Doanh nghiệp Việt Nam và Chuyển đổi số: Nắm bắt xu thế đổi thay để kiến tạo tương lai

18/08/2021

Người tạo 0

Chuyên mục:

Thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới với những thay đổi phi thường, trong đó công cuộc chuyển đổi số rộng khắp trên mọi lĩnh vực, đóng vai trò nền tảng và là động lực chủ đạo ở mọi quốc gia.

Trong kỷ nguyên với những thách thức và cơ hội chưa từng có này, các quốc gia và doanh nghiệp có khát vọng lớn, tầm nhìn thời đại và chiến lược thực thi sắc bén có thể làm nên những thành quả phát triển vượt bậc. Vậy đâu là các đặc trưng và xu thế đổi thay lớn của thời đại? Những nội dung của nâng tầm chiến lược mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong nỗ lực thiết kế và triển khai công cuộc chuyển đổi số của mình là gì?

 

Thời đại đổi thay và tiến bộ bước ngoặt từ khủng hoảng đại dịch COVID-19

Với tiến bộ vượt bậc của CNTT-TT chỉ trong mấy thập kỷ qua, thế giới đã liên tục trải qua những đổi thay mang tính cách mạng, có ảnh hưởng nhanh chóng và sâu rộng đến mọi lĩnh vực của phát triển kinh tế và xã hội. Vào thập kỷ 1970-1980, mọi người ao ước về sự ra đời của máy tính cá nhân và sự hiện diện của nó ở mỗi gia đình hay bàn làm việc. Điều ước này đã nhanh chóng thành hiện thực với sự ra đời của Microsoft như một biểu tượng. Vào thập kỷ 1980-1990, mọi người ước ao được liên lạc với nhau và tiếp cận tới kho tri thức của nhân loại ở mọi nơi, mọi lúc với tốc độ tức thời và không tốn phí. Điều ước này cũng nhanh chóng trở thành hiện thực với sự ra đời của Internet và Google trở thành một công ty biểu tượng. Vào thập kỷ 1990-2000, mọi người ước muốn có cộng đồng riêng để chia sẻ thông tin, kiến thức, và nguồn lực. Điều ước này cũng đã trở thành hiện thực với các công ty biểu tượng như Facebook, Uber và AirB&B. Ngày nay, chúng ta đang nuôi dưỡng khát vọng xây dựng một xã hội thông minh. Trong đó, tiến bộ nhanh chóng về công nghệ số sẽ đem lại những lợi ích lớn lao, toàn diện, sâu sắc hơn thông qua công cuộc chuyển đổi số đang và sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở mọi doanh nghiệp, địa phương, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quốc gia.

Đại dịch COVID-19 kể từ khi bùng nổ ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019 đã gây tổn hại to lớn về cuộc sống và hoạt động kinh tế ở hầu hết các quốc gia. Thế nhưng, nó cũng là một chấn động chưa từng có, tạo nên bước nhảy lượng tử trong chuyển đổi số, trên mọi mặt của cuộc sống xã hội. Khảo sát gần đây của công ty tư vấn McKinsey cho thấy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nói chung đã được đẩy nhanh từ 3-4 năm so với kỳ vọng trước khi xảy ra đại dịch. Trong đó, bán hàng trực tuyến, phương cách giao tiếp với khách hàng, và tìm hiểu đầu tư vào công nghệ số mới nhất để nâng cao hiệu quả kinh doanh và hiệu lực quản trị là những lĩnh vực có tiến bộ nhảy vọt.

Mặc dù lợi ích mà chuyển đổi số mang lại rất tiềm tàng và đại dịch COVID-19 đã tạo một cú hích đặc biệt, mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số vẫn còn vướng nhiều rào cản không dễ vượt qua, trong đó, tư duy và thói quen cũ thường là lực cản vô hình có sức ỳ rất lớn. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những trở ngại này thường xuất hiện khi thế giới đứng trước những tiến bộ vượt bậc về công nghệ. Chẳng hạn, vào đầu thế kỷ 20, nhiều thành phố lớn như London, New York vẫn làm quy hoạch dài hạn dựa trên giả định về nhịp độ tăng nhanh của xe ngựa và nhu cầu ngựa kéo. Thậm chí, nhiều chuyên gia cho rằng xe hơi sẽ không thể trở nên phổ biến vì tốc độ của nó quá nhanh, gây nguy hiểm chết người, khó được xã hội chấp nhận. Một số khác thì đưa ra lý do là rất khó tuyển dụng được lái xe bởi nghề này đòi hỏi một số kĩ năng và phẩm chất đặc biệt. Ngày này, cách tư duy này vẫn thường thấy ở khắp nơi khi thế giới chuyển sang thời đại CMCN 4.0.

