Kinh tế số: Nguồn tăng trưởng mới và động lực gia tăng năng suất lao động

25/08/2021

Người tạo 0

Chuyên mục:

Các hình thức kinh doanh mới dựa trên công nghệ số đã và đang tạo nên sự thay đổi to lớn và nhanh chóng trong kinh tế, xã hội và mọi mặt của đời sống con người. Kinh tế số đã trở thành một bộ phận đóng góp ngày càng nhiều trong tổng sản phẩm của các quốc gia. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đặc biệt trong quá trình phục hồi hậu COVID-19, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng.

Kinh tế số: Nguồn lực tăng trưởng mới

Song hành với sự phát triển mạnh mẽ mang tính gắn kết giữa các công nghệ số hóa và kinh tế số, sự xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng của các hình thức kinh doanh mới dựa trên công nghệ số đã tạo nên sự thay đổi to lớn và nhanh chóng trong kinh tế, xã hội và mọi mặt của đời sống con người. Xu hướng số hóa nền kinh tế và các hoạt động xã hội đang diễn ra rất nhanh ở nhiều quốc gia, đặc biệt tại một số nước đi đầu và các nước đang phát triển. Kinh tế số đã trở thành một bộ phận đóng góp ngày càng nhiều trong tổng sản phẩm của các quốc gia. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng, đặc biệt trong quá trình phục hồi hậu COVID-19.

Khái niệm “nền kinh tế số”

Cho đến nay, kinh tế số đã trở thành một thuật ngữ có nhiều khái niệm và cách đo lường khác nhau. Theo nghĩa hẹp, kinh tế số chỉ bao gồm các lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT), trong khi nghĩa rộng hơn bao gồm các ngành nghề có mô hình kinh doanh gắn liền với công nghệ số (các nền tảng trực tuyến, các dịch vụ hỗ trợ nền tảng như nền kinh tế chia sẻ, tài chính cộng đồng). Nghĩa rộng nhất của kinh tế số bao gồm toàn bộ mạng lưới các hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên nền tảng số, các lĩnh vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng, …), chính phủ số, xã hội số. (Hình 1)

Hình 1: Khái niệm “nền kinh tế số” theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng

Nguồn: Buhkt and Heeks

 Dư địa tăng trưởng mới từ công nghệ số, kinh tế số

Do mức độ gắn kết và song hành với sự phát triển của công nghệ số, kinh tế số đã tạo thêm các nguồn dư địa về khả năng tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thông qua các phương thức sản xuất và cấu trúc kinh tế mới. Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào các nguồn lực truyền thống đã đến mức tới hạn, và như vậy khi kết hợp thêm kinh tế số sẽ tạo ra các nguồn lực tăng trưởng mới là tài nguyên số, nguồn lực số. Điều này cũng đang đặt ra các thách thức mới về việc cần phải có các mô hình tăng trưởng khác biệt với những giả thuyết chưa từng có; đồng thời nhờ đó mà hiệu suất kinh tế có thể có những thay đổi mang tính bước ngoặt, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình sản xuất và kinh doanh. Lợi ích lớn nhất với người tiêu dùng là có thể kết nối và tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu với giá cả cạnh tranh. Với cách tiếp cận chưa có tiền lệ, kinh tế số mở ra dư địa mới cho tăng trưởng bền vững hơn; công nghệ số sẽ mang lại những giải pháp “xanh” hơn, sử dụng tài nguyên và xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường một cách hiệu quả hơn.

Kinh tế số đang mở ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Kinh tế số hiện là động lực quan trọng để đưa nước ta sớm trở thành quốc gia có công nghệ hiện đại và sáng tạo, từ đó rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác. Việt Nam được coi là một nước có tiềm năng tăng trưởng kinh tế số mạnh mẽ và sẽ trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN. Trong thời gian qua, nền kinh tế đã ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, các ngành kinh tế, từ ngân hàng, tài chính, thương mại, đến giáo dục, y tế…

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Theo Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045” (Tổ chức Data61 - Úc), GDP Việt Nam có thể tăng thêm hàng năm từ 0,38 đến 1,1% tùy vào các kịch bản khác nhau của chuyển đổi số. Mục tiêu của Chương trình chuyến đổi số quốc gia đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%.

