Trong khi sản lượng than xuất khẩu giảm thì sản lượng than nhập khẩu của Việt Nam không ngừng gia tăng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, lượng than xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 410.800 tấn (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái), kim ngạch hơn 57,2 triệu USD (giảm 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái), giá bán bình quân 3 triệu đồng/tấn.
Ở chiều ngược lại, sản lượng than nhập khẩu của Việt Nam đạt gần 36 triệu tấn (tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái), kim ngạch 2,5 ngoái (tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái), đơn giá bình quân đạt 1,6 triệu đồng/tấn.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, lượng than xuất khẩu của Việt Nam giảm trong khi lượng nhập ngày càng tăng không có gì khó hiểu khi khai thác ngày càng khó khăn, phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi đã cạn kiệt, hầu hết các mỏ than đều khai thác xuống sâu và đi xa hơn nên mức độ nguy hiểm, rủi ro ngày càng tăng, theo đó chi phí đầu tư, giá thành than ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, than Việt Nam khai thác chủ yếu phục vụ cho ngành điện, các ngành công nghiệp khác như hóa chất, vật liệu xây dựng cũng dùng than nhưng yêu cầu chất lượng than khác nhau.
Chẳng hạn, thường thì than dùng cho công nghiệp, hóa chất là loại than cục có nhiệt lượng cao, trên 7.000kcal/kg, ít tro. Thế nhưng loại than này lại không thuận lợi nếu dùng trong nhà máy nhiệt điện bởi nhiệt điện dùng than bột, nếu dùng than cục thì vẫn phải nghiền ra. Đây lại là loại than antraxit già, ít cốc, đốt khó cháy, nếu phun vào than không cháy được sẽ tắt luôn.
Từ yêu cầu chủng loại than của các ngành công nghiệp khác nhau nên Việt Nam xuất khẩu loại than dùng trong nước không thuận tiện, nhập loại than khác phù hợp cho sản xuất điện và công nghiệp.
"Đây là bài toán kinh tế, chúng ta xuất 1 tấn mua được về 2 tấn, chứ không phải là xuất than giá rẻ rồi lại nhập về giá đắt. Tương tự như Việt Nam nhập than cốc từ Trung Quốc về do Việt Nam không sản xuất được than cốc, trong khi luyện kim lại cần đến than cốc nên buộc phải nhập", PGS.TS Trương Duy Nghĩa nói.
Việt Nam xuất khẩu than rồi lại nhập than về. Ảnh: Internet |
Cũng theo Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, lượng than của Việt Nam hiện nay còn rất ít, trữ lượng có thể khai thác được chỉ còn 1,2 tỷ tấn, viễn cảnh hơn cũng chỉ khoảng 2 tỷ tấn. Vì vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải nhập than nhiều hơn và để đảm bảo nguồn cung ổn định dài hạn cho các nhà máy điện, Việt Nam phải nghĩ đến chuyện đầu tư khai thác.
Theo đó, có một số hướng đầu tư như: mua mỏ; liên doanh với nước sở tại để cùng khai thác. Than từ mỏ phải chở ra cảng, nếu thuê cảng, đổ than lâu ở cảng sẽ 'chết tiền' nên phải đầu tư vào cảng bằng cách mua cảng, liên doanh xây dựng, khai thác cảng.
Ngoài ra, còn phải lưu tâm đến tàu vận tải than. Tàu vận tải than càng lớn thì chi phí vận chuyển càng ít, thông thường phải từ 100.000-200.000 tấn. Thế nhưng, ở Việt Nam mới có tàu vận tải 30.000 tấn, mà ở đây là đi thuê. Việt Nam cũng mới chỉ có nhà máy điện Vĩnh Tân có cảng tương đối sâu, tàu 30.000 tấn có thể đi đến sát nhà máy, còn các nhà máy khác chưa có.
"Bởi vậy, một khi xác đinh phải nhập khẩu than nhiều thì Việt Nam phải quan tâm và thực hiện những việc nêu trên. Tàu vận tải chúng ta có thể thuê, nhưng đầu tư cảng nước sâu, hệ thống bốc dỡ ở cảng là phải có", ông Nghĩa lưu ý.
Vị chuyên gia lưu ý, Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị đã xác định giảm thiểu nhiệt điện than, tăng cường điện tái tạo. Đó là phương hướng đúng, nhiệm vụ của bài toán quy hoạch là tối thiểu hóa chi phí cho hệ thống sản xuất năng lượng với các điều kiện ràng buộc.
"Phải xác định tỷ lệ cơ cấu các nguồn phát điện cụ thể là bao nhiêu, tăng nguồn này, giảm nguồn kia cũng phải trên cơ sở hiệu quả kinh tế của nền kinh tế", PGS.TS Trương Duy Nghĩa nhấn mạnh.
Ông dẫn ví dụ, Việt Nam đặt vấn đề đẩy mạnh nhiệt điện khí, tuy nhiên xung quanh Việt Nam không có đường ống, phải nhập khí đốt từ các nước Trung Cận Đông, như Barain, hoặc nhập từ Mỹ, và như thế giá rất đắt. Nhưng tại sao Việt nam vẫn phải làm nhiệt điện khí? Đó là vì nhà máy điện khí có ưu điểm là thời gian khởi động rất nhanh, chỉ độ 12-13 phút là có thể mang tải được. Còn điện than phải đốt lò hơi, sinh hơi rồi mới đưa sang tua bin nên mất hàng tiếng đồng hồ. Do đó, người ta dùng điện khí để cấp cứu hệ thống điện vào khung giờ cao điểm.
Việt Nam có mỏ khí, tuy nhiên, hiện nay các mỏ khí này không cung cấp đủ khí cho các nhà máy điện khí, phải nhập khí để bổ sung.
Sắp tới, Việt Nam phát triển nhiều dự án nhiệt điện khí, như điện khí Bạc Liêu, điện khí Chân Mây ở Thừa Thiên Huế, rồi Nhơn Trạch 3 - 4... đều phải nhập LNG. Gần đây, Việt Nam phát hiện mỏ khí Kèn Bầu trữ lượng lớn nhưng để đưa vào khai thác cũng còn lâu.
Từ thực tế trên, PGS.TS Trương Duy Nghĩa khẳng định, Việt Nam phát triển điện khí nhưng như vậy thì phải chấp nhận giá điện cao, cao hơn điện than. Do đó, bài toán quy hoạch, như đã nói, vẫn phải là xác định tỷ lệ cơ cấu các nguồn điện với nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí cho hệ thống sản xuất năng lượng với các điều kiện ràng buộc; với tỷ lệ đó thì giá điện là bao nhiêu.
Thành Luân
Theo Báo Đất Việt
Bình Luận (0)