Công bố Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021

20/07/2021

Người tạo 0

Chuyên mục:

Ngày 20/7/2021, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố danh sách Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021

Uy tín của các Doanh nghiệp Công nghệ được đánh giá lượng hóa một cách khách quan, khoa học và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media coding, đánh giá của các bên liên quan; và được công bố theo 02 Danh sách: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin – Viễn thông và Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2021.

Danh sách 1: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2021

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021, tháng 7/2021

Danh sách 2: Top 10 Công ty Công nghệ Cung cấp Dịch vụ, Giải pháp Phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2021

Nguồn: Vietnam Report, Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021, tháng 7/2021

Thông tin chi tiết Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2021, vui lòng truy cập website: https://toptenvietnam.vn/

 

Thị trường Công nghệ thông tin – Viễn thông: Bão hòa thị trường truyền thống và cơ hội cho những xu hướng mới

Đại dịch COVID-19 gần 2 năm qua đã đặt ra rất nhiều thách thức và khó khăn cho toàn nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhìn chung đang phải chật vật tìm lối đi riêng để củng cố và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh nhiều ảm đạm của thị trường như vậy, ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế.

Kinh tế thế giới ghi nhận mức tăng trưởng âm 4,3% trong năm 2020 (số liệu World Bank) và dưới tác động của đại dịch, nhiều ngành nghề cũng nằm trong xu hướng tăng trưởng âm như bán lẻ (-5,7%), hàng không (-60,9%), trong khi đó, ngành công nghệ đã có sự cải thiện đáng kể vào nửa cuối năm 2020. Theo Gartner, thị trường CNTT thế giới chỉ còn tăng trưởng (-3,2%) trong quý 4 năm 2020, trong khi quý 3 là (-5,4%). Tổng chi cho CNTT toàn cầu năm 2020 ước đạt gần 3.700 tỷ USD.

Tại Việt Nam, chỉ số GDP 2020 tăng trưởng dương 2,91% trong bối cảnh đại dịch, trong đó, ngành CNTT vẫn duy trì được đà tăng mặc dù có phần chậm lại so với giai đoạn trước. Theo báo cáo của Bộ Thông tin & Truyền thông, tổng doanh thu toàn ngành CNTT-VT Việt Nam năm 2020 đạt 120 tỷ USD. Số liệu ước tính từ công ty chuyên về dữ liệu thị trường và tiêu dùng Statista (Đức), doanh thu dịch vụ CNTT của Việt Nam ước đạt 1,12 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2019 (1,1 tỷ USD). Sang năm 2021, Statista dự báo doanh thu lấy lại đà tăng như thời điểm trước khi đại dịch bùng nổ, con số dự đoán năm nay là hơn 1,18 tỷ USD, và tiếp tục tăng lên 1,43 tỷ USD vào năm 2025.

Đại dịch đã đẩy nhanh nhu cầu và làn sóng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ tại nhiều tổ chức và doanh nghiệp trên khắp cả nước. Điều này vừa là thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành CNTT-VT, lại vừa tạo ra cơ hội rõ ràng cho tiến trình phát triển bền vững của các công ty công nghệ đi tiên phong trong cung cấp các giải pháp, nền tảng, dịch vụ và sản phẩm chuyển đổi số. Đặc biệt xu hướng chuyển đổi số có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn khi khách hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc số hóa sau dịch COVID-19 như: giúp giảm chi phí, tăng hiệu suất…

Năm 2021, doanh nghiệp ngành CNTT được kỳ vọng hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới và cùng đó là sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ.

Trong báo cáo khảo sát tháng 3/2021 với Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam của Vietnam Report, cũng cho thấy CNTT-VT nằm trong Top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng nhất trong ba năm tới, Công nghệ thông tin/Viễn thông dẫn đầu với tỷ lệ 72,7%. Kết quả này thể hiện đúng theo xu hướng phát triển hiện nay của các doanh nghiệp, đó là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và vận hành.