 

Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số

Mặc dù năng suất lao động tổng thể của nước ta tăng đều qua các năm nhưng nhìn chung hiệu suất lao động của toàn nền kinh tế còn rất thấp và khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động với các nước trong khu vực vẫn còn khá xa. Phân tích định lượng trong giai đoạn 2012-2017, xét về tổng thể cho thấy ảnh hưởng của kinh tế số đến năng suất lao động Việt Nam rất khiêm tốn với tỉ lệ tăng trưởng đạt 5,3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác; tuy nhiên, có thể thấy đây là giai đoạn phát triển ban đầu của kinh tế số tại Việt Nam. Các động lực trước đây nhằm duy trì mức tăng năng suất lao động đang dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, kinh tế số được kỳ vọng sẽ là một động lực mới cho cải thiện năng suất lao động trong giai đoạn tới. Đến năm 2019, Việt Nam đã dần thu hẹp được khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động với các nước ASEAN khác có trình độ phát triển cao hơn (Hình 2). Như vậy, khi kinh tế số và chuyển đổi số trên đà tăng trưởng sẽ làm thay đổi cơ bản hiệu quả và năng suất của nhiều ngành kinh tế.

Hình 2: Tỷ lệ NSLĐ quốc gia khác so với Việt Nam năm 2011 và 2019 (Đơn vị: lần)

Nguồn: Tổng cục Thống kê

 Xét theo ngành

Dưới tác động của công nghệ, vai trò của kinh tế số trong năng suất lao động thuộc các ngành nông, lâm, thủy sản còn rất hạn chế. Tác động của kinh tế số đối với ngành chế biến chế tạo cũng không cao, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước. Kết quả này cũng phù hợp với đánh giá về mức độ ứng dụng công nghệ số của ngành chế biến chế tạo còn khá khiêm tốn hiện nay. Một số ngành kinh tế khác như vận tải, bán buôn - bán lẻ, lưu trú - ăn uống, tài chính - ngân hàng, bất động sản và một số ngành dịch vụ như y tế, giáo dục… tác động của công nghệ số còn ở mức thấp, chỉ tương đương so với trung bình chung cả nước. Tác động của kinh tế số đến năng suất lao động của ngành CNTT-TT cao hơn mức trung bình chung của toàn nền kinh tế, và cao nhất trong 9 ngành; điều này phản ánh ngành này đã sớm triển khai tận dụng công nghệ số để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, ngành khoa học công nghệ cũng tận dụng được những lợi ích công nghệ số mạng lại với mức độ tác động của kinh tế số đến nâng suất lao động chỉ xếp sau ngành CNTT-TT.

Xét theo khu vực sản xuất

Tác động của kinh tế số đến năng suất lao động ở các khu vực sản xuất cũng không giống nhau. Khu vực kinh tế hợp tác xã có hệ số tác động của công nghệ số là thấp nhất, thấp hơn nhiều mức chung của cả nước. Khu vực kinh tế nhà nước có tác động của kinh tế số đến năng suất lao động ở mức thấp hơn hoặc tương đương mức trung bình của cả nước đã cho thấy mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp nhà nước đối với quá trình số hoá là chưa cao. Trong khi đó, trong khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ số được khẳng định là yếu tố có tác động mạnh hơn các khu vực khác; điều này đã cho thấy sự chủ động của các doanh nghiệp này trong việc ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Kết quả phân tích cũng cho thấy tác động tích cực của công nghệ số đối với năng suất lao động của khu vực cá thể, tuy nhiên mức tác động rất nhỏ và thấp hơn so với các khu vực chính thức.

