Doanh nghiệp lớn trước những biến động kinh tế

11/12/2019

Người tạo 0

Chuyên mục:

Các doanh nghiệp lớn đóng vai trò là yếu tố ổn định cho nền kinh tế. Doanh nghiệp lớn tạo nên sự phát triển đồng đều và bền vững giúp kinh tế ổn định và giảm bớt các biến động.

1. Nhận diện những doanh nghiệp lớn – những con tàu lớn trong nền kinh tế quốc gia

Doanh nghiệp lớn được hiểu là doanh nghiệp có vốn lớn hơn 100 tỷ đồng, có số lao động lớn hơn 300 người. Dù chỉ chiếm 5% trong tổng số 560.000 doanh nghiệp được đăng ký hiện nay, doanh nghiệp lớn đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế do tạo ra một khối lượng việc làm lớn, đóng góp  một lượng lớn GDP và chịu trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển.

Doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh mạnh về vốn, nhân lực và thương hiệu tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn cân bằng giữa việc sản xuất và kinh doanh thay vì chỉ hoạt động thương mại theo nghĩa hẹp, có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ nên có thể nhanh chóng thay đổi và tiếp xúc với sự tiên tiến của khoa học kỹ thuật trên thế giới.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò là yếu tố ổn định cho nền kinh tế. Doanh nghiệp lớn tạo nên sự phát triển đồng đều và bền vững giúp kinh tế ổn định và giảm bớt các biến động. Trong những cơn bão – những cuộc khủng hoảng thì các doanh nghiệp lớn luôn “đứng mũi chịu sào”,  là những con  tàu lớn vững chắc trong nền kinh tế quốc gia.

Có thể thấy những doanh nghiệp hàng đầu trong số các doanh nghiệp lớn Việt Nam qua Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), bao gồm cả Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam để vinh danh các doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu.

2. Nhận diện những biến động kinh tế 2019 - 2010

Kinh tế - xã hội Việt Nam đang vận động trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế trên thế giới trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. 

Căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn điển hình là cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút. Hoạt động kinh tế tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là khu vực đồng Euro cũng như một số thị trường mới nổi yếu hơn so với dự kiến, các tổ chức quốc tế đều đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 - 2010. Các điểm nóng địa chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt. Mỹ tăng cường trừng phạt Iran, giá dầu và đồng Đô la Mỹ diễn biến phức tạp cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu tăng chậm lại; kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản được xem là thế mạnh có xu hướng giảm đáng kể; cán cân thương mại hàng hóa chuyển hướng nhập siêu; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ...

3. Để doanh nghiệp lớn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong biến động

Để các doanh nghiệp  lớn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đồng thời thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược (phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng thể chế, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực), theo các chuyên gia, Chính phủ kiến tạo và doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, Chính phủ cần chú trọng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp lớn với việc tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.

Trong tiến trình vận hành rất nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với phương thức sản xuất thay đổi, với hiệu quả của công nghệ cao; cần định hướng, tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng; có chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ hai, cần nhận thức rõ ràng rằng nền kinh tế có đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới. Vì vậy, trong nội bộ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn cần đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành gắn với tiến trình chuyển đổi số, xu thế 4.0.  

Thứ ba, trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức và chuyển đổi địa điểm sản xuất trở lại các quốc gia sản sinh ra công nghệ, cần khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam; các doanh nghiệp lớn cần chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA…), đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản, cần giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn chất lượng để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Chính phủ cũng cần có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát, có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp nhập hàng hóa từ nước ngoài, gắn mác Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

TS. Phạm Trí Hùng

Đây là năm thứ 13 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2019.

Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 dự kiến được tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 2020 tại Khách sạn InterContinental Hanoi Landmark72, TP. Hà Nội.

Thông tin chi tiết về danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp được đăng tải trên website: www.vnr500.com.vn.

Vietnam Report

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *