Cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu bày tỏ đánh giá lạc quan, tích cực về môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay của Việt Nam.
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang nắm giữ nhiều lợi thế để tiến tới phát triển nền kinh tế số và thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nhận định chung được nhiều chuyên gia và các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Theo ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Việt Nam đang phát triển trở thành một quốc gia mở, hiện đại và cạnh tranh.
Việt Nam hiện đang đi đúng hướng và là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất không chỉ trong khu vực mà còn trên bình diện toàn thế giới. Những nỗ lực cải cách của Chính phủ đã giúp nền kinh tế Việt Nam hiện nay cạnh tranh tốt hơn, thân thiện trong môi trường kinh doanh và thúc đẩy được các hoạt động đầu tư quốc tế.
Đánh giá về tiềm năng số hóa nền kinh tế, ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Erisson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho biết, nền kinh tế Việt Nam hiện đa dạng hơn nhiều so với trước kia. Trong đó doanh thu đem lại từ hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số có giá trị tới hơn 9 tỷ USD năm 2018, gấp ba lần so với năm 2015 và sẽ hứa hẹn còn tăng trưởng nhảy vọt trọng thời gian gần tới.
Những bước phát triển của Việt Nam hiện nay nhằm mục tiêu trở thành một trong mười quốc gia đứng đầu về phát triển nội dung số trên thế giới. Chính phủ cũng đã có kế hoạch hành động trong 30 năm được Thủ tướng phê duyệt vào năm ngoái để xây dựng và phát triển thành phố thông minh.
Những nỗ lực của Chính phủ trong phát triển kinh tế số, cụ thể là tận dụng giá trị của dữ liệu như một nguồn “dầu mỏ” vô hạn được ông Denis Brunetti đánh giá cao và kỳ vọng đầu tư vào dữ liệu sẽ giúp Việt Nam có thể phát triển nhảy vọt, bền vững và thịnh vượng hơn nữa.
Bà Sarah Galeski, Phó Giám đốc công ty TNHH KPMG, đồng Chủ tịch Tiểu ban nguồn nhân lực và đào tạo của EuroCham nhận định, môi trường kinh doanh Việt Nam đang nhiều triển vọng và đứng trước nhiều cơ hội. Những lợi thế của Việt Nam theo bà Sarah Galeski chính là dân số trẻ, nguồn lao động có trình độ, được đào tạo bài bản.
Đồng quan điểm, Ngài Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhìn nhận, Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư tại Việt Nam vẫn còn không ít những thách thức cần giải quyết, từ vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực để sẵn sàng cho nền kinh tế số và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA tới đây sắp được ký kết cho tới những chính sách pháp lý nhằm hỗ trợ và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam.
“Sự cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh nhưng trong thời đại số hóa thì không còn tận dụng nhiều nguồn lực con người nữa. Vì vậy để tiếp tục phát triển, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa chỉ số sáng tạo, phát huy những năng lực tiềm tàng để tham gia vào nền kinh tế toàn cầu với các hiệp định song phương, hiệp định thương mại tự do”, đại sứ Bruno Angelet nhấn mạnh.
Thu Uyên
Theo The Leader
Vietnam Report
Bình Luận (0)