Dự báo năng suất lao động theo kịch bản phát triển kinh tế số tới năm 2030

Theo một nghiên cứu về năng suất lao động hiện nay ([1]), ở kịch bản gốc chưa tính đến tác động của kinh tế số, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân là 5,7%/năm (giai đoạn 2020-2025) và 5,9%/năm (giai đoạn 2025-2030). Dựa trên bốn kịch bản phát triển kinh số trong Báo cáo “Tương lai nền Kinh tế số của Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045”, nghiên cứu này với phương pháp tính toán theo mô hình kinh tế “hàm sản xuất truyền thống” đã ước tính đóng góp của kinh tế số đến năng suất lao động giai đoạn 2020-2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7-16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng năng suất lao động tổng thể. Như vậy, có thể thấy kinh tế số là một phần đóng góp quan trọng trong năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng năng suất lao động. (Hình 3)

Hình 3: Thay đổi NSLĐ theo kịch bản phát triển kinh tế số so với kịch bản gốc (Đơn vị: triệu đồng/lao động, giá so sánh 2010)

Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

 

Chính sách thúc đẩy kinh tế số và chuyển đổi số

Những năm gần đây, các hoạt động kinh tế số đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và được Đảng, Chính phủ quan tâm, ưu tiên phát triển. Tháng 9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20%, và đến năm 2030 đạt 30% GDP. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản và cụ thể, trong đó năng suất lao động tăng bình quân 7% đến năm 2025 và 8% đến năm 2030. Để đạt được những mục tiêu này, cần có sự bứt tốc ngay từ năm 2021 - năm khởi đầu của việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm.

Để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế số, đạt được các mục tiêu đã đề ra, xây dựng nền tảng để kinh tế số phát triển, bắt đầu tăng tốc trong năm 2021 và các năm tiếp theo, cần triển khai một số giải pháp sau:

Trước hết, sớm hoàn thiện khung thể chế, cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo phù hợp với các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số, đặc biệt là các mô hình và phương thức kinh doanh kiểu mới để kinh tế số sớm tăng quy mô và gia tăng tỷ trọng đóng góp trong tăng trưởng nói chung. Các chính sách về kinh tế số cần bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất trong triển khai và thực hiện các kế hoạch, chương trình về kinh tế số. Cần có những chính sách về (i) khuyến khích phát triển, hỗ trợ các doanh nghiệp “lõi” trong kinh tế số, chuyển đổi số như các doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới; (ii) ưu đãi thuế cho các lĩnh vực phần mềm, khu công nghệ cao, công viên phần mềm; và (iii) khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Thứ hai, cần sớm đưa ra một định nghĩa thống nhất về “kinh tế số” và định nghĩa này phải đạt được sự đồng thuận cao, rộng rãi; từ đó đo lường kinh tế số một cách nhất quán để so sánh và xây dựng các giá trị kinh tế số “cơ sở” của một năm, làm căn cứ cho việc đặt mục tiêu phát triển kinh tế số về quy mô và tốc độ phát triển.

Trên thực tế, sự bùng nổ của các công nghệ số kéo theo sự hình thành và phát triển đa dạng các hình thức, chiến lược và giải pháp kinh doanh mới dựa trên công cụ số đã che mờ đi nhiều khía cạnh tác động của công nghệ số và kinh tế số tới nền kinh tế. Điều này đặt ra các thách thức lớn trong việc đo lường về kinh tế số. Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á 2020, kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 14 tỷ USD năm 2020 và dự kiến 52 tỷ năm 2025, con số này cách khá xa so với mục tiêu hiện nay Việt Nam đang đặt ra là kinh tế số chiếm 20% GDP, sự khác biệt này có liên quan chủ yếu đến phạm vi đo lường kinh tế số.

Về năng suất lao động, mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia là đến năm 2025, hàng năm tăng tối thiểu 7% và 8% đến năm 2030, con số này cũng cao hơn hẳn so với các dự tính về tốc độ tăng năng suất lao động và đóng góp đối với tăng trưởng năng suất lao động trong các kịch bản kinh tế số và chuyển đổi số hiện nay. Điều này cũng đặt ra các thách thức lớn trong việc cải thiện cấu trúc các mô hình kinh tế lượng truyền thống hiện nay trong việc phân tích tác động toàn diện và đầy đủ của kinh tế số đến tăng trưởng năng suất lao động.