Chuyển đổi số không đơn thuần là nỗ lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mà là một công cuộc cải biến toàn diện và sâu sắc nhằm khai thác tối đa sức mạnh thời đại và tiến bộ công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và kiến tạo nền tảng căn bản cho hành trình phát triển lâu dài. Vì vậy, thấu hiểu toàn cầu và nâng tầm tư duy chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cả công việc thiết kế lẫn triển khai công cuộc chuyển đổi số.

 

Thấu hiểu xu thế toàn cầu

Cục diện phát triển toàn cầu đang được định hình bởi những xu thế chủ đạo, trong đó các doanh nghiệp cần đặc biệt thấu hiểu tám xu thế dưới đây khi xem xét mỗi quyết định đầu tư cho mục tiêu phát triển trong tương lai.

Xu thế 1: Các biến động toàn cầu ngày càng dữ dội, khó lường, đòi hỏi mỗi quốc gia và doanh nghiệp phải hội đủ ba điều kiện: tầm nhìn xa, ý chí cải cách mạnh mẽ và ý thức gia cường nền móng để vững vàng trước các cú sốc kinh tế và mọi xáo động trong khu vực và toàn cầu. Đại dịch COVID-19 là một minh chứng hiển hiện về quy mô và tác hại của những biến động khó ai có thể tưởng tượng được trước khi nó xuất hiện. Về kinh tế, đại dịch COVID-19 đã gây nên khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hầu hết các nước rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng trong năm 2020. Như chỉ ra ở Bảng 1, tăng trưởng GDP năm 2020 đều thấp hơn nhiều so với năm 2019. Hơn nữa, trừ Việt Nam và Trung Quốc, nền kinh tế các nước đều bị suy giảm nặng nề trong năm 2020, nhất là Philippines (-9,5%), Ấn độ (-8%), và Thái Lan (-6,1%). Kết quả là, tăng trưởng bình quân năm năm giai đoạn 2015-2020 của các nước đều thấp hơn so với giai đoạn 2010-2015. Việt Nam là nước duy nhất có sự suy giảm không đáng kể (từ 6,2% xuống 6,1%) là nhờ nỗ lực nâng cao mức tăng trưởng trong bốn năm 2016-2019 lên mức xấp xỉ 7% trước khi đại dịch nổ ra. Kinh nghiệm này cho thấy, tranh thủ tối đa để tăng tốc phát triển khi thuận lợi là một chiến lược quan trọng để có thể giữ được sức bền vững khi khủng hoảng ập đến. 

 Xu thế 2: Gắn kết toàn cầu và khu vực, mặc dù còn phải trải qua không ít trắc trở, sẽ ngày càng sâu sắc, không chỉ trong thương mại và đầu tư mà cả trong du lịch, văn hóa và nhận thức xã xã hội. Một trong những thước đo về độ hội nhập của một quốc gia vào nền kinh tế toàn cầu là tỷ trọng của tổng giá trị thương mại trên GDP. Như chỉ ra ở Bảng 1, Việt Nam là một nước có độ hội nhập cao với tỷ trọng trên 210%, chỉ đứng sau Singapore (có tỷ trọng 319%). Điều này cho thấy, Việt Nam được hưởng lợi rất lớn nhưng cũng sẽ chịu những thách thức khó lường do độ hội nhập sâu của mình.

Xu thế 3: Thế kỷ 21 là “thế kỷ trỗi dậy” của châu Á. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ – mỗi quốc gia có xấp xỉ 1,4 tỷ dân và tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, sẽ nằm trong nhóm ba nền kinh tế lớn nhất thế giới trong các thập kỷ tới. Như chỉ ra ở Bảng 1, các nước châu Á (không kể Nhật bản) chiếm tỷ trọng xấp xỉ 1/3 quy mô kinh tế toàn cầu. Với sự phát triển nhanh chóng của mình, châu Á đang là động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đông Nam Á, với số dân gần 700 triệu và quy mô kinh tế hiện tại xấp xỉ Ấn Độ và Nhật Bản, dự kiến sẽ tăng quy mô kinh tế lên hơn bốn lần trong ba thập kỷ tới. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức khai thác sự trỗi dậy của Châu Á và sự lớn mạnh của nền kinh tế Đông Nam Á trong chiến lược kiến tạo tương lai của mình.