Hình 1: Top 7 ngành tiềm năng trong ba năm tới

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các doanh nghiệp FAST500, tháng 3/2021

Sự bão hòa của các dịch vụ truyền thống

Trong khảo sát và phỏng vấn các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành của Vietnam Report, mặc dù ngành CNTT-VT Việt Nam ghi nhận nhiều bước tiến trong việc hiện đại hóa và mở rộng hệ thống trong thời gian qua, tuy nhiên, các dịch vụ viễn thông truyền thống đã đạt đến mức bão hòa, khó có cơ hội đạt mức tăng trưởng cao, nhất là trong xu hướng phát triển mạnh của các ứng dụng OTT (Over-The-Top application) như Facebook, Zalo, Skype, Viber,… sẽ khiến cho doanh thu từ dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm nhanh hơn.

Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông, năm 2019 cả nước có khoảng 125,7 triệu thuê bao di động. Với tổng dân số khoảng 96,2 triệu người thì trung bình mỗi người dân sẽ sở hữu 1,30 thuê bao di động, gần ngang bằng với các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này càng cho thấy thị trường đã bão hòa và việc phát triển thêm thuê bao mới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Những xu hướng chính trong ngành CNTT-VT trong thời gian tới

Chính sự bão hòa của thị trường sản phẩm dịch vụ truyền thống đang mở ra những cơ hội mới đối với các xu hướng mới nổi trên thị trường. Nhận định chung trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia công nghệ tham gia phỏng vấn của Vietnam Report đều thống nhất rằng xu hướng online là xu hướng chủ đạo và để làm được điều đó thì cần phát triển hơn nữa công nghệ đám mây (Cloud), Hạ tầng viễn thông 5G, Cáp quang, Trung tâm dữ liệu (Data Center), Mobile Web. Trong giai đoạn đầu để tiết kiệm nguồn lực có thể xây dựng các nền tảng (platform) được đóng gói sẵn (package) thay vì làm từng công đoạn một. Một sự kết hợp được các chuyên gia đánh giá là vô cùng quan trọng, là nguồn lực sống còn của doanh nghiệp để bắt kịp xu hướng online trong thời kỳ bình thường tiếp theo đó là: Dữ liệu (Data); IP Doanh nghiệp; Nhân sự.

Cụ thể sẽ nổi lên một số xu hướng dưới đây trong giai đoạn bình thường tiếp theo:

Hình 2: Một số xu hướng chính của thị trường CNTT-VT trong thời kỳ bình thường tiếp theo

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2021

Mobile Money và mạng viễn thông 5G

Đây được xem là hai xu hướng quan trọng ảnh hưởng đến triển vọng dài hạn của doanh nghiệp CNTT-VT. Mobile Money nếu được cấp phép triển khai trên diện rộng sẽ là một cú hích lớn đối với người sử dụng và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Báo cáo Vietnam Digital 2021, tính đến tháng 1/2021 có 154,4 triệu kết nối di động tại Việt Nam, đây được xem như thời cơ rất lớn để triển khai Mobile Money trong tương lai gần. Khi đó mọi vấn đề liên quan đến chuyển khoản, mua bán và cho vay thậm chí soát xét hồ sơ tín dụng cũng sẽ được rút ngắn thời gian đáng kể khi triển khai Mobile Money, tuy nhiên cần phải có những quy chế toàn diện để tránh vai trò chồng chéo giữa các ngân hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money trong tương lai. 

Trong khi đó, sự phát triển của mạng 5G được đánh giá là động lực phát triển mới cho CNTT-VT. Mạng 5G là tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả trên diện rộng. Việt Nam hiện là một trong số những quốc gia sớm triển khai 5G và thuộc trong nhóm 10 quốc gia có mức độ triển khai địa chỉ Internet thế hệ mới cao nhất toàn cầu.

Theo GSMA Intelligence, số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam dự kiến sẽ chiếm khoảng 5% tổng số lượng thuê bao di động trong năm 2025. Mặt khác, việc triển khai sớm dịch vụ 5G cũng có thể sẽ giúp doanh thu của các nhà mạng di động Việt Nam tăng thêm khoảng 300 triệu USD/năm từ năm 2025. Hiện Viettel, VNPT và MobiFone là các nhà mạng đang thử nghiệm 5G, dự kiến trong năm 2021 sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ.