Thứ ba, gia tăng đầu tư, đặc biệt là đầu tư công nhằm nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ số thiết yếu và rộng khắp, bao quát mọi ngõ ngách của nền kinh tế và đến từng công dân, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nâng cấp hạ tầng các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu một cách đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp được sử dụng những tiện ích do kinh tế số mang lại. Chính phủ cần tạo dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để các doanh nghiệp hòa nhập và nắm bắt được xu hướng và thế mạnh của kinh tế số.

Thứ tư, nâng cao nhận thức về phát triển nền kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho khả năng thích ứng các xu hướng phát triển này đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sớm triển khai tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng cao năng lực quản trị phù hợp với những mô hình sản xuất, kinh doanh và hợp tác mới.

Thứ năm, khi tham gia vào thị trường lao động trong nền kinh tế số, người lao động phải đổi mới để thích nghi với các kỹ năng, kiến thức và các phương thức kinh doanh truyền thống trước đây nay đang dần chuyển sang môi trường số. Nhìn dài hạn hơn, cần phát triển nguồn nhân lực theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi, phát triển; từ đó thúc đẩy tư duy sáng tạo, đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo với việc thay đổi từ quản lý giáo dục, phương pháp dạy, giáo trình dạy và các môn hoc mới gắn với số hóa. Kỹ năng số cần được giới thiệu tới lứa tuổi trẻ hơn, từ cấp mầm non và nâng dần mức độ cho các lứa tuổi ở cấp độ học cao hơn. Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành và đội ngũ quản trị các cấp của doanh nghiệp.

Thứ sáu, hiểu biết một cách đúng đắn và toàn diện cả về lợi ích cũng như về thách thức đối với kinh tế số là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số theo con đường tối ưu nhất có thể được. Một thách thức của kinh tế số là góp phần làm sâu sắc thêm phân hóa giàu-nghèo trong xã hội, vì các cơ hội “làm giàu” từ kinh tế số sẽ tùy thuộc vào năng lực thích ứng vốn rất khác nhau của các tác nhân trong nền kinh tế.  Ngoài ra, vấn đề thuế kinh tế số như là một hệ quả từ thách thức đo lường kinh tế số, tính đa dạng và sự cải tiến không ngừng các hình thức kinh doanh số sẽ làm gia tăng độ phức tạp của vấn đề thuế đối với kinh tế số trong việc thực hiện bài toán công bằng và hiệu quả.

Cuối cùng, với tốc độ phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, đặc biệt ở khu vực rất năng động là châu Á, kinh tế số đang tạo ra những cơ hội hiếm có để Việt Nam có thể tận dụng trong bứt tốc phát triển kinh tế đất nước, nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn mà nếu không vượt qua sẽ ngày càng tụt hậu. Kinh tế số được xác định là động lực phát triển quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trở thành quốc gia có công nghệ phát triển, là động lực tăng trưởng rất quan trọng trong những năm tới, góp phần gia tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng. Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng, phát triển kinh tế số và đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia là phương thức để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là cách thức để Việt Nam vẽ lên một tương lai phát triển không chỉ đơn giản là tiếp nối xu hướng của quá khứ mà là đưa nền kinh tế bước vào một quỹ đạo tăng trưởng mới mang tính bứt phá. Trong quá trình phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia, chúng ta cần và có khả năng là người đi trước để rút ngắn khoảng cách với các nước, nếu chậm chân khi kinh tế số và chuyển đổi số đã trở thành phổ biến thì sẽ mất cơ hội vươn lên đi đầu làm chủ công nghệ, mất đi cơ hội thu hút người tài và chậm phát huy dư địa cho tăng trưởng bền vững.

GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Nguồn: VNR500

 

[1] Trần Thọ Đạt, Tô Trung Thành (chủ biên); “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên – 2019: Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, 2020.

  


Bình Luận (0)



Gửi bình luận

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *