Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn: Niềm tự hào của ngành công nghiệp TP.HCM

01/06/2017

Người tạo 42

Chuyên mục:

Mười tuổi đời (thành lập năm 2006), được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Tổng Công ty đặc biệt, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (CNS) đã không ngừng nỗ lực vươn lên và được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” của ngành công nghiệp TPHCM. Các sản phẩm, dịch vụ của CNS được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Việt Nam và hơn 30 quốc gia trên thế giới.

Ông Nguyễn Hoành Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CNS cho biết, kể từ khi thành lập, chúng tôi đã xác định phương hướng hoạt động dựa trên một triết lý kinh doanh nhất quán - hợp tác để phát triển bền vững nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho xã hội thông qua các hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với chính sách nhà nước và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Theo phương châm đó, CNS đã phát huy những lợi thế của việc tổ chức sản xuất - kinh doanh trong các khu công nghiệp, đồng thời kết hợp với đa dạng hóa ngành nghề với mục tiêu mang lại hiệu quả cao thông qua các hình thức đầu tư, liên kết với các đối tác lớn trong và ngoài nước. 10 năm qua, nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang tạo ra dấu ấn đặc biệt cho thương hiệu Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn.

Định vị lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu chính xác cao

Thành lập tháng 9-2012, do CNS làm chủ đầu tư - hợp tác với nhà đầu tư Singapore, qua 4 năm, Công ty TNHH CNS Amura Precision đã ghi được dấu ấn đậm nét, trở thành một trong những đơn vị hàng đầu cả nước về lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu chính xác cao.

Nhân viên kỹ thuật của phân xưởng cơ khí đang vận hành dây chuyền sản xuất

Các sản phẩm mang thương hiệu của công ty có thể kể đến như: khuôn ép nhựa; khuôn cao su; khuôn đúc nhôm ứng dụng vào các ngành công nghiệp xe hơi, xe máy, linh kiện điện tử (hộp mực in, máy tính, ổ đĩa cứng...); thiết bị y tế; cao su kỹ thuật; nhựa kỹ thuật; dụng cụ chứa thực phẩm... Điểm đáng chú ý là CNS Amura Precision có thể cung cấp các sản phẩm cơ khí đạt độ chính xác cao tới 3/1.000, hướng tới nâng cao độ chính xác lên đến 1/1.000 để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của khách hàng. Nhiều sản phẩm trước đây khách hàng đặt hàng từ nước ngoài thì hiện nay có thể đặt hàng ở CAP, vừa đáp ứng yêu cầu độ chính xác, vừa giảm được thời gian và chi phí (như linh kiện xe hơi cao cấp Mercedes)…

Qua gần 4 năm hoạt động, CNS Amura Precision dần dần đã tạo được niềm tin từ những khách hàng lớn trong và ngoài nước. Số lượng khách hàng phát triển nhiều hơn qua mỗi năm hoạt động, tỷ lệ khách hàng được phát triển khoảng 329% so với năm 2013. Hiện nay số lượng khách hàng tăng gần 30% so với năm trước. Chỉ tính riêng năm 2015 thì doanh số của sản phẩm khuôn mẫu cơ khí tăng trưởng mạnh, hơn 100% so với năm 2014.

Tham gia giải quyết nguồn nguyên liệu cao su trong nước

Mới đây, tại Khu Công nghiệp Dầu Giây (Đồng Nai), Công ty Cổ phần Chỉ sợi cao su V.R.G SADO (liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV và Công ty Cổ phần cao su Bến Thành) đã tổ chức lễ khánh thành, đưa Nhà máy chỉ sợi cao su vào hoạt động.

Lễ khánh thành SADO

Nhà máy chỉ sợi cao su V.R.G SADO (chuyên sản xuất các loại chỉ sợi cao su như: thun bản đàn hồi dùng trong sản xuất vớ; quần, áo thun; đồ thể thao; dụng cụ y tế...) có tổng diện tích mặt bằng trên 41.500m², trong đó có hơn 11.600m² xây dựng, với tổng số vốn hơn 630 tỷ đồng được đầu tư thành 2 giai đoạn.

Không giấu được tự hào, ông Nguyễn Hoành Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CNS cho biết, riêng giai đoạn 1, Nhà máy được đầu tư hai dây chuyền thiết bị hiện đại theo công nghệ châu Âu có công suất thiết kế 345kg/giờ/dây chuyền, tổng công suất gần 6 ngàn tấn sản phẩm/năm (giai đoạn 2 sẽ nâng lên 10 ngàn tấn sản phẩm/năm), tiêu thụ mỗi năm khoảng 8.100 tấn mủ cao su latex (bằng 60% sản lượng của ngành cao su Việt Nam), góp phần giải quyết nguồn nguyên liệu cao su trong nước, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực cho ngành khai thác mủ cao su khi thị trường thế giới giảm mạnh. Đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 140 lao động tại địa phương.

Ngay tại lễ khánh thành, Công ty Cổ phần Chỉ sợi cao su V.R.G SADO đã ghi dấu ấn đầu tiên khi ký kết hợp tác với một số khách hàng lớn, tiềm năng, trong đó có hợp đồng tiêu thụ 24 tấn chỉ sợi trong tháng 3-2016 với Công ty Equipment & Products International.
 