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Dữ liệu khảo sát và phỏng vấn chuyên gia của Vietnam Report đều cho thấy rằng, một trong những điều mà AI làm tốt nhất trong hiện tại và tương lai vài năm tới đó chính là giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng và đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Rõ ràng đây là một cách tối ưu nhất để doanh nghiệp có thể dẫn đầu trong tăng trưởng. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật trong thế giới phẳng, gần như những rào cản và khoảng cách về chất lượng sản phẩm giữa các đơn vị cung cấp không còn quá cách biệt, và như vậy chính trải nghiệm khách hàng là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh và danh sách khách hàng trung thành của một doanh nghiệp. AI là công cụ đắc lực nhất để làm được điều này, AI sẽ giúp doanh nghiệp biết khách hàng của mình, hiểu họ là ai và họ muốn gì đồng thời kiểm soát chất lượng dịch vụ tốt hơn. Những câu chuyện về Facebook, Amazon đã minh chứng rất rõ cho xu hướng này. Và đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với AI và chạy đua trên con đường thấu hiểu khách hàng.

Điện toán đám mây (Cloud computing)

Trong bối cảnh thế giới luôn thay đổi và có sự liên kết giữa các bên, tại đó dữ liệu cần được phân tích và xử lý nhanh chóng, chính xác thì những chuẩn mực doanh nghiệp cũ đã trở nên lỗi thời. Việc chuyển dịch và nâng cấp lên điện toán đám mây (Cloud Transformation) bản chất là chuyển đổi các hệ thống lỗi thời (các nền tảng cũ như IBM Lotus Note) thành điện toán đám mây (như Office 365), hay thay thế tài nguyên xử lý từ trung tâm dữ liệu hiện có, bằng tài nguyên trên các nền tảng điện toán đám mây (Amazon Web Services, hay Microsoft Azure…), sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, tăng tiềm năng phát triển, và tìm kiếm được những nguồn vốn mới. Nhận dạng và sử dụng một cách tối ưu các cơ hội như điện toán đám mây để có thể dẫn trước đối thủ là xu hướng nổi bật trong thời gian tới.

Xu hướng công nghệ trên Mobile Web

Xu hướng mobile được đánh giá là sẽ thống trị ngành công nghệ trong vài năm tới, điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho những hệ thống thương mại điện tử phải nhanh chóng cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất nhằm tăng cường trải nghiệm cho người dùng trên mobile, đặc biệt là mobile web. Theo số liệu thống kê của Google, 80% người dùng smartphone có khả năng chốt đơn cao từ các công ty có ứng dụng dành cho thiết bị di động. Đây chính là cơ hội cho các hệ thống thương mại điện tử lớn tăng trải nghiệm người dùng khi tiến hành đặt hàng hay thanh toán trực tuyến trên mobile web.

Thị trường Internet băng thông rộng cố định

Thị trường Internet băng thông rộng cố định (cáp quang) tại Việt Nam đang có những bước phát triển vượt bậc. Số lượng thuê bao Internet băng rộng cố định đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, tính đến hết tháng 11/2020 tổng số thuê bao đã lên tới hơn 16,5 triệu. Tính bình quân trong giai đoạn 2016-2020, thuê bao băng rộng cố định tăng trưởng 15%/năm, thuê bao băng rộng di động tăng 22%/năm. Tiềm năng, dư địa để Internet băng rộng cố định phát triển được đánh giá là vẫn còn lớn khi mà tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định của Việt Nam hiện khoảng 17,2 thuê bao/100 dân, tương đối thấp so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương khoảng 23 thuê bao/100 dân.

Việc ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia” của Chính phủ với nhiều mục tiêu phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, trong đó, hạ tầng số đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu “Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang” đến toàn dân là tiền đề rất tốt để phát triển thị trường Internet băng thông rộng ở Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thoại, tin nhắn liên tục suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận thì Internet băng rộng cố định được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những điểm tựa vững chắc cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.