Xu thế 4: Đô thị hóa sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Với tỷ lệ dân đô thị tăng nhanh và đạt mức trên 2/3 dân số toàn cầu trong ba thập kỷ tới, quy hoạch và quản lý đô thị sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định năng suất lao động, chất lượng sống và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Với Việt Nam, quy mô các thành phố hiện tại dự kiến sẽ tăng từ 1,5 đến 2,5 lần trong ba thập kỷ tới. Việt Nam sẽ có thêm nhiều thành phố có trên 1 triệu dân với hạ tầng hiện đại. Do vậy, chiến lược của mỗi công ty cần tính đến nhịp độ đô thị hóa nhanh chóng ở Việt Nam trong thời gian tới.

Xu thế 5: Cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra với nhịp độ ngày càng nhanh, ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong mọi mặt của nền kinh tế và đời sống xã hội. Doanh nghiệp cần nắm bắt cuộc CMCN 4.0 theo ba hướng chủ đạo sau: Hướng thứ nhất là tăng hiệu quả vận hành kể cả phần cứng và phần mềm. Trong đó, các công cụ quản lý bằng phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng điện toán đám mây, tiếp thị số, người máy, các công cụ điều khiển tự động, nhà máy thông minh, hiện thực ảo (VR) và hiện thực nâng cao (AR) là những công nghệ cần được nghiên cứu để ứng dụng. Hướng thứ hai là khai thác giá trị từ hiệu ứng cộng hưởng với đối tác, khách hàng và cộng đồng xã hội. Các mô hình gắn kết chia sẻ, đồng sáng tạo, gây quĩ đại chúng là những ứng dụng đem lại giá trị lớn trong thời gian cực nhanh. Hướng thứ ba là nâng cao chất lượng ra quyết định từ thu thập và khai thác hệ thống dữ liệu và nỗ lực nâng cao năng lực phân tích, học hỏi. Việt Nam là một trong các nước có nỗ lực cao trong nắm bắt cuộc cách mạng số. Như chỉ ra ở Bảng 1, so với các nước châu Á đang phát triển, CNTT có mức thâm nhập khá sâu và đóng góp khá cao vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (xấp xỉ 1.0 % trong giai đoạn 2010-2018). Hơn nữa, đầu tư vào chuyển đổi số sẽ là động lực chủ đạo giúp Việt Nam nâng nhịp độ và tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới. Nghĩa là, nếu Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7-8% trong 5-10 năm tới, dự kiến ít nhất 1,0-1,5% sẽ là do đầu tư vào chuyển đổi số mang lại.

Xu thế 6: Dân số già hóa. Do tỷ lệ sinh đẻ thấp và tuổi thọ trung bình ngày càng cao nên dân số nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang già đi nhanh trong các thập kỷ tới. Thực tế cho thấy, sức sáng tạo và sống động của một dân tộc sẽ giảm sút khi mức độ già hóa đạt đến mức 1/3 dân số có tuổi trên 65. Việt Nam hiện đang ở giai đoạn dân số vàng, nghĩa là tỷ trọng lao động trên tổng dân số ở mức cao. Tuy nhiên, thuận lợi này sẽ giảm nhanh sau khoảng 20 năm nữa. Vào năm 2045, Việt Nam sẽ già như Nhật Bản năm 2000. Tức là nếu không trở thành một nước có mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam sẽ ở vào tình cảnh “già trước khi giàu”. Xu thế này đòi hỏi Việt Nam phải coi tăng tốc phát triển là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách. Do vậy, đầu tư vào chuyển đổi số là một phương cách hiệu quả và chiến lược nhất cho các doanh nghiệp và toàn xã hội để sẵn sàng với tương lai, khi nguồn lao động trẻ không còn dồi dào và xã hội đòi hỏi một chất lượng dịch vụ ngày càng cao.

Xu thế 7: Phát triển bền vững sẽ ngày càng được coi trọng và trở thành yêu cầu “sống còn” trong mọi nỗ lực phát triển. Trong xu thế này, bảo vệ môi trường, đặc biệt là chất lượng nước và khí sẽ được coi trọng hàng đầu. Các doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ không được ủng hộ và nhanh chóng bị đào thải trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đầu tư vào năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió và các công nghệ-mô hình kinh doanh hỗ trợ nỗ lực này sẽ có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn.

Xu thế 8: Trách nhiệm xã hội sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh vô hình ngày càng lớn. Trong xu thế này, các doanh nghiệp có triết lý kinh doanh nhân văn, coi trọng đặc biệt lợi ích cộng đồng và người lao động tương đồng với giá trị đem lại cho khách hàng và chủ đầu tư sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Đặc biệt, các nỗ lực có hiệu quả nhằm chung tay cùng cộng đồng giải quyết những thách thức lớn của xã hội sẽ mang lại những giá trị rất lớn cho doanh nghiệp. 

Bảng 1. Việt Nam trong bức tranh châu Á: Tăng trưởng kinh tế và đóng góp của CNTT

Chỉ số

Vietnam

Indonesia

Malaysia

Philippines

Singapore

Thailand

China

India

 Tăng trưởng GDP năm 2019 & 2020 (%)

2019

7.0

5.0

4.3

6.0

1.3

2.3

5.8

4.0

2020

2.9

-2.1

-5.6

-9.5

-5.4

-6.1

2.3

-8.0

 Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2010-2015 và 2015-2020 (%)

2010-2015

6.2

5.5

5.3

6.0

4.5

3.0

7.9

6.8

2015-2020

6.1

3.6

2.7

3.4

1.5

1.6

5.7

3.5

 Thâm nhập của CNTT theo tỷ lệ trên 100 dân (2019)

Sử dụng Internet

70.3

39.8

81.2

60.1

88.2

56.8

54.3

34.5

Điện thoại thông minh

71.9

87.2

116.7

68.4

145.7

104.7

95.4

37.5

Băng thông cố định

13.6

3.3

8.6

3.2

25.9

13.2

28.5

1.3

 Đóng góp bình quân vào tăng trưởng GDP giai đoạn 2010-2018 theo nguồn vốn đầu tư (điểm %)*

Vốn CNTT

1.0

1.0

0.8

0.8

1.3

0.8

1.1

0.7

Vốn truyền thống

2.6

2.4

1.8

2.0

1.2

0.9

3.8

3.0

 Một số chỉ số tham khảo (2020)

Dân số (Tr. Người)

97

270

33

109

6

70

1,404

1,379

GDP/người (USD)

3,499

3,922

10,270

3,330

58,902

7,190

10,484

1,965

Tỷ trọng trong GDP toàn cầu (%)

0.80

2.51

0.69

0.70

0.43

0.97

18.34

6.77

Thương mại/GDP (%)

210.4

38.2

123.0

68.6

319.1

110.4

35.8

39.6

Xuất khẩu/GDP (%)

105.4

20.3

68.7

26.1

177.7

64.9

19.1

19.8

Nguồn số liệu: IMF (2021); WB (2020); UN (2020); WEF (2020); APO (2020).

 Ghi chú: *Tính toán của tác giả dựa trên số liệu APO (2020)

 

Tác động của cuộc cách mạng thông tin tới tăng trưởng kinh tế và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Cuộc cách mạng thông tin diễn ra trong mấy thập kỷ qua đã và đang tạo nên những biến chuyển căn bản trong đời sống xã hội. Đặc biệt, nó đã, đang và sẽ đem lại những đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp.

Tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng kinh tế

Trên tổng thể nền kinh tế, cuộc cách mạng thông tin ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế qua năm kênh chính sau:

Thứ nhất, nó giúp tăng hiệu quả SXKD và hiệu lực quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, nó giúp giảm giá thành, mở rộng thị trường, và tăng chất lượng phục vụ khách hàng. Trong đó, sự gắn kết hợp tác phát triển hệ sinh thái số, dịch vụ thương mại trực tuyến, mạng xã hội, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo là các ứng dụng hàng đầu.

Thứ hai, nó làm gia tăng mạnh mẽ khối lượng và chất lượng thông tin, khả năng giao tiếp, liên lạc, giúp làm minh bạch thông tin và giao dịch trên mọi lĩnh vực – từ chất lượng môi trường đến cảm nhận của khách hàng, người dân. Nhờ vậy, mọi hoạt động được giám sát, phối thuộc và xử lý kịp thời hơn; Trên cơ sở đó, lòng tin xã hội sẽ được gia cường và và tăng trưởng kinh tế sẽ bền vững hơn.

Thứ ba, nó giúp doanh nghiệp và mọi người dân tăng vượt bậc khả năng tiếp cận tới tri thức toàn cầu và chia sẻ ý tưởng nhanh chóng, kịp thời. Tiến bộ này thúc đẩy học hỏi và sáng tạo, động lực chủ đạo của tăng trưởng.

Thứ tư, nó giúp tạo ra nền kinh tế chia sẻ và cộng đồng. Nguồn lực từ mọi ngõ ngách của cuộc sống xã hội được gắn kết với nhu cầu xã hội. Cả cung và cầu đều tăng mạnh với số lượng dồi dào và chất lượng phong phú hơn. Uber, AirBnB, Crowdfunding… là những ví dụ điển hình. Theo kênh này, tăng trưởng được tạo ra từ việc khai thác hiệu quả từ tác động cộng hưởng.

Thứ năm, nó giúp nâng cao chất lượng quy trình ra quyết định, đặc biệt trong phân bổ nguồn lực. Theo kênh này, tăng trưởng được tạo ra từ tăng hiệu quả đầu tư, phát triển.

Tác động của chuyển đổi số tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Chuyển đổi số có tác động quan trọng tới nâng cao hiệu quả SXKD. Các doanh nghiệp bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số theo năm hướng chủ đạo (McKinsey, 2017). Đó là (i) Số hóa các sản phẩm và dịch vụ (Digitization of products and services); (ii) Số hóa tiếp thị và kênh phân phối (Digitization of marketing and distribution); (iii) Số hóa hệ sinh thái (Digitization of ecosystems); (iv) Số hóa quy trình sản xuất (Digitization of processes); và (v) Số hóa chuỗi cung ứng (Digitization of supply chains).

Theo ước tính mới nhất của Công ty Tư vấn McKinsey (McKinsey, 2021), chuyển đổi số mang lại hàng nghìn tỷ đô la lợi ích nhờ tăng hiệu quả quản lý, tăng sản lượng và giá trị, và giảm chi phí vật tư. Bảng 2 tổng hợp ước tính của McKinsey về lợi ích này cho một số ngành mà khối ASEAN thu được từ chuyển đổi số vào trước năm 2025. Dựa trên số liệu này, ta có thể ước tính lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho Việt Nam là 1/10 so với tổng lợi ích mà ASEAN thu được. Cách ước tính này là thận trọng vì Việt Nam có tỷ trọng GDP lớn hơn 1/10 so với ASEAN và đang ở nhịp độ tiến triển nhanh hơn mức trung bình của ASEAN cả về tăng trưởng GDP và đầu tư cho chuyển đổi số. Theo ước tính này, lợi ích mà Việt Nam có thể thu được từ chuyển đổi số trước năm 2025 sẽ ở mức từ 22 đến 62,5 tỷ USD. 

Bảng 2. Lợi ích ước tính mà chuyển đổi số mang lại cho một số khu vực kinh tế chủ yếu của khối ASEAN trước năm 2025 (Đơn vị: tỷ USD)

Lĩnh vực

ASEAN

Việt Nam*

Tối thiểu

Tối đa

Tối thiểu

Tối đa

Nâng hiệu quả quản lý điều hành sản xuất

76

245

7.6

24.5

Nâng hiệu quả bảo dưỡng thiết bị

38

91

3.8

9.1

Nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp

10

57

1

5.7

Tối ưu hóa quản lý tồn kho

17

55

1.7

5.5

Nâng hiệu quả Quản lý vận hành bệnh viện

45

74

4.5

7.4

Nâng cao sức khỏe và an toàn cho người lao động

12

38

1.2

3.8

Lợi ích khác

22

65

2.2

6.5

Tổng số

220

625

22

62.5

Nguồn: McKinsey (2021)

Ghi chú: * Lợi ích ước tính cho Việt Nam được tính một cách cẩn trọng ở mức bằng 1/10 của ASEAN.

 

Doanh nghiệp Việt Nam và hành trình chuyển đổi số phía trước

Thành công của Việt Nam trong kiểm soát đại dịch COVID-19 đã giúp tăng vị thế đất nước trong cộng đồng quốc tế. Nó cũng bước đầu tạo nên niềm tin rằng Việt Nam đang mạnh hơn khi ra khỏi đại dịch và có khả năng đạt được những tiến bộ vượt bậc trong phát triển kinh tế vào các năm tới. Chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, và đẩy mạnh cải cách là ba động lực căn bản để Việt Nam có thể làm nên những kỳ tích mới. Trong toàn bộ các nỗ lực này, nâng tầm tư duy chiến lược có vai trò rất lớn và ý nghĩa quyết định, đặc biệt trong công cuộc chuyển đổi số.

Với lãnh đạo các doanh nghiệp, nâng tầm tầm tư duy chiến lược đòi hỏi sự chú trọng đặc biệt tới bảy nội dung dưới đây.

Thứ nhất, xác định rõ tầm nhìn và định vị chiến lược cho doanh nghiệp trong hành trình phát triển phía trước.  

Sức cạnh tranh và phát triển của một doanh nghiệp phụ thuộc không chỉ vào nguồn lực mà, quan trọng hơn, vào khả năng huy động và triển khai nó một cách hiệu quả để biến chúng thành thực lực phát triển. Sức mạnh của công ty do vậy phụ thuộc rất nhiều sự hiểu biết thấu đáo của người lãnh đạo về hiện giờ họ đang ở đâu, muốn đi đến đâu, động lực nào giúp họ đi nhanh nhất, thách thức nào là cốt tử trên hành trình tiến lên, và định vị chiến lược nào sẽ đem lại cho công ty sức mạnh nội sinh tiềm tàng. Sức mạnh này có thể tăng lên gấp bội và bền vững hơn nhiều nếu tầm nhìn có sức thôi thúc cao và định vị chiến lược thể hiện sự kết hợp thông tuệ giữa năng lực cốt lõi với xu thế thời đại.

Thứ hai, kiến tạo giá trị cần là mục tiêu cốt lõi và tiêu chí chủ đạo.

Giá trị mà doanh nghiệp đem lại từ mỗi nỗ lực phát triển của mình được kiến tạo từ việc nâng cao hiệu quả vận hành, nâng cấp hiệu lực chiến lược và thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng. Nâng cao hiệu quả vận hành tăng lợi nhuận và giảm giá thành. Nâng cấp hiệu lực chiến lược gia cường sức cạnh tranh hiện tại và tương lai, đặc biệt trong đầu tư vào nền tảng phát triển lâu dài. Thúc đẩy hiệu ứng cộng hưởng làm sâu sắc mức độ gắn kết với khách hàng, đối tác và cộng đồng xã hội. Nỗ lực này không chỉ tạo ra giá trị hữu hình mà cả giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp có một vị thế xã hội được trân trọng và kỳ vọng hơn.

Thứ ba, hiểu rõ trở ngại chính yếu trong nỗ lực đi tới tầm nhìn chiến lược và phương cách vượt qua nó.

Một doanh nghiệp, dù đã thành công đến đâu, cũng khó tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong lâu dài nếu không thấu hiểu thách thức chính yếu mà doanh nghiệp phải vượt qua trên hành trình phía trước. Hạn chế của nhiều doanh nghiệp có khát vọng lớn là ỷ vào nguồn lực và kinh nghiệm làm nên thành công trong quá khứ để nắm bắt cơ hội mới, trong khi xem nhẹ những thách thức họ sẽ phải đương đầu và vượt qua. Nâng tầm chiến lược đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cần coi thách thức là trung tâm để huy động sức mạnh tổng hợp từ nguồn lực hiện có và thời cơ mới xuất hiện nhằm vượt qua nó. Cách tiếp cận này giúp doanh nghiệp đi đến tương lai một cách vững chắc và mạnh mẽ hơn.

Thứ tư, coi trọng học hỏi, tương tác và phát triển hệ sinh thái.

Thành công lâu dài của một doanh nghiệp tùy thuộc rất nhiều vào năng lực và nỗ lực học hỏi của cả tổ chức. Hơn thế nữa, tăng mức độ tương tác và phát triển hệ sinh thái giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội.

Ba câu hỏi nên được đặt ra khi doanh nghiệp đứng trước một khó khăn nan giải là: Liệu có thể giải bài toán này bằng nỗ lực chuyển đổi số? Thế giới có bài học hay kinh nghiệm gì trong giải quyết bài toán này? Đâu là lời giải hay và vững bền nhất nếu cộng đồng doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương và Chính phủ đồng lòng chung sức tìm phương kế?

Một ví dụ đơn giản là việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan công quyền thường được nhắc đến như một vấn nạn khó vượt qua, cho dù Chính phủ đã có những chỉ thị nhằm hạn chế tình trạng này. Với cách tiếp cận tổng hợp nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương và Chính phủ có thể giải bài toán này theo cách sau: Chính phủ lập một trang web đăng ký và giám sát việc thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc. Vì việc thanh tra, kiểm tra là cần thiết nếu nội dung đó là quan trọng, minh bạch nên mỗi cuộc thanh tra cần được đăng ký rõ danh sách đoàn thanh tra và người đứng đầu đoàn, đơn vị được thanh tra, chủ đề, ngày giờ làm việc… Sau buổi thanh tra, biên bản làm việc cần được lưu giữ trên trang mạng này. Ngoài ra, thống kê về các cuộc thanh tra có thể được tổng hợp hàng ngày để báo về các cơ quan liên quan, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ và Văn phòng UBND tỉnh. Các địa phương có nhiều thanh tra đem lại kết quả tốt cần được biểu dương, các địa phương và ngành có nhiều thanh tra không mang lại kết quả có ý nghĩa cần giải trình hàng tháng. Một khi những thông tin này trở nên minh bạch và được giám sát, tìm hiểu thấu đáo, chất lượng thanh tra, kiểm tra sẽ tăng và số lượng sẽ giảm căn bản.

Thứ năm, coi trọng tính minh bạch, sự trung thực và lòng tin của xã hội.

Mỗi doanh nghiệp cần gìn giữ và nâng cao tính minh bạch, sự trung thực và lòng tin của xã hội với doanh nghiệp của mình. Những tài sản vô hình này về lâu dài có giá trị hơn mọi loại tài sản khác vì khi mất nó, doanh nghiệp sớm muộn cũng sa sút dù có nguồn lực và tài năng dồi dào đến đâu. Các doanh nghiệp Việt Nam cần coi đây là một lợi thế cạnh tranh đặc trưng cần được hết sức chăm lo, phát triển trong nỗ lực làm chủ thị trường nội địa cũng như thâm nhập thị trường khu vực và thế giới.

Thứ sáu, tránh các cạm bẫy chiến lược.

Trong hơn ba thập kỷ cải cách vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã làm nên những kỳ tích phát triển đáng khâm phục. Những thành quả này sẽ trở thành nền tảng và động lực để các doanh nghiệp tiếp tục làm nên những kì tích mới, lớn lao hơn nếu vượt qua được ba loại cạm bẫy chiến lược: cạm bẫy nguồn lực, cạm bẫy năng lực và cạm bẫy thế lực. Những cạm bẫy này được gọi là cạm bẫy chiến lược vì nếu mắc phải nó, doanh nghiệp sẽ kẹt vào các điểm mù chiến lược và trở nên thiếu sáng suốt, thậm chí mù quáng, trong các quyết định chiến lược.

Cạm bẫy nguồn lực liên quan đến sự ỷ lại vào nguồn lực để tạo danh tiếng trong khi coi nhẹ nỗ lực kiến tạo giá trị thực sự, có tính chiến lược trong phát triển lâu dài. Cạm bẫy năng lực là sự chủ quan, cho rằng năng lực xuất sắc mình đã có được sẽ vững bền trong tương lai mà không thấy hết sức hủy diệt - sáng tạo ghê gớm của sự đổi thay. Công ty sản xuất giấy ảnh Kodak là một ví dụ điển hình. Cho đến đầu thập kỷ 1990, họ vẫn đứng đầu về các phát kiến sáng tạo liên quan đến giấy ảnh và rơi vào điểm mù chiến lược là ảnh kỹ thuật số sẽ không thể thay thế họ. Cạm bẫy thế lực liên quan đến danh tiếng và vị thế thị trường doanh nghiệp đã có được từ thành công trong quá khứ. Cạm bẫy này thường đưa đến ba hiểm họa là: sa lầy vào những dự án nặng về danh tiếng nhưng tốn kém và thiếu thực tế; thích nghe lời khen ngợi, ghét bỏ người có ý kiến trung thực nhưng trái chiều; và mất dần khả năng ứng đáp chiến lược với sự đổi thay nhanh chóng của thị trường và công nghệ.

Thứ bảy, cần có cách tiếp cận tổng hợp và toàn diện trong triển khai thực hiện.

Nỗ lực chuyển đổi số cần có cái nhìn toàn diện về các thành tố quyết định hiệu lực của toàn bộ quá trình này. Công thức dưới đây cho hệ số hiệu lực chuyển đổi số Q trong là một cách tiếp cận:

  Q = (P * V * C * E) / (L * S)  

Trong đó:

  • P (Pressure) chỉ áp lực của tình thế đổi thay, môi trường cạnh tranh, và kỳ vọng của xã hội. Thành tố này càng lớn khi tiến bộ kỹ thuật càng nhanh, môi trường cạnh tranh càng gắt, và kỳ vọng của xã hội (đặc biệt là khách hàng trẻ) càng cao.
  • V (Vision) là tầm nhìn và ý chí của đội ngũ lãnh đạo.
  • C (Capability) là năng lực của tổ chức, đặc biệt là khả của đội ngũ chịu trách nhiệm hoạch định và thực thi chiến lược chuyển đổi số. Trong thành tố này, cấu trúc tổ chức và cơ chế bổ nhiệm, khen thưởng cũng đóng vai trò quan trọng.
  • E (Enablers) là các yếu tố khuyến tạo (chẳng hạn, chất lượng hạ tầng thông tin, cơ chế chính sách, năng lực của đối tác, nguồn cung tài chính và công nghệ…).
  • L (Legacy) là di sản của cơ chế cũ, đặc biệt là những cản trở gây nên bởi tư duy, hệ thống pháp lý và tập quán đã trở nên lạc hậu. Hệ thống thiết bị quá cũ không tương thích với các công nghệ số mới cũng là một cản trở không nhỏ.
  • S (Selfishness) là tính ích kỷ cá nhân, lợi ích nhóm, và tệ nạn tham nhũng. Nó làm mất đi khả năng đưa ra những đánh giá khách quan để lựa chọn giải pháp tốt nhất trong quá trình chuyển đổi số.

Để công cuộc chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần nỗ lực tăng hệ số hiệu lực Q với hai phương thức chủ yếu: tăng tử số và giảm mẫu số. Việc tăng tử số có thể đạt được nếu tăng mỗi thành tố trong bốn thành tố: áp lực (P), tầm nhìn (V), năng lực (C) và điều kiện khuyến tạo (E). Việc giảm mẫu số có thể đạt được nếu giảm mỗi thành tố trong hai thành tố: di sản cũ (L) và tham nhũng (S). Điều cần nhấn mạnh là, nỗ lực tăng các thành tố ở tử số và giảm các thành tố ở mẫu số cần được phối thuộc thực hiện với một chiến lược nhất quán và toàn diện cùng việc nâng cao tầm nhìn đóng vai trò thành tố trung tâm. Một tầm nhìn lớn và thôi thúc hơn sẽ tăng áp lực, nâng cao năng lực nhờ sức mạnh tổng lực và khai thác tốt hơn các điều kiện khuyến tạo; trong khi loại bỏ nhanh và quyết đoán hơn những di sản cũ và kiềm chế các hành vi tham nhũng, ích kỷ.

Trong quá trình chuyển đổi số, mỗi dự án triển khai có thể đánh giá dựa trên chỉ số SMART sau đây: S (Strategic Objectives) đánh giá về tính hiệu lực của các mục tiêu chiến lược được lựa chọn.; M (Monitoring) chỉ sự tường minh của chỉ số giám sát kết quả và tiến bộ đạt được; A (Accountability) chỉ cá nhân và đơn vị chịu trách nhiệm về tiến bộ của dự án; R (Rethinking) đánh giá mức đổi mới tư duy - cách nghĩ và tính đột phá của dự án; T (Trust) đánh giá đóng góp của dự án vào tăng cường lòng tin của nhân viên với tương lai công ty. Trên mỗi tiêu chí, người đánh giá cho điểm tử 1 (thấp nhất) đến 5 (cao nhất). Nếu dự án có chỉ số SMART trung bình cao hơn 4,0, đó là một dự án rất tốt và cần được ưu tiên đặc biệt trong triển khai thực hiện. Trái lại, nếu chỉ số SMART dưới 3,0, dự án cần được thiết kế lại, thậm chí là loại bỏ nếu cần thiết.

Chuyển đổi số là một công cuộc nâng cấp toàn diện không chỉ năng lực sản xuất kinh doanh mà cả chiến lược thích ứng với đổi thay của thời đại, để tăng sức cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp cả trong trước mắt và lâu dài. Vì vậy, nỗ lực chuyển đổi số cần bắt đầu bằng những nhận thức thấu đáo về xu thế phát triển và nâng cấp toàn diện tư duy chiến lược trong các nội dung trình bày ở trên.

 

PGS.TS. Vũ Minh Khương - Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore

(Bài viết được trích từ "Báo cáo Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2021", do Vietnam Report xuất bản tháng 4/2021)

Nguồn: VNR500

 

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *