Ngày 20/8/1976, ngày đánh dấu sự ra đời của Vinamilk - một thương hiệu sữa Việt với giấc mơ khởi đầu thật giản dị: mang đến những sản phẩm sữa đủ đầy chất dinh dưỡng cho thế hệ trẻ nhỏ Việt Nam.
10 năm đầu khởi nghiệp: Giấc mơ về cuộc sống đủ đầy dinh dưỡng
Với các thế hệ trẻ được sinh ra trong thời bình, khó có thể hình dung hết cuộc sống thiếu thốn sau chiến tranh khi luẩn quẩn với cái đói - cái nghèo - cái khổ, người người thiếu ăn, trẻ nhỏ khát sữa, thường được tái hiện trong những câu chuyện “ngày xưa” của ông bà, cha mẹ, những người thuộc “thế hệ tem phiếu”: “Xếp hàng cả ngày mới đến lượt. Mua được hộp sữa đã khó, mà hộp còn méo mó, sữa thì hết hạn”. Vậy mà đấy lại là “nguồn dinh dưỡng quý giá” cho trẻ nhỏ Việt Nam những năm 80….
Thấu hiểu nỗi niềm đó, Vinamilk đã được thành lập, trên cơ sở tiếp quản 3 nhà máy Sữa do chế độ cũ để lại sau năm 1975: nhà máy sữa Thống Nhất (tiền thân là nhà máy Foremost); nhà máy sữa Trường Thọ (tiền thân là nhà máy Cosuvina); và nhà máy sữa Bột Dielac (Nestle). Cũng như bất cứ nhà khởi nghiệp nào, Vinamilk phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong thời gian đầu hoạt động: máy móc thiết bị hư hại nhiều, phụ tùng thiếu thốn, nguyên liệu trống không. Tuy nhiên với sự ủng hộ của Nhà nước và các đối tác, Công ty đã từng bước vực dậy: tìm kiếm được nguồn ngoại tệ, mua được nguyên vật liệu nước ngoài, thay thế được phụ tùng máy móc cũ kỹ, và háo hức chờ đợi sự ra đời của những hộp sữa bột đầu tiên cho trẻ em Việt Nam, đồng thời đảm bảo một lượng hàng nhất định để phục vụ các đối tượng ưu tiên là người già, người bệnh và trẻ em.
20 năm trưởng thành: Sự lớn mạnh của một thương hiệu sữa Việt
Những năm 90, Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa hợp tác quốc tế và sẵn sàng đón nhận làn gió đầu tư nước ngoài với hi vọng tăng trưởng kinh tế nhanh chóng để bắt kịp đà thế giới. Trong bối cảnh hàng loạt các công ty tìm kiếm cơ hội liên doanh với nước ngoài, Vinamilk lại lựa chọn cho mình một lối đi riêng: Vinamilk từ chối liên doanh, chấp nhận cạnh tranh trên mọi phương diện. Với phương châm “tự lực cánh sinh”, Công ty tiếp tục mở thêm nhiều nhà máy sữa tại Việt Nam, từ Nhà máy sữa ở Hà Nội, đến Cần Thơ, rồi Bình Định, Sài Gòn, Nghệ An, Tiên Sơn. Công ty còn mạnh dạn xây dựng các trang trại bò sữa trong nước để giảm chi phí nguyên vật liệu đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tận dụng ưu thế sân nhà để cạnh tranh với các thương hiệu sữa ngoại.
Cũng trong giai đoạn này, cơ hội xuất khẩu đã đến với Vinamilk bắt đầu từ chuyến đi đầy sóng gió sang Iraq của bà Mai Kiều Liên, vị nữ tướng đầy quyền lực đã đồng hành cùng Vinamilk suốt từ những ngày đầu thành lập. Với sự mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đảm bảo chất lượng sản phẩm được quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường, an toàn lao động…, sản phẩm sữa của Vinamilk dần có mặt tại các nước Trung Đông và các thị trường khó tính EU và Bắc Mỹ, xuất khẩu nhờ đó tăng dần theo từng năm: từ 28 triệu USD (1998) lên 168 triệu USD (2002).
Năm 2003, Vinamilk bắt đầu tiến hành cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện. Gạt đi mọi nỗi lo mang tên “thế nhưng…”, Vinamilk sẵn sàng bán cổ phần cho nhà đầu tư và đối tác nước ngoài, coi đó như một cơ hội hợp tác để trưởng thành hơn trên chặng đường trở thành doanh nghiệp sữa lớn nhất tại Việt Nam. Như bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Vinamilk là một trong số những điển hình thành công tôt đẹp nhất của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam”.
Trong giai đoạn 1996 – 2005, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinamilk không ngừng được nâng cao và phát triển, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15 – 45%, doanh thu tăng từ 1,5 đến 2,6 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng từ 1,1 đến 6,5 lần; thị phần Vinamilk chiếm 75 – 90% tùy từng chủng loại sản phẩm; tổng sản lượng sản xuất hàng năm trung bình đạt 220 – 250 triệu lít. Công ty vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vào năm 2000 và Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2005.
10 năm bứt phá: Khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới
Nhận định cơ hội giao thương quốc tế đang ngày càng rộng mở sau khi Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định TPP được ký kết, Vinamilk tiếp tục lấn sân sang thị trường nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2015, Vinamilk mua lại 100% cổ phần của công ty sữa Driftwood tại Mỹ, qua đó chính thức giới thiệu sang Mỹ hai sản phẩm sữa đặc và creamer đặc mang thương hiệu Driftwood Vinamilk made in Vietnam. Với lợi thế chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, sản phẩm sữa Vinamilk hiện đã có mặt tại trên 43 nước, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt trên 2 con số. Doanh thu của Công ty tăng từ 6.700 tỷ đồng năm 2006 lên 45.000 tỷ đồng năm 2016, tăng trưởng khoảng 20%/ năm. Nộp Ngân sách Nhà nước từ 550 tỷ đồng năm 2006 lên 4.000 tỷ đồng năm 2016. Trên thị trường chứng khoán, Vinamilk hiện là Công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất đạt 9 tỷ USD, tương đương 200.000 tỷ đồng.
Vinamilk, có thể nói, là thương hiệu sữa số một tại Việt Nam hiện nay. Công ty được đánh giá là Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (do Vietnam Report xếp hạng), lọt Top 300 Công ty năng động nhất Châu Á (Tạp chí Nikkei, Nhật Bản), Top 10 trong 1.000 Thương hiệu hàng đầu Châu Á (Tạp chí Campaign Asia – Pacific)…
Nuôi dưỡng giấc mơ nhỏ thành khát vọng lớn, Vinamilk là điển hình tiêu biểu, là động lực to lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Có động lực, có mục tiêu, có sự phấn đấu và trải nghiệm, một ngày nào đó cá chép sẽ hóa rồng, và thương hiệu Việt sẽ vươn mình ra năm châu.
Vietnamreport
Bình Luận (0)