dự kiến sẽ có 6,6 triệu nhân lực dư thừa vào năm 2028.
Việc tăng năng suất từ áp dụng công nghệ cũng sẽ dẫn đến giảm giá thành sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó tạo ra nhu cầu lao động mới trong các lĩnh vực thương mại, sản xuất, xây dựng và vận tải. Chi phí tăng kỳ vọng trong ngành bán buôn-bán lẻ sẽ tạo ra một số việc làm mới có định hướng kỹ thuật cao hơn, do những vị trí như nhân viên đứng quầy hay kho bãi không còn cần thiết nữa.
Nghiên cứu trên cho biết, 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa được coi là thiếu hụt kỹ năng công nghệ thông tin; gần 30% trong số đó thiếu kỹ năng tương tác cần thiết cho các cơ hội công việc mới, ví dụ như thương lượng, đàm phán, thuyết phục và chăm sóc khách hàng; hơn 25% lao động thiếu các “kỹ năng cơ bản” như chủ động học tập, đọc, viết.
Ông Kiran Karunakaran, cộng sự tại công ty tư vấn Delta Partners cho biết, khi AI ngày càng trở nên tinh vi, nhiều khu vực sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo sâu rộng hơn, gây tác động mạnh đến các ngành công nghiệp giúp tăng năng suất và giảm chi phí. Ở các quốc gia có khả năng chấp nhận công nghệ nhanh chóng, việc làm trong các trung tâm liên lạc khách hàng (Contact Centre) hoặc dịch vụ thuê ngoài (BPO) đang phải chịu nhiều nguy cơ.
Tốc độ chấp nhận AI của mỗi quốc gia cần phải được quản lý thông qua sự cân bằng giữa quy định, chính sách và hỗ trợ. Nếu không, toàn bộ nền công nghiệp có nguy cơ gãy đoạn và dẫn đến hậu quả lớn. Công nghệ học máy được trang bị để chuyên giải quyết các vấn đề tối ưu hóa phức tạp. Trong trường hợp đó, lợi ích của chúng vượt xa các nguy cơ về chuyển dịch xã hội. Vì vậy, các chính phủ nên định hướng việc áp dụng AI vào một số ngành như phân phối năng lượng, hệ thống chăm sóc sức khỏe và sản xuất lương thực.
Singapore ước tính có 500.000 việc làm bị mất vào năm 2028 do sự chuyển đổi số. Mặc dù con số trên không cao nhưng lại chiếm gần 21% lực lượng lao động của quốc gia này. So với Singapore, sự chuyển dịch việc làm tại các quốc gia khác trong ASEAN 6 chủ yếu tạo ra bởi việc bắt kịp và áp dụng các công nghệ hiện có.
Tính đến năm 2028, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ có lần lượt 7,5 triệu và 4,9 triệu việc làm bị thay thế, tương ứng với 13,8% và 11,9% lực lượng lao động của mỗi nước; phần lớn là việc làm cơ bản có năng suất thấp trong ngành nông nghiệp.
Ở Indonesia và Philippines, tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động bị thay đổi thấp hơn do hai quốc gia trên vẫn đang sử dụng lượng lớn lao động giá rẻ khiến cho việc áp dụng công nghệ chưa đem lại nhiều lợi ích tiết kiệm chi phí.
Campuchia, nơi ngành dệt may, quần áo và giày dép chiếm khoảng 90% giá trị sản xuất xuất khẩu, tự động hóa đe dọa hơn 600.000 việc làm.
Tại các nước trên, thông thường lực lượng lao động chuyển dịch ngang từ công việc nông nghiệp giá trị thấp sang công việc sản xuất cũng có giá trị thấp. AI sẽ tạo nên bước đệm để một bộ phận lao động tiến lên công việc có giá trị cao hơn trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, kịch bản dự báo đưa ra chỉ có 40% công việc được tạo ra trong thập kỷ tới là ở lĩnh vực sản xuất, còn lại sẽ là ngành dịch vụ.
Vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo lao động ngay khi đang làm việc, triển khai các hệ thống đào tạo trực tuyến và trải nghiệm việc làm, thậm chí là "nhúng" vào các chương trình học chính quy sẽ là những động thái cần thiết để đảm bảo chất lượng nguồn lao động ASEAN trong những năm tới. Đặc biệt, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhà cung cấp công nghệ và các nhóm lao động cần phối hợp để trang bị cho người lao động những công cụ và kỹ năng cần thiết cho sự chuyển đổi sắp xảy ra.
Lê Vân
Tổng hợp
Vietnam Report
Bình Luận (0)