Làm việc ở mọi nơi (Anywhere Operations)

Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn trong đại dịch COVID-19. Về cốt lõi, mô hình hoạt động này cho phép doanh nghiệp được truy cập, phân phối và làm việc ở bất kỳ đâu - bất cứ nơi nào khách hàng, nhà tuyển dụng và đối tác kinh doanh hoạt động trong môi trường thực tế từ xa. Nó không chỉ đơn giản là làm việc tại nhà hoặc tương tác với khách hàng ảo - nó còn mang lại trải nghiệm gia tăng giá trị độc đáo trên 5 lĩnh vực cốt lõi: cộng tác và năng suất, truy cập từ xa an toàn, cơ sở hạ tầng đám mây, định lượng trải nghiệm kỹ thuật số và tự động hóa để hỗ trợ từ xa các hoạt động.

Thuê ngoài (Outsourcing)

Outsourcing từ trước đến nay vẫn luôn là một nguồn thu ổn định cho các doanh nghiệp IT, tạo được sự ổn định về nhân lực cũng như giúp công ty có thể nhanh chóng có được một đội ngũ kỹ sư phần mềm với tay nghề giỏi. Các chuyên gia tham gia phỏng vấn với Vietnam Report đều chung nhận định trong bối cảnh nguồn cung tại các thủ phủ Outsourcing thế giới như Ấn Độ đang ít nhiều chịu ảnh hưởng của đại dịch, nên Outsourcing trong ngắn hạn được dự đoán sẽ bùng nổ.

 

Chuyển đổi số ở các doanh nghiệp công nghệ: Cơ hội, Thách thức và những Ưu tiên chiến lược

Doanh nghiệp mạnh sẽ tạo tiền đề vững chắc cho một quốc gia vững mạnh và hùng cường. Khái niệm mạnh của doanh nghiệp giờ đây không còn là lực lượng lao động đông đảo hay cơ sở vật chất khổng lồ. Một doanh nghiệp mạnh và có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường thể hiện ở bốn yếu tố (1) khả năng tiếp cận vốn, (2) nguồn nguyên vật liệu, (3) mức độ áp dụng công nghệ và (4) trình độ quản trị. Trong đó, mức độ áp dụng công nghệ và trình độ quản trị liên quan nhiều và trực tiếp đến công nghệ và trong bối cảnh như vậy, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ứng dụng công nghệ ở mỗi doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp công nghệ đi tiên phong đến các doanh nghiệp trong những ngành hàng khác nhau.

Trong khảo sát do Vietnam Report tiến hành tháng 6/2021 với các doanh nghiệp công nghệ cho thấy Cú hích COVID-19 đã đẩy nhanh công tác chuyển đổi số ở các doanh nghiệp (82,4%), đây cũng là một trong 03 cơ hội chính để phát triển ngành CNTT Việt Nam trong một vài năm tới theo nhận định của các doanh nghiệp và chuyên gia tham gia khảo sát. Chuyển đổi số là chuyển đổi cách vận hành của doanh nghiệp trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, vì vậy, nó phải xuất phát từ vấn đề nghiệp vụ. Cốt lõi của chuyển đổi số là hệ thống nghiệp vụ của doanh nghiệp, ERP (Enterprise Resource Planning – hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp).

Hình 3: Top 3 cơ hội của ngành CNTT trong thời gian tới

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2021

Theo nhận định của các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report, chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp SMEs thường sử dụng các ứng dụng để ở chế độ Cloud (on cloud). Bản thân các doanh nghiệp đó không xây dựng mạng nội bộ như trước đây nữa và phần lớn họ sẽ đẩy hết lên cloud. Họ cũng không mua các ứng dụng được “cắt may” riêng cho từng doanh nghiệp nữa mà dùng trực tiếp các ứng dụng khá chuyên nghiệp và được thiết kế riêng cho các doanh nghiệp SMEs. Đây là mảng thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam đang làm khá tốt. Tuy nhiên số lượng doanh nghiệp SMEs quá lớn dẫn đến câu chuyện mỗi doanh nghiệp có một nhu cầu riêng. Đây là khoảng trống và là điều kiện cho các doanh nghiệp SMEs trong lĩnh vực CNTT và chuyển đổi số phát huy được năng lực của mình.

Bên cạnh cơ hội đang mở ra trước mắt trong bối cảnh mới, các khó khăn và thách thức là điều khó tránh khỏi. Theo khảo sát của Vietnam Report, top 3 khó khăn thách thức mà các doanh nghiệp CNTT-VT Việt Nam đang phải đối mặt trong hoạt động nói chung và quá trình chuyển đổi số nói riêng trong thời gian tới là: Điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn nhiều hạn chế (70,6%); Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao (64,7%) và Thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước (58,8%).

Hình 4: Top 3 thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành CNTT trong thực hiện chuyển đổi số

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2021

Đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) tiếp tục được coi là nhiệm vụ sống còn của mọi doanh nghiệp CNTT-VT và có tới 70,6% doanh nghiệp công nghệ đánh giá đây là rào cản lớn nhất cần phải vượt qua. Với sự biến đổi không ngừng của khoa học kỹ thuật, các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp công nghệ. Với góc nhìn vĩ mô, hoạt động R&D sẽ tạo ra sự phân cực mạnh mẽ giữa các quốc gia, một bên là các quốc gia có nền tảng nghiên cứu và nền tảng KHCN tốt, và một bên là các quốc gia chỉ có khả năng ứng dụng KHCN. Điều này vẫn đúng khi nhìn từ góc độ doanh nghiệp. Thực tế trong những năm qua, hoạt động này luôn gặp những khó khăn và trở ngại nhất định, trong đó thiếu nguồn lực tài chính là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới hoạt động R&D tại các doanh nghiệp.

Song song với vấn đề về tài chính, khó khăn tiếp theo mà các doanh nghiệp CNTT-VT gặp phải đó là câu chuyện về nhân sự theo nhận định của 64,7% doanh nghiệp. Thực tế cho thấy hiện nay nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ là rất lớn và luôn có xu hướng tăng mạnh trong nhiều năm qua. Mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” nhưng bài toán về nhân sự luôn mang đến cho doanh nghiệp không ít khó khăn. Theo báo cáo của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến Q1/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Nguyên nhân của sự thiếu hụt này không phải xuất phát từ việc thiếu đơn vị đào tạo mà do chương trình đào tạo tại các trường chưa được cập nhật đầy đủ và đúng trọng tâm, không bắt kịp với nhu cầu của thị trường, dẫn đến trình độ năng lực chuyên môn của ứng viên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc tại doanh nghiệp, thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế.

Thiếu chính sách, thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục là rào cản thứ 3 của các doanh nghiệp CNTT-VT trong giai đoạn tới, chiếm tỷ lệ 58,8%. Trước làn sóng CMCN 4.0, với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bên cạnh những thuận lợi từ sự kế thừa và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trên thế giới, các doanh nghiệp CNTT-VT cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức từ việc cạnh tranh và vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp trở ngại do thiếu những định chế tài chính và cơ chế chính sách liên quan đến việc hỗ trợ tài chính, tiếp cận vốn cũng như các điều kiện khác để sử dụng cho các hoạt động đầu tư công nghệ và quảng bá sản phẩm – dịch vụ tiến ra thế giới.

Chuyển đổi con người trong “kỷ nguyên số” - Chiến lược tiên quyết của doanh nghiệp CNTT-VT trong quá trình chuyển đổi số thời kỳ bình thường tiếp theo

Các chuyên gia tham gia phỏng vấn của Vietnam Report cùng đưa ra nhận định rằng các nguyên nhân thất bại trong quá trình chuyển đổi số thường là năng lực và tư duy lãnh đạo trong thời đại số chưa theo kịp, các nhà lãnh đạo trong toàn tổ chức không hiểu đầy đủ hoặc đánh giá thấp khoản đầu tư cần thiết để thúc đẩy một tổ chức kỹ thuật số. Giám đốc điều hành không đầu tư đủ thời gian vào các chương trình chuyển đổi kỹ thuật số. Năng lực nhân viên chưa đủ để đáp ứng. Hạ tầng số hóa của doanh nghiệp còn thấp chưa đủ điều kiện để chuyển đổi nhanh.

Khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp công nghệ tháng 6/2021 cũng chỉ ra Top 5 Chiến lược ưu tiên trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp công nghệ là: Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (76,5%); Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro (64,7%); Tăng cường hoạt động R&D (60,2%); Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (58,8%); và Cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng (56,3%).

Hình 5: Top 5 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp CNTT trong chuyển đổi số thời kỳ bình thường tiếp theo

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát các Doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2021

Như đã đề cập bên trên, trước những khó khăn từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp CNTT-VT trong thời gian tới sẽ tập trung đẩy mạnh việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công việc. Cụ thể, đã có nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình đào tạo Fresher, nghĩa là tiếp cận và mời các bạn sinh viên có tiềm năng đến thực tập tại công ty ngay từ khi còn đang học năm 3, năm 4 để đào tạo và áp dụng các kiến thức được học trong môi trường thực tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tạo điều kiện để nhân viên học thêm các khóa đào tạo về CNTT và nâng cao trình độ ngoại ngữ thông qua việc mua các tài khoản học trực tuyến. Song song với đó, hệ thống sẽ thống kê và có phần thưởng nhằm khuyến khích và ghi nhận sự tiến bộ của từng nhân viên trong công ty.

Chiến lược ưu tiên tiếp theo của các doanh nghiệp CNTT là Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro. Sau nhiều biến động trong thời gian vừa qua, với sự xuất hiện và tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19, trong năm nay, nhiều doanh nghiệp CNTT-VT vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro trong Top chiến lược ưu tiên. Hai chiến lược tiếp theo được các doanh nghiệp CNTT-VT chú trọng thực hiện là tăng cường hoạt động R&D và nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ công nghệ khác. Đây cũng chính là hai vấn đề được xem là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp CNTT-VT trong thời gian tới. Qua đó có thể thấy, các doanh nghiệp ngành Công nghệ đã sẵn sàng đối mặt với thử thách và quyết tâm vượt qua nó. Bên cạnh các chiến lược về quản trị, việc cải thiện chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng vẫn được doanh nghiệp CNTT-VT đặc biệt quan tâm.

Hình ảnh của doanh nghiệp CNTT-VT trên truyền thông

Dữ liệu mã hóa truyền thông các doanh nghiệp trong ngành CNTT-VT trong giai đoạn từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021 của Vietnam Report cho thấy, hiện nay đa phần thông tin vẫn tập trung xoay quanh chủ đề về Khách hàng/Sản phẩm, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 20,2%, trong đó, số lượng tin trung tính chiếm 48,3%, lượng tin tích cực đạt 51,1% và còn lại là tin tiêu cực.

Một dấu hiệu đáng mừng là trong khoảng một năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã thực sự chú trọng tới hình ảnh trên truyền thông, đầu tư một cách nghiêm túc và bài bản để xây dựng thương hiệu trong lòng công chúng, thu hút sự chú ý và quan tâm của cộng đồng. Với minh chứng là chủ đề về Hình ảnh/Quan hệ công chúng (PR) đã vươn lên vị trí thứ 2 về số lượng tin bài, chiếm tỷ trọng 15,1%.

Tiếp sau đó, nhóm chủ đề thứ 3 được đề cập nhiều nhất trong 24 nhóm chủ đề là Tài chính/Kết quả kinh doanh, chiếm tỷ trọng 11,5%. Trong đó, lượng tin tích cực là 54,7%, tin tiêu cực là 5,2% và còn lại là tin trung tính. Từ kết quả trên có thể thấy trong năm qua, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành CNTT-VT là tương đối khả quan và nhiều tiềm năng cho tăng trưởng.

Hình 6: Top 3 chủ đề có tỷ lệ thông tin lớn nhất của ngành CNTT Việt Nam

Nguồn: Vietnam Report, Dữ liệu Media coding các doanh nghiệp CNTT-VT trong giai đoạn từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021

Xét về độ bao phủ thông tin trên truyền thông của các doanh nghiệp công nghệ hầu hết thuộc về lĩnh vực CNTT-VT, vẫn với những tên tuổi nổi bật là Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, Vinaphone, trong khi tần suất xuất hiện trên truyền thông của các doanh nghiệp Giải pháp phần mềm và Tích hợp hệ thống là rất thấp, chỉ có doanh nghiệp FSOFT là xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực này.