Chống ngập - Nhìn từ hiệu quả của cừ nhựa UPVC

Sau nhiều năm nhấp nhổm không yên vì bị vỡ đê gây ngập úng, các hộ trồng mai, nuôi cá vùng ven dọc sông Sài Gòn đã có được những vụ mùa ấm cúng hơn. Dọc những con đê xuống cấp nặng nay đã được gia cố lại bằng các cọc vách nhựa uPVC và đã phát huy được hiệu quả, giải quyết cơ bản tình trạng ngập do mưa và triều cường, cải thiện môi trường sống cho người dân vùng ven. TPHCM cũng đã đồng ý cho ứng dụng công nghệ này trong 32 công trình bờ bao với chiều dài gần 34km vùng ven.

Công trình bờ bao chống ngập bằng cừ bản nhựa upvc tại Rạch Gò Dưa, phường Linh đông, quận Thủ Đức, TPHCM

Để có được thành quả đó, CNS đã đầu tư dây chuyền sản xuất cừ nhựa uPVC gần 300 tỷ đồng phục vụ nhu cầu trong nước. Cọc vách nhựa uPVC được đánh giá có đặc tính nhẹ nên di chuyển và thi công dễ dàng trong mọi thời tiết. Khi xảy ra sự cố đê bao cần xử lý ngay thì đây là giải pháp có thể đáp ứng được. Nếu so với cách xây dựng bờ bao bằng bê tông cốt thép thì uPVC không bị oxy hóa, nên độ bền và thời gian sử dụng cao hơn rất nhiều. Đặc biệt, hàng năm không phải tốn chi phí duy tu, gia cố như các phương pháp truyền thống…

Sau khi thực hiện tại TPHCM, các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng liên hệ để tìm hiểu xây dựng dự án. Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng quan tâm và mong muốn ứng dụng cọc vách uPVC để ngăn ao, đầm nuôi trồng thủy sản. Không chỉ trong nước mà các nước Thái Lan, New Zealand đã liên hệ nắm bắt công nghệ cừ nhựa uPVC của CNS. Riêng Thái Lan đã ký thỏa thuận, sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm hóa lý, sẽ tiến tới đặt hàng và xuất khẩu sang nước bạn.

Theo Tổng Giám đốc CNS Chu Tiến Dũng, cừ nhựa uPVC và các bờ bao sử dụng vật liệu mới này ra đời trên cơ sở cụ thể hóa 7 chương trình đột phá của TPHCM, trong đó có chương trình chống ngập. Đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội không nhỏ đối với cuộc sống của bà con nông dân các quận huyện vùng ven. Trước mắt, cừ nhựa uPVC đã có cơ hội xuất khẩu, hứa hẹn tương lai sẽ mở rộng được thị trường sang các khu vực khác.

Ứng dụng vé xe buýt điện tử - tầm nhìn đến tương lai

Từ năm 2017, khoảng 1.950 xe buýt các loại trên địa bàn TP sẽ được đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh thay cho vé thông thường- Đó là nội dung quan trọng trong dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” do CNS và Liên danh FPT IS đề xuất thực hiện. Đây là dự án đầu tư ứng dụng CNTT theo mô hình xã hội hóa trọng điểm của Thành phố.

Dự án sẽ đầu tư toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ, hạ tầng CNTT, triển khai giải pháp phần mềm, đào tạo nhân lực và thực hiện vận hành hệ thống vé điện tử thông minh ứng dụng công nghệ thẻ thông minh không tiếp xúc (contactless smartcard). Theo đó, hành khách sẽ chỉ sử dụng một thẻ điện tử duy nhất khi đi lại trên toàn bộ tuyến của mạng lưới xe buýt công cộng. Thay vì sử dụng vé giấy và thanh toán truyền thống, hành khách có thể nạp thêm giá trị sử dụng vào thẻ vé điện tử theo nhu cầu đi lại thông qua các kênh thanh toán điện tử.

Ứng dụng vé điện tử thông minh vào vận tải công cộng sẽ tạo sự thuận tiện cho khách hàng

Đồng bộ với việc triển khai vé điện tử thông minh, TP sẽ cho lắp đặt quầy bán vé điện tử và hỗ trợ khách hàng tại những bến đầu cuối của các tuyến xe buýt có lượng khách trung chuyển lớn trên địa bàn TP. Dự kiến, có khoảng 105 tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá.

Theo Tổng Giám đốc CNS Chu Tiến Dũng, mục tiêu của dự án là đầu tư hạ tầng CNTT tiên tiến và giải pháp thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hành khách đa phương thức trong tương lai (như MRT - Mass Rapid Transport, BRT - Bus Rapid Transit, taxi…). Từ đó, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Dự án còn góp phần giảm thiểu số lượng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ chất lượng môi trường, hướng tới phát triển đô thị bền vững. Đặc biệt việc ứng dụng vé xe buýt điện tử sẽ giúp cho thông tin về người đi xe buýt được chính xác và minh bạch hơn, việc xét trợ giá xe buýt có đủ thông tin chính xác và minh bạch hơn.

Trong những năm qua, CNS luôn duy trì kết quả ấn tượng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%, đóng góp hiệu quả cho ngân sách. Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc CNS Chu Tiến Dũng cho biết, mục tiêu của CNS là làm sao khẳng định được sản phẩm của mình, phải đóng vai trò làm chủ về thị trường, tham gia tích cực vào ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP. Trong hành trình của mình, CNS luôn bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ và TP để thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp Công nghệ thông tin theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Tập trung đầu tư phát triển các dự án công nghệ cao và sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của TP nói riêng và cả nước nói chung.

TCT Công nghiệp Sài Gòn

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *