WB: Việt Nam khó đạt mức tăng trưởng 6,7%

20/07/2016

Người tạo 0

Chuyên mục:

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,2% xuống mức 6% cho năm 2016 trong buổi công bố báo cáo "Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam" tổ chức ngày 19-7 tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia WB, sau khi tăng trưởng mạnh năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã tăng chậm hơn trong nửa đầu năm 2016 với GDP ước tính chỉ tăng 5,5% so với mức 6,3% cùng kỳ năm ngoái.

WB cho rằng, nguyên nhân giảm tốc độ tăng trưởng gồm tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây lên nông nghiệp và sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại.

“Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6%. Tuy tốc độ tăng trưởng ước tính sẽ chậm lại trong năm nay nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần phải tiếp tục tái cơ cấu theo chiều sâu để tăng năng suất lao động” - ông Achim Fock, quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định.

Ông Fock giải thích, nguyên nhân giảm tốc độ tăng trưởng gồm tác động bất lợi của đợt hạn hán và xâm nhập mặn gần đây lên nông nghiệp và sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại.

Khi được hỏi thảm họa môi trường do Formosa gây ra tác động như thế nào đến tăng trưởng kinh tế, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, không trả lời cụ thể. Ông nhận xét, Việt Nam cần đưa ra các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt và giám sát tốt về môi trường để tránh thảm họa trong tương lai.

Trước câu hỏi về quyết tâm giữ mức tăng trưởng 6,7% của Chính phủ Việt Nam, đại diện WB cho rằng mức này không thể đạt được. “Lý do Chính phủ giữ mức 6,7% có thể do chưa cập nhật các diễn biến hiện nay” - ông Achim Fock nói.

 “Vấn đề hiện nay là phải thực hiện cam kết duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa, bằng những hành động cụ thể. Tình trạng mất cân đối tài khóa tích tụ từ nhiều năm nay vẫn chưa mấy cải thiện. Thâm hụt ngân sách trung bình 6,7% GDP (kể từ 2012, số liệu WB) và nợ công gần chạm 65% GDP đang khiến thu chi ngân sách sáu tháng đầu năm 2016 rất căng thẳng” - ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng WB, đánh giá.

Theo ông Sebastian Eckardt, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khoá. Vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn. Các nỗ lực giảm nhẹ mất cân đối tài khoá cần được phối hợp với cải cách nhằm tạo khoảng đệm tài khoá để đảm bảo thực hiện một số hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công.

Huyền Thư

Tổng hợp

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *