Mặc dù còn một tháng nữa mới công bố tăng trưởng GDP, tuy nhiên nhìn những số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 11, hoàn toàn có thể kỳ vọng Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.
Chỉ còn 1 tháng nữa, nền kinh tế sẽ về đích năm 2017. Phải tới lúc đó số liệu thống kê mới chính thức được công bố để biết rằng có chắc chắn nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, cũng như đạt và vượt 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác hay không.
Nhưng nhìn vào những số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 11, hoàn toàn có thể kỳ vọng quý IV/2017, kinh tế tiếp tục bứt tốc ấn tượng, để đạt mức tăng trưởng 7,31% - đủ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Thậm chí, con số có thể cao hơn và điều đó có nghĩa tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ còn cao hơn cả mức 6,7% - một nền tảng quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2018 với một tâm thế tốt và một bước chạy đà tích cực.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đình Ân khẳng định: Với mức tăng trưởng GDP quý III/2017 ở mức 7,46%, thì khả năng đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn có thể.
TS Lê Đình Ân cho rằng, mức tăng trưởng Quý III tuy đột biến nhờ hai yếu tố: Tăng trưởng của khối FDI, trong đó đặc biệt là Samsung trong lĩnh vực điện thoại di động, linh kiện điện tử, sản xuất thép của Formosa; tăng trưởng xuất khẩu với 75% tỉ lệ tăng trưởng của các DN đầu tư nước ngoài. Từ những cơ sở này, không những chỉ đạt mức tăng trưởng 6,7%, thậm chí chúng ta có thể vượt ở mức 6,8% của năm 2017.
Theo báo Người lao động, ông Raphael Mok, chuyên gia phân tích cấp cao của BMI Research đã nói rằng, những động thái gần đây của Chính phủ Việt Nam, như những cải cách trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, hay đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… đang tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg thì cho rằng, nền kinh tế Việt Nam không còn là “con cá bé” nữa. Cây bút bình luận nổi tiếng của Bloomberg là Andy Mukherjee đã chỉ ra một loạt dẫn chứng để chứng minh cho nhận định của mình, từ khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán đang tăng nhanh, đến việc nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, khi hệ thống ngân hàng trước đây chìm đắm trong nợ xấu nay đã “sạch” hơn nhiều và đang tăng trưởng nhanh chóng trở lại, cũng như những nỗ lực trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Tổng hợp
Vietnam Report
Bình Luận (0)