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hơn bao giờ hết. Áp lực từ việc bắt buộc phải ứng dụng CNTT ngày càng lớn, do vậy nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào đầu tư công nghệ một cách nghiêm túc và xác định mục tiêu cốt lõi trong định hướng phát triển dài hạn là chiến lược kinh doanh do công nghệ dẫn dắt. Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu được nguồn tài nguyên, triển khai và cung cấp dịch vụ đến với khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác.

Với những thành tựu vượt bậc của ngành CNTT-VT đã đạt được trong những năm qua, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về khả năng phát triển đột phá trong tương lai của lĩnh vực giàu tiềm năng này. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới”. Trước tình hình đó, ngành CNTT-VT tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển đất nước với sức lan tỏa vô cùng lớn, góp phần đưa công nghệ “Make in Vietnam” vươn tầm thế giới, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Chắc hẳn ngoài mục tiêu kinh doanh và khẳng định vị thế trên thị trường, mỗi doanh nghiệp đều mang trong mình khát vọng được cống hiến cho đất nước. Đặc biệt đối với doanh nghiệp ngành CNTT-VT, khát vọng này càng được thể hiện rõ nét với lợi thế dẫn dắt và tiên phong công nghệ. Khi sứ mệnh của doanh nghiệp gắn liền với sứ mệnh đất nước, sứ mệnh biến Việt Nam thành quốc gia số và tiến ra toàn cầu, con đường đi của doanh nghiệp mới thực sự bền vững và lâu dài. Với sự khởi tạo một vòng quay mới, chúng ta cùng chờ đón một tương lai đầy hy vọng với nhiều đột phá ở phía trước.

 

Danh sách Top 10 Công ty uy tín trên truyền thông là kết quả nghiên cứu độc lập và khách quan của Vietnam Report được công bố thường niên từ năm 2012, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm, Bất động sản – Xây dựng, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...

Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các công ty dựa trên học thuyết Agenda Setting của 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw về sự ảnh hưởng, tác động của truyền thông đại chúng đến cộng đồng và xã hội, được Vietnam Report và các đối tác hiện thực hóa và áp dụng từ năm 2012. Theo đó, Vietnam Report đã sử dụng phương pháp Branch Coding (đánh giá hình ảnh của công ty trên truyền thông) để tiến hành phân tích uy tín của các công ty Công nghệ tại Việt Nam.

Vietnam Report tiến hành mã hóa (coding) các bài báo viết về các công ty Công nghệ được đăng tải trên các trang báo có ảnh hưởng tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 06/2020 đến tháng 05/2021. Các bài báo được phân tích và đánh giá ở cấp độ câu chuyện (story – level) về 24 khía cạnh hoạt động cụ thể của các công ty từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo công ty. Các thông tin được lựa chọn để mã hóa (coding) dựa trên 2 nguyên tắc cơ bản: Tên công ty xuất hiện ngay trên tiêu đề của bài báo, hoặc tin tức về công ty được đề cập tối thiểu chiếm 5 dòng trong bài báo, đây được gọi là ngưỡng nhận thức – khi thông tin được đánh giá là có giá trị phân tích. Các thông tin được đánh giá ở các cấp độ: Trung lập; Tích cực; Khá tích cực; Không rõ ràng; Khá tiêu cực; Tiêu cực.

Những nhận định trong thông cáo mang tính tổng quát và tham khảo cho các doanh nghiệp, đối tác; không phải nhận định cá nhân và không phục vụ mục đích hay nhu cầu của bất cứ nhà đầu tư cụ thể nào. Do đó, các bên liên quan nên cân nhắc kỹ tính phù hợp của các thông tin trên trước khi sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các thông tin đó.

Website: https://toptenvietnam.vn/

 

Vietnam Report

Nguồn: VNR500

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *