Hàng trăm triệu USD được đổ vào các dự án thép

30/08/2017

Người tạo 295

Chuyên mục:

Sản xuất thép vẫn là ngành “ăn nên làm ra” tại Việt Nam, khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước lại tiếp tục công bố rót vốn đầu tư vào các dự án thép để nâng cao năng lực sản xuất, tận dụng tối đa cơ hội thị trường.

Công ty CP Thép Nam Kim cho biết sẽ đầu tư nhà máy thép tấm lợp Nam Kim tại Bà Rịa Vũng Tàu, với công suất 800.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng.

Kyoei Steel Group, Tập đoàn sản xuất thép của Nhật Bản có kế hoạch khởi động lại dự án xây dựng nhà máy cán thanh thép tại miền Bắc Việt Nam với số vốn đầu tư 200 triệu USD, nhằm nâng công suất và giảm giá thành. Hoạt động xây dựng dự kiến khởi công từ cuối năm nay, với nhà máy cán dự báo bắt đầu vận hành trong năm 2019 và nhà máy thép bắt đầu vào năm 2020. Được biết, Kyoei Steel Group đã bắt đầu kế hoạch xây dựng nhà máy cán với công suất 500.000 tấn/năm vào năm 2012 khi mua lại nhà máy thép Tam Điệp, Ninh Bình.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ đưa vào hoạt động thương mại vào năm 2015. Dự kiến sẽ trở thành dự án thép lớn thứ hai ở khu vực phía Bắc của Việt Nam sau dự án thép Thái Nguyên. Năng lực của nhà sản xuất này có thể tăng lên khoảng một triệu tấn sản phẩm thép thanh khi sản xuất đầy đủ.

Tuy nhiên, hãng này đã dừng xây dựng vào năm 2014 khi thị trường không thuận lợi, chủ yếu do cung vượt cầu.

Kyoei Steel chính thức gia nhập vào Việt Nam năm 1994 với tên gọi Vina Kyoei Steel, được thành lập như là một liên doanh giữa Kyoei Steel, Mitsui & Co., Itochu Corporation (Japan) và Tổng công ty Thép Việt Nam. Nhà máy đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Năm 2015, công ty cũng đã khởi công dự án sản xuất thép bằng lò điện tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD và công suất thiết kế hàng năm là 500.000 tấn phôi, và 500.000 tấn thành phẩm. Động thái khởi động đầu tư dự án thép ở phía Bắc của Kyoei Steel cho thấy, nhà sản xuất này đã cảm nhận được sự ấm lên của thị trường thép, đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh của các nhà sản xuất trong lĩnh vực này.

Cùng thời điểm với Kyoei Steel Group công bố khởi động lại dự án thép 200 triệu USD tại Ninh Bình, một doanh nghiệp trong ngành thép là Công ty CP Thép Nam Kim cũng đã thông qua báo cáo đầu tư tiền khả thi dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Dự kiến nhà máy này được thiết kế có công suất 800.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng. Sau khi xây dựng đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm tôn mạ kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm, tôn mạ hợp kim nhôm kẽm phủ sơn, tôn mạ kẽm phủ sơn, thép ống, thép hộp, thép hình và các sản phẩm từ thép cuộn, thép cán nguội, thép mạ kẽm, băng thép đen, băng thép mạ kẽm...

Công ty CP Thép Nam Kim thành lập năm 2002, có trụ sở tại Đường N1, Cụm sản xuất An Thạnh, Thị xã Thuận An, Tỉnh Bình Dương. Sau hơn 10 năm thành lập hiện nay Thép Nam Kim đã trở thành một trong 03 nhà sản xuất và phân phối hàng đầu trong ngành tôn - thép mạ tại Việt Nam và không ngừng mở rộng ra thị trường thế giới.

Năm 2017, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 12.000 – 14.000 tỷ đồng, sản lượng 800.000 tấn, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, nhà sản xuất này công bố doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng 38% và 14% so với cùng kỳ năm 2016, đạt lần lượt 5.486 tỷ đồng và 350 tỷ đồng.

Theo giải trình của Công ty, nhờ việc đẩy mạnh mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu hàng hóa đến các nước khác, đến nay đã ổn định và đạt doanh thu giá trị cao. Bên cạnh đó, công ty cũng tiếp tục nâng thị phần trong nước theo từng khu vực địa lý dẫn đến kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng. Trong khi đó, nhìn sang hoạt động kinh doanh của một vài ông lớn ngành thép, cũng toàn gam màu sáng về bán hàng và lợi nhuận.

Tập đoàn Hòa Phát là một trường hợp như vậy. 6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn này đạt doanh thu hơn 21.000 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 3.470 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2016. Hòa Phát cũng là nhà sản xuất đang thực hiện dự án đầu tư lớn, điển hình Dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Đến nay, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã hoàn thành đàm phán hợp đồng thiết bị với các đối tác cung cấp thiết bị luyện kim hàng đầu thế giới như nhà máy luyện thép, máy đúc phôi… Với chiến lược đẩy mạnh thị trường miền Trung và miền Nam, Hòa Phát đang đẩy mạnh thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất công suất 4 triệu tấn/năm tại tỉnh Quảng Ngãi, trong đó sẽ ưu tiên đưa hạng mục nhà máy cán thép vào vận hành trước. Đối tác Danieli (Italia) đảm bảo dây chuyền cán thép đầu tiên của dự án sẽ hoàn thành và chạy thử vào tháng 6/2018 và dây chuyền cán thép thứ hai dự kiến được hoàn thành sau đó 6 tháng. Sau khi hoàn thành dây chuyền cán, Hòa Phát sẽ cung cấp thêm 2 triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao hàng năm ra thị trường.

Thế Hải - Báo Đầu tư

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *