Việt Nam tiếp tục là "thỏi nam châm" hút vốn FDI

25/01/2021

Người tạo 0

Chuyên mục:

Theo các chuyên gia, triển vọng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2021 rất lạc quan. Nhiều chuyên gia nhận định, tổng vốn đăng ký và đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện).

Năm 2020, trong bối cảnh vốn FDI toàn cầu suy giảm tới 40%, Việt Nam vẫn thu hút FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 28,5 tỷ USD, tuy giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm mở rộng đầu tư đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019. 

Bên cạnh đó, kết quả tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% trong năm 2020, bất chấp tác động nặng nề của dịch bệnh, biến đổi khí hậu đến các hoạt động kinh tế, cũng khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở Châu Á. 

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, triển vọng về thu hút vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2021 rất lạc quan. Nhiều chuyên gia nhận định, tổng vốn đăng ký và đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2021 sẽ cao hơn mức 28,5 tỷ USD (vốn đăng ký) và 19,98 tỷ USD (vốn thực hiện).

Phân tích trên được đưa ra khi ngay trong những ngày đầu năm 2021, hàng loạt dự án có vốn FDI được cấp giấy phép đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Điển hình như: tại Đồng Nai, trong 13 ngày đầu năm 2021 đã thu hút được 11 dự án FDI, trong đó có 3 dự án cấp mới, 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn hơn 226 triệu USD. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ khoảng 5 năm qua tại Đồng Nai.

Trong khi đó, tại Nghệ An, UBND Tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 200 triệu USD, dự kiến sẽ thu hút 15.000 lao động, trong đó có 14.000 lao động địa phương, 1.000 lao động nước ngoài;

Mới đây, ngày 17/01, tại Quảng Bình, UBND Tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư 14 dự án FDI với tổng vốn khoảng 1 tỷ USD và ký biên bản ghi nhớ hợp tác 23 dự án cho 18 nhà đầu tư; ngày 18/01, UBND tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án của 3 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 570 triệu USD...

 

Theo các chuyên gia, các con số ấn tượng trên là minh chứng cho thấy Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng gia tăng một phần là nhờ có định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50-NQ/TW.

Cùng với đó, Quốc hội cũng đã thông qua các bộ luật quan trọng liên quan đến đầu tư - kinh doanh như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, minh bạch, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn…

Lợi thế của Việt Nam còn đến từ các FTA được ký kết với các đối tác như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… và loạt FTA khác đã mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện cho Việt Nam.

Như vậy, trước xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam đã và đang được các tổ chức kinh tế, và các tập đoàn quốc tế lớn đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…

Đồng thời, lợi thế còn đến từ việc cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 19 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích khoảng 871.000 ha.

Việt Dũng

Theo Tạp chí Tài chính

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *